Lao động Việt tại Đài Loan – thân phận công dân XHCN

https://www.youtube.com/watch?v=4u8u9BW9F8A

\Hôm qua, ngày 27/02, BBC Tiếng Việt có một phóng sự về thực trạng người lao động Việt Nam tại Đài Loan lấy tiêu đề từ tâm nguyện cháy bỏng của một người Việt làm việc ở Đài Loan từ hơn sáu năm nay: “Tôi không muốn người Việt sang Đài Loan làm việc”. Câu chuyện của người trong cuộc cho thấy con đường từ Việt Nam sang Đài Loan không chỉ mất nhiều tiền bạc cũng như thời gian mà cuộc sống lao động ở xứ người cũng vô vàn gian truân. Và các công ty môi giới đã trục lợi trên mồ hôi, nước mắt của người lao động và gia đình họ.

Mỗi lao động Việt muốn sang Đài Loan đều phải qua các công ty môi giới. Việc đầu tiên họ phải trải qua là cuộc sống bị giam lỏng với điều kiện sống tồi tàn tại các trung tâm này.

Nhân vật Nguyễn Viết Ca trong phóng sự của truyền thông quốc tế chia sẻ lại chuỗi ngày như ở tù tại công ty môi giới.
Tất cả có khoảng 200-300 lao động đến đăng ký xin đi xuất khẩu lao động Đài Loan cùng sống trong một toà nhà ba tầng, với tầng hai giành cho lao động nữ và tầng ba giành cho lao động nam.
Mỗi tầng có khoảng ba phòng ngủ, mỗi phòng rộng khoảng 30m2 cho khoảng 50 người lao động. Căn phòng không có đồ đạc gì khác ngoài những chiếc giường đơn hai tầng, và một nhà tắm.
Những người lao động chen chúc nhau ngủ trên một chiếc giường đơn.
Và đến khi tắm thì mọi người xếp hàng và có khi đến nửa đêm mới xong. Vì lo sợ người lao động tham gia đăng ký tuyển dụng ở nhiều nơi khác nhau, các công ty môi giới hạn chế việc đi lại và bắt tất cả phải đóng 5 triệu tiền cọc.
Mỗi lần ra ngoài là phải xin phép và có tờ giấy ghi rõ giờ ra và giờ phải quay về. Nếu như quay về không đúng giờ, nặng thì có thể bị đuổi và mất số tiền cọc anh đã đóng, nhẹ thì phải đi dọn vệ sinh.

Trong những ngày tại trung tâm môi giới, những người lao động đã phải đánh mất thời gian vào những việc vô bổ như dọn vệ sinh và gần như không được trang bị tiếng Trung hay kỹ năng cho công việc tương lai tại Đài Loan.

Thời gian biểu hàng ngày của người lao động tại trung tâm môi giới là 7 giờ sáng ngủ dậy, phải dọn dẹp vệ sinh cả khu trung tâm, 9 giờ học sinh lên ngồi học tiếng Trung nhưng người dạy thì có trình độ tiếng Trung thấp, không phải là giáo viên chuyên nghiệp và thường xuyên thoái thác việc giảng dạy bằng việc bắt học viên đi dọn vệ sinh.

Người lao động Việt Nam trên đường sang Đài Loan làm việc.

Anh Ca kể lại câu chuyện dở khóc dở cười về việc dạy tiếng Trung tại đây: “Tôi cứ nhớ có một cái cây, lá nó cứ rơi rơi. Vừa mới ngồi được một tí giáo viên lại nói ‘Các em dọn không sạch, xuống dọn lại‘”.
Thực tế, việc dọn vệ sinh chiếm phần lớn thời gian ở trung tâm môi giới.
Gần như học viên không học được gì từ các lớp dạy tiếng Trung tại các trung tâm môi giới.

Hơn thế nữa, người lao động còn bị “moi tiền” dưới mọi hình thức với nhiều loại chi phí không rõ mục đích. Hầu hết người Việt sang Đài Loan đều phải đóng một khoản phí từ 5000-7000 USD chi phí cho công ty môi giới, với lời hứa hẹn công việc nhẹ nhàng và công ty sẽ tăng ca.

