Căng thẳng: Hà Nội có thể phải “khóa chặt” cả khu phố

Đại dịch đang lan rộng ngoài Trung quốc, trong đó dự kiến nhiều thành phố ở Việt Nam sẽ “vỡ trận” khi dịch bùng phát, vì không đủ chỗ và cơ sở vật chất để điều trị dài ngày

Thống kê tình hình dịch Covid-19 theo trang Worldomters.info cho biết toàn thế giới đến ngày 27/2/2020 đã có 82.588 ca nhiễm và 2.814 ca tử vong. Hôm nay là ngày đầu tiên cho thấy số lượng ca nhiễm mới ở ngoài Trung quốc đã vượt cao hơn nội địa Trung quốc. Tại Trung quốc chỉ có 450 ca nhiễm mới và 32 ca tử vong, số liệu thấp nhất từ trước đến nay.

Các nước ngoài TQ có thêm tổng cộng 741 ca nhiễm, trong đó nhiều nhất là Hàn quốc tăng thêm 505 ca, Iran thêm 106 ca, Italy thêm 58 ca nhiễm.
Danh sách các nước có sự hiện diện của COVID-19 vừa bổ sung thêm 8 quốc gia mới: Đan Mạch, Estonia, Na-Uy, Hy Lạp, Bắc Macedonia, Cộng hòa Georgia, Romania và Brazil.
Dịch COVID-19 đã bắt đầu lan đến Đông Âu với ca nhiễm đầu tiên được chính thức công nhận từ Cộng hòa Georgia.
COVID-19 đã nhảy thẳng từ Iran sang CH Georgia mà vẫn chưa chạm đến Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và Azerbaijan.
Khu vực Balkan cũng đã có mặt trên bản đồ COVID-19 với ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại 2 nước, Hy Lạp và Bắc Macedonia
Nam Mỹ cũng đã chính thức có mặt sau khi Brazil xác nhận bệnh nhân đầu tiên sau 2 lần xét nghiệm.
Châu Âu nay là 17 quốc gia có Covid-19 (thêm Đan Mạch, Estonia, Na Uy và Bắc Macedonia)
Tây Ban Nha có 15 ca và khách sạn Costa Adeje Palace có 1000 khách bị phong tỏa và cách ly khi có 4 ca nhiễm bệnh hiện các khách khác vẫn chưa được về nhà.

Bảng thống kê của báo Tuổi trẻ về tình hình dịch cúm Covid-19 trên toàn thế giới

Châu Á tình hình nan giải nhất vẫn là Hàn quốc: Hàn quốc có 1.766 ca, trong đó 13 ca đã tử vong nhưng tình hình kiểm soát tại tâm dịch vẫn nửa vời, dân vẫn đi lại tung tăng chứ không phong tỏa hoàn toàn như ở Trung quốc.

Hàn Quốc đã có tổng số người nhiễm lên đến 1.766, với 13 ca tử vong, tăng thêm 171 ca so với sáng nay. Riêng hôm nay tăng 505 ca đã vượt qua số 450 ca nhiễm mới hôm nay của TQ. Hàn quốc bùng nổ dịch bệnh và khó khống chế, khả năng hậu quả sẽ kinh khủng hơn Trung quốc nhiều vì không kiên quyết.
Trong số 171 ca mới, có 115 người đến từ Daegu và 24 người đến từ tỉnh Bắc Gyeongsang.
Daegu có 2,5 triệu dân dù được Chính phủ bàn phải đóng cửa, song tới nay vẫn mở, không ngăn chặn triệt để. Hàn Quốc không kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân tại những nơi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như Daegu, cũng không cấm du khách từ Trung Quốc trừ Hồ Bắc theo tin từ AFP và Yonhap.
Dù tại Daegu hiện tất cả thư viện công cộng, bảo tàng, nhà thờ, trung tâm điều dưỡng và tòa án đều đã đóng cửa. Trường học hoãn học kỳ 2, và chính quyền khuyến cáo không tụ tập đám tang đám cưới. Nhưng Seomun, khu chợ lớn nhất Daegu, hoạt động trở lại hôm 24/2 sau một ngày khử trùng, một số người đã xếp đồ ra bán.
Nhà hàng và quán cà phê cũng nhanh chóng chuyển sang dịch vụ giao tận nơi để duy trì kinh doanh. Ngay cả trong khu dân cư phía sau nhà thờ Tân Thiên Địa, trung tâm dịch bệnh, các nhân viên của một công ty dịch vụ vẫn đang đi dán quảng cáo. Và tàu điện của thành phố này vẫn có 50% hành khách đi lại tung tăng.

