Sức khỏe tâm thần của người Việt ở Đức, những thách thức lớn

Tiến sĩ Tạ Thị Minh Tâm trình bày nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của người Việt

Ngày 24/10/2018 tại Bệnh viện đạo Tin Lành Hoàng hậu Elisabeth Herzberge (KEH) đã diễn ra hội thảo chuyên đề lần thứ 8 về người Việt ở Berlin để kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần của những người nhập cư Việt Nam, đánh giá những việc đã làm được và tìm ra những thách thức mới đối với công tác này.

Tham dự hội thảo có ông Michael Mielke, Giám đốc điều hành bệnh viện KEH, Tiến sĩ Thomas Götz, Đặc phái viên của chính quyền bang Berlin về Tâm thần học và Giáo sư, Tiến sĩ Albert Diefenbacher, Bác sĩ trưởng khoa tâm thần học bệnh viện KEH và nhiều nhà chuyên môn, đại diện đông đảo các hội đoàn, tổ chức giúp đỡ người Việt Nam, thành viên của Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần của người nhập cư Việt Nam.

Sau phát biểu chào mừng của các quan khách, bà Nozomi Spenneman thuộc Hội VIA Berlin/Brandenburg đã lên giới thiệu về Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần của người nhập cư Việt Nam. Bà Spenneman cho biết, với trên 26.000 người, cộng đồng người nhập cư Việt Nam là cộng đồng người nhập cư lớn nhất ngoài châu Âu tại Berlin. Kết quả các cuộc điều tra cho thấy, do thiếu hiểu biết về hệ thống chăm sóc y tế ở Đức, tiếng Đức kém, sự lo ngại trước sự phân biệt đối xử và những yêu tố văn hóa, xã hội khác, người Việt đã sử dụng rất ít những điều kiện chăm sóc và điều trị sức khỏe tâm thần hiện có. Vì vậy, năm 2013, Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần được thành lập nhằm đối phó với sự thiếu hụt và việc thiếu tận dụng những cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần ngoại trú cũng như nội trú hiện có ở Berlin. Trước bối cảnh này, Mạng lưới đề ra mục tiêu cải thiện sự hiểu biết về khả năng được chăm sóc sức khỏe tâm thần và tìm cách tăng thêm các nhân viên người Việt để có thể tư vấn và điều trị cho bệnh nhân bằng tiếng Việt. Tới nay, sau 5 năm hoạt động, hơn 30 tổ chức, cơ sở y tế, tâm thần học như bệnh viện KEH, bệnh viện Charite, các tổ chức giúp đỡ người nhập cư, các tổ chức giúp đỡ thanh thiếu niên và chính quyền địa phương… đã tích cực tham gia vào mạng lưới này để có thể phối hợp, tăng cường tư vấn, giúp đỡ người Việt phòng và điều trị bệnh tâm thần…

Tiến sĩ Tạ Thị Minh Tâm, bác sĩ tâm thần học ở Bệnh viện Trường Đại học Y Charite CBF đã trình bày một công trình nghiên cứu được tiến hành trong ba năm qua, tìm hiểu, đánh giá những yếu tố tác động lên sức khỏe tâm thần của cộng đồng người Việt nhập cư như lứa tuổi, giới tính, trình độ tiếng Đức, công ăn việc làm, tín ngưỡng, quan niệm truyền thống về sức khỏe tâm thần, quan niệm về hội nhập, địa vị kinh tế, xã hội, quy chế lưu trú…

Tiến sĩ Minh Tâm cho biết, khởi đầu là một trung tâm tư vấn và một cơ sở điều trị ngoại trú đặc biệt dành cho người Việt Nam, từ năm 2010 tới nay, bệnh viện Charite và bệnh viện KEH đã tư vấn và điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân Việt Nam. Tới nay, mạng lưới chăm sóc y tế cho người Việt đã được xây dựng và phát triển. Việc ngày càng có nhiều người sử dụng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thấy việc chăm sóc y tế bằng tiếng mẹ đẻ và có sự gần gũi về văn hóa có thể góp phần cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người nhập cư. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như kém tiếng Đức, tham công tiếc việc… nên nhiều người Việt rất ngại đi khám bệnh và như một bác sĩ Đức nhận xét là „đi khám khi đã quá muộn“.

Một số bác sĩ, nhân viên xã hội người Việt và người Đức đã trình bày tình trạng và hướng điều trị bệnh đau kinh niên ở người Việt, việc điều trị nội trú ngắn hạn, việc giúp đỡ, chăm sóc những người sống ở nhà riêng nhưng việc đi lại khó khăn…

Buổi chiều, những người tham dự hội thảo chia thành ba nhóm chuyên đề để thảo luận về các chủ đề như „Người mẹ Việt Nam bị trầm cảm: Cách nhận biết, tư vấn và điều trị“, „Biện pháp điều trị tâm thần nhằm phòng ngừa những rối loạn do căng thẳng và nỗ lực tình cảm đặc trưng của người nhập cư“ cũng như „Sự hợp tác trong mạng lưới chuyên môn đa ngành dưới góc độ của cộng đồng người nhập cư“.

Bà Spenneman cũng cho biết, để cung cấp thông tin về bệnh tật, về hệ thống giúp đỡ cho các bệnh nhân cũng như để cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên môn, từ tháng 11 tới sẽ có trang tiếng Việt và tiếng Đức của Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần của người Việt nhập cư trên mạng Internet như sau:
www.suckhoe-tinhthan.dewww.netzwerk-psygesundheit.de

Việc đông đảo hội đoàn và tổ chức cũng như cá nhân tham dự hội thảo cho thấy chính quyền Berlin và các tổ chức, hội đoàn rất quan tâm tới các vấn đề của người Việt, trong đó có vấn đề sức khỏe… Mong sao cộng đồng người Việt sớm khắc phục được những điểm yếu của mình đề ngày càng hội nhập tốt hơn, khỏe mạnh và ngày càng phát triển.

Văn Long – Thoibao.de

Bà Spenneman giới thiệu về Mạng lưới vì sức khỏe tâm thần người Việt nhập cư
Quang cảnh hội trường


Kasse animation 7.8.2023