Nhân vật trong phóng sự chia sẻ khi vừa đến trung tâm môi giới, anh bị buộc phải đóng một loạt các khoản phí làm hồ sơ, khám sức khoẻ, đồng phục, thẻ gia nhập, ăn học tại trung tâm… và một khoản tiền cọc 5 triệu đồng. Tổng chi phí để đăng ký ban đầu là 500 USD. Tính ra, mỗi ngày anh phải trả 100.000 đồng cho tiền ăn uống tại căng-tin của trung tâm, dù ngay bên ngoài là vô số hàng quán với đồ ăn ngon và rẻ hơn.
Ba tuần sau khi vào trung tâm, anh nhận được đơn trúng tuyển nhưng công ty môi giới nói anh cần đóng thêm 1500 USD.
Anh gọi điện gia đình động viên được bố mẹ và anh trai cùng cắm sổ đỏ nhà lên ngân hàng để đóng cho môi giới. Nhưng khoản tiền đó vẫn chưa phải là tất cả, gia đình anh sau đó tiếp tục phải chạy vạy và thu xếp thêm tiền, khiến tổng chi phí để đi xuất khẩu lao động Đài Loan lên đến 6300 USD (tương đương hơn 146 triệu đồng vào thời điểm đó).
Khi đóng các khoản phí này, anh không hề nhận được bất kỳ hoá đơn nào.

Anh Nguyễn Viết Ca, giờ là Phó Hội trưởng Công hội Di công Việt Nam tại Đài Loan tại một cuộc biểu tình phản đối môi giới hồi tháng 5/2019

Và khi đặt chân nơi xứ người thì người lao động đã bị “vỡ mộng” vì công việc không như mô tả trong hợp đồng, bị bóc lột, đe dọa, xúc phạm…

Sau khi sang đến Đài Loan, hầu hết người lao động Việt làm một công việc không giống lúc giới thiệu ban đầu và không tăng ca mà chỉ lãnh lương cơ bản, khoảng 23.100 Tân Đài tệ/tháng, khấu trừ 6000-7000 Tân Đài tệ, thì còn khoảng 17.000 Đài tệ [khoảng 11-12 triệu VND]; công việc ghi trong hợp đồng chỉ mất 1-2 tiếng để hoàn thành, và phần lớn thời gian còn lại họ phải làm những công việc khác không liên quan mà chủ yêu cầu. Đặc biệt, các lao động nước ngoài thường bị giao những công việc vất vả và độc hại hơn. Nhiều trường hợp còn bị ép đi làm từ 6 giờ sáng nhưng không được phép cà thẻ chấm công cho tới lúc 8 giờ. Nếu khiếu nại thì bị chủ đe dọa báo công ty môi giới trục xuất về Việt Nam.
Nhân vật chia sẻ: “Có đợt công ty lấy một loại hàng yêu cầu tôi làm. Mà mùi nó rất là độc hại. Đêm về ngủ tôi rất khó thở. Tôi đành phản đối lên công ty, bảo ‘Cái này tôi không làm được. Tôi về.’” Phía công ty sau đó liên hệ với bên môi giới, nhưng thay vì trao đổi với chủ tìm cách cải thiện môi trường làm việc cho người lao động thì môi giới nói: “Giờ không làm à? Không làm thì đi về. Nhưng chỉ trả lại cho anh 2000 USD thôi“. Số tiền đó chưa đủ 1/3 số tiền người lao động đã bỏ ra để được sang Đài Loan mà đa số họ phải vay mượn thì mới đóng đủ tiền để đi, nếu bỏ về thì họ không biết lấy đâu ra tiền trả nợ chưa kể mất bao nhiêu thời gian, công sức để sang được Đài Loan.
Rất may là nhân vật trong phóng sự đã đủ bản lĩnh để tự mình cải thiện tình hình, anh kể lại: “Thế là tôi yêu cầu ‘Tôi sẽ làm ở lại làm nhưng các ông phải xử lý cho tốt, sửa lại cho tốt. Còn không thì người Đài Loan phải vào làm, thì tôi mới làm. Sau đó thì công ty sửa máy móc và tôi làm từ đó đến giờ.”