Người Hàn Quốc xếp hàng dài hơn trăm mét để mua khẩu trang

Nhật bản có thêm 22 ca thành 186 ca cộng thêm 705 ca của tàu Công chúa Kim Cương thành gần 1000 ca. Nhật bản đã có 7 ca tử vong và 1 ca tái nhiễm.

Nước Nhật cũng có thể chủ quan, vẫn cho trẻ con đi học, do đó có ít nhất 3 trẻ đã lây bệnh tại trường. Hokkaido đã có 35 ca nhiễm, cao nhất ngoài Tokyo, với nhiều ca là học sinh, giáo viên, tài xế xe buýt trường học…
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 27.2 đề nghị mọi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học, trên toàn Nhật Bản hãy đóng cửa từ ngày 2.3 cho đến tháng 4 để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Dư luận Trung Đông đang nghi ngờ Iran giấu dịch, bởi thông tin về Iran có mâu thuẫn. Trung Đông rất gay go vì đang bị cấm vận, chiến tranh và dịch vụ y tế nghèo nàn.
Iran cũng cho biết trong vòng 24 giờ qua thêm 106 ca nhiễm mới. Như vậy, Iran hiện có 245 ca nhiễm và chết tới 22 người . Tỷ lệ tử vong từ Covid-19 ở Iran đã tăng vọt lên hơn 13% – cao hơn đáng kể so với bất kỳ quốc gia nào khác trải qua sự bùng phát mầm bệnh.
Vì vậy số ca nhiễm thật sự có thể cao hơn 245 vì tỷ lệ tử vong hiện cho thấy quá cao so với tỷ lệ chung toàn cầu. Tỷ lệ tử vong ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, tâm chấn của virus cũng chỉ là khoảng 2%.

Hình ảnh con tàu du lịch Công chúa Kim Cương với 705 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong số 3700 người trên tàu hiện còn đậu cách ly ngoài cảng Yokohama

Bất chấp sự lây lan của virus, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết hôm thứ Tư rằng chính quyền sẽ không kiểm dịch hay cách ly bất kỳ thành phố nào của Iran. Ông cũng cáo buộc Mỹ cố gieo rắc “nỗi sợ hãi” ở Iran rằng virus trở thành “vũ khí dưới tay kẻ thù của chúng ta” như là một phần của “tuyên truyền” chống lại đất nước.

Đến hôm nay đã có bốn(04) quan chức Chính phủ Iran lần lượt bị nhiễm virus Corona Vũ Hán.
Phó tổng thống Iran phụ trách vấn đề gia đình và phụ nữ, bà Masoumeh Ebtekar, đã dương tính với virus corona chủng mới – virus gây bệnh COVID-19, theo Hãng tin IRNA ngày 27-2.
Bà Ebtekar là thành viên đầu tiên thuộc nội các của Tổng thống Hassan Rouhani nhiễm virus này. Trước đó cùng ngày Chủ tịch Ủy ban An ninh và Đối ngoại QH Iran, ông Mojtaba Zolnour thông báo ông bị dương tính với virus corona. Tuy nhiên, ông khẳng định “đây không phải là điều gì đáng lo ngại. Theo ý Thượng Đế, chúng ta sẽ chiến thắng virus corona.”
Ông Mojtaba Zolnour từng làm phó đại diện tối cao của Giáo chủ Khamenei trong Bộ tư lệnh Vệ binh Cộng hòa và là giáo sĩ Shia, theo trường phái cứng rắn. Ông từng nói hồi tháng 7/2019 là sẽ “xóa sổ Israel” trong vòng 30 phút nếu Hoa Kỳ tấn công Iran.
Hai quan chức khác của Iran – là nghị sĩ Mahmoud Sadeghi và thứ trưởng Bộ y tế Iraj Harirchi đã bị nhiễm virus trong 2 hôm liên tiếp.
Hãng tin quốc gia Iran ngày 27-2 cũng đưa tin giáo sĩ Hadi Khosroshahi đến từ Qom đã tử vong vì COVID-19. Ông Khosroshahi từng giữ chức đại sứ Iran tại Vatican sau cuộc cách mạng năm 1979.

bốn quan chức Chính phủ Iran lần lượt bị nhiễm virus Corona bao gồm: Phó tổng thống – bà Masoumeh Ebtekar, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Đối ngoại QH Iran ông Mojtaba Zolnour(phải trên), nghị sĩ Mahmoud Sadeghi (trái dưới) và thứ trưởng Bộ y tế Iraj Harirchi

Quyết định của Ả Rập Saudi cấm người hành hương đến các thánh địa Mecca và Medina để ngăn Covid-19 lan nhiễm đang gây chấn động Thế giới Hồi giáo.

