Có một thời, người ta đứng trước chân dung các ông ấy mà gật gù: “đây là những khuôn mặt của đổi mới thể chế”; rồi một thời khác, người ta giơ cao tay, dập bàn, đòi xử lý “cho nghiêm – cho đau” khi nghe ba chữ “kỷ luật Đảng” vang lên. Nhưng kỳ thực, giữa hai thời đó, là một khoảng tối – nơi những chiếc bóng quyền lực lặng lẽ phình to, còn thể chế thì co lại như chiếc áo chật ních niềm tin.
Ngày 19 tháng 7 năm 2025, lịch sử quyền lực Việt Nam chứng kiến điều hiếm thấy: bốn Ủy viên Bộ Chính trị – ba nguyên thủ quốc gia và một Phó Thủ tướng đương chức – bị cách toàn bộ chức vụ trong Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ một, mà là cả một “nhóm quyền lực lõi” cùng rơi vào danh sách bị kỷ luật. Và lần đầu tiên, người dân ngẩn ngơ đến mức… không biết nên khóc hay nên cười.
Vì sao nên khóc?
Vì nếu như những người từng là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ mà còn phải ra đi vì “vi phạm nguyên tắc, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng” – thì thử hỏi:
Cả hệ thống giám sát ở đâu?
Quốc hội ở đâu?
Chính phủ ở đâu?
Ủy ban Kiểm tra Trung ương từng ở đâu suốt những năm ấy?
Và nếu phải tới lúc này, mới “phát hiện được sai phạm”, thì lẽ nào kỷ luật là thứ thay thế cho cả hệ thống pháp luật, kiểm toán, và kiểm tra nội bộ?
Vì sao nên cười?
Vì ít nhất, một cánh cửa tưởng như không thể mở đã được đẩy ra. Ít nhất, các “tượng đài bất khả xâm phạm” cũng có thể nghiêng. Và ít nhất, câu hỏi “ai chịu trách nhiệm?” đã có lời đáp, dù đến muộn. Nhưng cười trong lặng lẽ, vì nếu không có một cơ chế minh bạch và kiểm soát quyền lực bền vững – thì hôm nay xử một nhóm quyền lực, mai có thể sinh ra một nhóm khác, chỉ tinh vi hơn, ít để lại dấu vết hơn.
Nguyễn Quốc Chính