Hãy cảnh giác với thư đòi nợ thuê

Nếu nhận được thư của công ty đòi nợ thuê, người tiêu dùng nên cảnh giác. Nếu việc đòi nợ đúng thì bạn phải trả, nhưng trong đó cũng có thư của bọn lừa đảo. Vậy làm sao để nhận biết những thư đòi tiền giả mạo và người ta nên phản ứng ra sao?

Người tiêu dùng thường bất ngờ thấy trong thùng thư của mình hóa đơn đòi tiền từ đường dây điện thoại kích dục, từ những trò chơi đỏ đen có thưởng, hoặc dịch vụ âm nhạc. Người gửi thư thường là những công ty đòi tiền thuê. Cho dù những người nhận được những bức thư đòi tiền này chẳng hiểu mình nợ từ bao giờ, nhưng nhiều người vẫn trả cho yên, vì số tiền không nhiều. Nhưng vấn đề ở chỗ là nhiều khoản đòi được bịa ra.

Ngay từ đầu năm nay, Hiệp hội các doanh nghiệp đòi nợ thuê Đức (BDIU) đã cảnh báo việc đòi nợ thuê giả mạo qua SMS, E-Mail hoặc thư. Những người bảo vệ người tiêu dùng cũng chỉ ra những bức thư thiếu nghiêm túc. Vì vậy, Luật sư Sylvia Kaufhold, ủy viên Ủy ban lập pháp Luật dân sự và Luật hợp đồng châu Âu trong Hội luật sư Đức (DAV) khuyên mọi người trước tiên nên kiểm tra việc đòi tiền đó có đúng hay không.

Ông Marco Weber của BDIU cho rằng, nếu người tiêu dùng nhận được thư rác hoặc cảnh báo trả tiền không đúng thì đừng nên trả lời, bởi vì nếu những tên lừa đảo nhận thấy người tiêu dùng có phản ứng, chúng sẽ tiếp tục đeo bám đòi tiền. Trong trường hợp này nên báo với cảnh sát để cơ quan chức năng có thể sử dụng quyền lực pháp lý để chống lại.

Bà Kaufhold cho biết, về nguyên tắc, chỉ luật sư hoặc các doanh nghiệp đòi nợ thuê có đăng ký hoạt động là được phép đòi nợ cho bên thứ ba, điều này được quy định trong „Luật dịch vụ pháp lý“. Nhưng bọn lừa đảo cũng thường sử dụng giả mạo logo, tên hiệu của những doanh nghiệp nghiêm túc, có đăng ký hoạt động.

Các luật sư khuyên nên cảnh giác và nghi ngờ, nếu những con số trong tiêu đề thư không trùng khớp với những số liệu còn lại. Càng phải cảnh giác nếu tài khoản cho thấy đặt ở nước ngoài. Điều này người ta có thể nhận thấy hai con số đầu tiên của IBAN, trong đó DE là ở Đức.

Còn có nhiều dấu hiệu có thể để lộ chân tướng kẻ lừa đảo. Bởi vì các doanh nghiệp đòi nợ thuê bắt buộc phải cung cấp một số thông tin. Theo luật định, trong thư đòi tiền đầu tiên, họ phải nêu rõ lý do đòi tiền, số tiền chính xác, số lãi cũng như tên và địa chỉ của công ty đòi nợ thuê.

Những ai không chắc chắc, có thể hỏi lại ở Trung tâm bảo vệ người tiêu dùng hoặc chính công ty đòi nợ thuê. Những công ty làm dịch vụ nghiêm túc sẽ làm mọi cách để trình bày rõ ràng quyền được thanh toán của chủ nợ. Họ có nghĩa vụ theo pháp luật phải cung cấp những thông tin đó cho con nợ nếu được hỏi.

Cũng có thể công ty đòi nợ là nghiêm túc, nhưng hóa đơn đòi nợ là không đúng, ví dụ như khách hàng đã chuyển tiền thanh toán hoặc hợp đồng không có hiệu lực vì lý do nào đó, vì vậy, người tiêu dùng nên khiếu nại bằng văn bản đối với chủ nợ.

Nếu việc đòi nợ không hợp lý thì công ty đòi nợ thuê cũng không được đòi lệ phí cho hoạt động của mình. Nếu việc đòi nợ gây tranh cãi thì chủ nợ phải chịu chi phí thuê công ty đòi nợ.

Về nguyên tắc, các công ty đòi nợ thuê không được đòi lệ phí nhiều hơn lệ phí luật sư. Số lệ phí này được tính theo công sức bỏ ra và giá trị số nợ phải đòi theo Quy định lệ phí luật sư. Nếu việc đòi nợ là đúng thì người tiêu dùng phải trả số tiền nợ, nếu có khó khăn về phải chính thì có thể thỏa thuận trả dần.

Các luật sư khuyên rằng, trong trường hợp này, con nợ nên thỏa thuận trực tiếp với chủ nợ, vì nếu không, luật sư hoặc công ty đòi nợ thuê có thể tính thêm lệ phí.

Nếu món nợ là đúng thì người liên quan không nên phớt lờ, vì nếu không chi phí sẽ tăng lên. Ngoài ra, vụ việc có thể bị đưa ra kiện trước tòa và vụ việc có thể chuyển cho người thi hành án của Tòa xiết nợ. Quyết định thi hành án có tác dụng như một phán quyết của Tòa và chủ nợ có thể tìm cách đòi nợ trong 30 năm, vì vậy, nên sớm phản ứng đối với những khoản đòi nợ hợp pháp.

Văn Long – Thoibao.de (Theo báo chí Đức)

Kasse animation 7.8.2023