Saudi không muốn thành ‘Iran thứ hai’. Rút bài học từ những gì đã xảy ra ở Iran, quyết định của Arab Saudi về việc tạm thời dừng các cuộc hành hương tôn giáo đã không gây ngạc nhiên.
Các trường hợp nhiễm virus corona hiện đã xuất hiện ở nhiều quốc gia láng giềng của nước này như Oman, Kuwait và Bahrain và đều liên quan đến du khách từng đến Iran thăm viếng tôn giáo.
Lệnh cấm được đưa ra khi chỉ còn chưa đầy 60 ngày nữa là bắt đầu tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Đây là khoảng thời gian bận rộn thứ hai trong năm mà khi đó, hàng triệu tín đồ sẽ hành hương về Mecca – nơi sinh của Nhà tiên tri.
Chính quyền cũng đã quyết định không cho phép khách du lịch thuần túy (không phài hành hương tôn giáo) từ các quốc gia nơi virus corona đang lây lan đến nước này.
Quyết định được đưa ra vào thời điểm chính phủ Arab Saudi đã và đang nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút nhiều du khách nhằm thúc đẩy ngành du lịch. Nước này đặt mục tiêu du lịch sẽ chiếm 10% GDP vào năm 2030.
Nền kinh tế của Arab Saudi vốn đã chịu áp lực do dầu trượt giá vì nhu cầu giảm. Nước này này là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc.

Thánh địa Mecca ở Arab Saudi nơi hàng triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới về hành hương

Quay trở lại tình hình chống dịch Covid-19 ở Việt nam cho thấy, báo chí trong nước nay đã đăng nhiều cảnh báo quá tải đối với các khu cách ly tập trung ở Hà nội, Khánh Hòa và Cao Bằng.
Sau những cảnh báo vỡ trận của lãnh đạo TpHCM thì có vẻ báo chí và các quan chức đã không còn e ngại đưa ra những câu cảnh báo vỡ trận ở Hà Nội hay các thành phố khác, cũng tương tự như TpHCM, thậm chí còn có vẻ nguy ngập hơn.

Hà Nội hiện chỉ có chưa tới 1.000 chỗ để cách ly tập trung trong khi sẽ phải đón 5 chuyến bay từ Hàn Quốc trong tối 26/2. Phó chủ tịch UBND Tp Hà nội Ngô Văn Quý đề nghị khảo sát trường lái xe, sửa chữa, dọn vệ sinh để có nơi cách ly tập trung khi số lượng tăng lên. “Đây là giải pháp cấp bách cần phải làm ngay, nếu Chủ tịch cho phép thì ngày mai phải triển khai ngay. Nếu không vài ba hôm nữa hết chỗ“.
Lãnh đạo Sở Y tế và Bộ Tư lệnh thủ đô đã có tờ trình UBND Hà Nội về phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến, với khả năng tiếp nhận 3.000 bệnh nhân.
Trước đó hôm 24/2 ông Hoàng Xuân Ánh Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng nói tỉnh chỉ có khả năng tiếp nhận 1.500 công dân để cách ly trong 14 ngày, hiện nay các điểm tập trung này đã “chuẩn bị quá tải”, và lượng khẩu trang cũng chỉ đủ dùng cho 20 ngày.
Hôm 27/2 Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cũng dự kiến việc phải cách ly cả một khu phố.
Phải chuẩn bị sẵn sàng, nếu không sẽ trở tay không kịp. Như Vĩnh Phúc cách ly cả một xã rất tốt, nhưng đó là ở nông thôn, còn đô thị cách ly cả khu phố rất phức tạp, song chúng ta vẫn phải tính đến tình huống này. Bởi thành phố có hơn 10 triệu dân. Nếu thủ đô mà có dịch thì rất dễ lây lan vì đây là cửa ngõ“.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ (giữa), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc (trái) làm việc với ngành y tế thủ đô

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de(Tổng hợp)