Vì sao cải cách của Tổng BT Tô Lâm chỉ là cuộc đấu đá nhằm “ăn miếng trả miếng”? 

Hội nghị Trung ương 12 – khóa 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong 2 ngày, đã kết thúc với một loạt quyết định gây chấn động chính trường và dư luận xã hội. 

Đó là việc 3 cựu “tứ trụ” gồm Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ đã bị cách tất cả chức vụ trong Đảng. Còn cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị khai trừ khỏi Đảng để chờ ngày hầu tòa. 

Những quyết định này được truyền thông nhà nước gọi là “thanh lọc đội ngũ”, nhưng theo giới phân tích chính trị, đây thực chất là hành động “ăn miếng trả miếng” giữa 2 thế lực chính trị hàng đầu đang tranh giành ảnh hưởng trước thềm Đại hội 14.

Theo giới quan sát, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, khi vừa lên ngôi Tổng Bí thư chưa đầy hai tháng, đã không giấu tham vọng với hàng loạt các tuyên bố cải cách để đưa Việt Nam sang “kỷ nguyên mới” – theo xu hướng của các quốc gia văn minh tiến bộ phương Tây.

Tuy nhiên, đằng sau lớp vỏ cải cách, chỉ là tấm bình phong để phục vụ mục tiêu quan trọng hơn: thanh toán các tàn dư chính trị cũ từ thời ông Nguyễn Phú Trọng và dọn đường cho thế lực chính trị của Tô Lâm lên ngôi.

Đáng chú ý, việc “trảm” các cựu lãnh đạo cấp cao ngay trong Hội nghị Trung ương 12, trùng thời điểm giỗ đầu cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện mang ý nghĩa sâu sắc. 

Trong khi truyền thông nhà nước tuyệt đối im lặng về ngày giỗ đầu của ông Trọng, thì bản tin kỷ luật các đồng chí thân cận của ông lại được đưa lên hàng đầu. 

Đây không chỉ là hành động xóa bỏ di sản chính trị của người tiền nhiệm, mà còn là một cú đấm mang tính răn đe tới phe bảo thủ và nhằm ngăn chặn những kẻ có nguy cơ tìm cách “lật đổ” ông Tô Lâm nhưng chưa thành.

Theo giới thạo tin, Hội nghị Trung ương 12 được tổ chức sớm để tránh cho các rủi ro có thể xảy ra đối với Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Nhiều ý kiến đã ví von tình thế của ông Tô Lâm hiện nay giống hệt cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm xưa. Mà tuyên bố của ông Đỗ Mười khi tuyên bố công khai: “Nó lật tao thì tao lật nó”, đã trở thành nguyên lý sống còn trong cuộc đấu đá quyền lực ở Việt Nam. 

Và, chính ông Tô Lâm đã vận dụng nguyên lý đó một cách hiệu quả, nhanh tay ra đòn “tiên hạ thủ vi cường” nhằm hạ gục đối thủ trước, để củng cố quyền lực.

Theo giới phân tích quốc tế, trong hơn 90 năm tồn tại, chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam rơi vào tình trạng nội chiến phe phái khốc liệt như hiện nay. 

Đó là, cuộc đối đầu “một mất một còn” giữa 2 thế lực chính trị hàng đầu giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng, từ năm 2011 đến 2016 cũng chỉ là điểm khởi đầu. 

Kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12 (2016) khi ông Trọng phát động chiến dịch “đốt lò” với mục đích thanh trừng các đối thủ chính trị là đàn em của ông Ba Dũng. Cho đến nay, khi ông Tô Lâm lên ngôi với sự hậu thuẫn từ ông Ba Dũng thì thế trận lại xoay chiều. 

Những nhân vật thân cận với ông Ba Dũng thì được xử lý nhẹ tay hoặc được “giải cứu”, như Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca là một ví dụ. Trong khi các nhân vật từng là người thân cận của ông Nguyễn Phú Trọng như Thưởng, Huệ, Mai…, đã bị ông Tô Lâm “truy cùng, diệt tận” và loại bỏ tận gốc. 

Điều này cho thấy, khi phe cánh nào ở trong Đảng kiểm soát được quyền lực thì phe đó sẽ làm chủ cuộc chơi. Và, luật pháp và công lý cũng chỉ là phương tiện phục vụ cho kẻ mạnh.

Thông qua các diễn biến chính trị tại Hội Nghị Trung ương 12 vừa qua, rõ ràng những tuyên bố về “kỷ nguyên mới” hay “cải cách” của ông Tô Lâm chỉ để che giấu mục đích thực sự là “ăn miếng, trả miếng”.

Đó là, củng cố quyền lực, thanh trừng phe phái, và loại bỏ đối thủ tiềm năng, và đây không phải là cải cách vì dân, mà là việc cải cách vì quyền lực của ông Tô Lâm và phe cánh mà thôi.

Trà My – Thoibao.de