Lao động xuất khẩu làm việc trong các công xưởng tại Đài Loan

Bên cạnh đó, có những trường hợp rất đáng buồn như một thanh niên 21 tuổi tên D. thì cho biết anh sang Đài Loan từ tháng 7/2017, và trước đó vay trong gia đình để đóng 5.800 USD [130 triệu đồng] cho công ty môi giới để qua làm lắp ráp, sơn sửa tại một xưởng sản xuất thùng chở dầu.

Nhưng anh nói anh còn phải “quét sân, trồng rau, dọn rác nhà chủ ăn uống” và thường bị chửi mắng, đánh đập. Anh mất hơn một năm để có thể trả khoản nợ với gia đình nhưng đến tầm cuối tháng 10/2018, sau khi bị đánh đập nhiều ngày liên tiếp, anh bỏ việc, đâm đơn kiện chủ.

Đó là lý do tại sao mà anh Ca không muốn người Việt sang Đài làm vì sẽ bị gò ép, đối xử bất công, đa phần là làm giàu cho bên môi giới.

Câu hỏi đặt ra là vai trò của môi giới tại Đài Loan ở đâu khi người lao động hàng tháng vẫn phải đóng cho họ một khoản phí nhất định mà lại không nhận được sự hỗ trợ thích đáng.

người Việt Nam sang Đài Loan lao động chân tay vất vả và nguy hiểm

Hàng tháng, anh Ca phải đóng cho môi giới bên Đài Loan một khoản phí 1500-1800 Đài tệ, song gần như không nhận được sự hỗ trợ gì. Trong thời điểm sức khoẻ bị ảnh hưởng vì làm việc với hoá chất độc hại, anh Ca đề nghị môi giới đi anh đi khám bệnh nhưng nhận được câu trả lời “công ty hôm nay kín lịch rồi, ba ngày nữa sẽ đưa đi khám.” Và khi anh gặp chủ, đặt vấn đề cải thiện môi trường làm việc, phía môi giới không chủ động đề ra giải pháp mà chỉ nói “về thì chỉ trả 2000 USD” như một cách để ràng buộc những lao động nghèo đang gánh trên vai những khoản nợ khồng lồ.
Một phụ nữ tên A. thì nói chị mất 6.000 USD để thu xếp sang Đài Loan làm. Nhưng được 10 ngày thì chủ dọa đuổi vì chị về muộn giờ ký túc xá. Lúc đầu công ty môi giới không cho chị chuyển chủ, còn gây khó dễ cho chị. Họ bảo nếu công ty có cho chị chuyển chủ thì người ta cũng tìm mọi cách để làm chị không bao giờ chuyển được. Nhưng nhờ sự trợ giúp của Văn phòng Trợ giúp lao động Việt Nam tại Đài Loan thì chị đã được ký giấy chuyển chủ. Công ty môi giới lại hứa hẹn tìm công việc cho chị vài lần nhưng cuối cùng đẩy chị vào một xưởng lao động bất hợp pháp. Khi đó dù đã sinh sống ở Đài Loan hơn một năm, chị A vẫn chưa có công việc ổn định, phải làm lao động chui. Chị A cho biết cũng muốn về Việt Nam với gia đình nhưng chưa thể về được. Chị nói: “Có về thì cũng phải kiếm đủ số tiền em bỏ ra để đi rồi em mới về được“.

Đối với tất cả lao động Việt xuất khẩu tại Đài Loan, chuỗi ngày lao động nơi đây chất chứa biết bao cực nhọc, cay đắng những đối với một số rất ít những người lao động cầu thị, họ có một cái ĐƯỢC rất lớn đó là họ đã học hỏi được một tinh thần đấu tranh – một phẩm cách Đài Loan, một giá trị đã tạo nên một đảo quốc thịnh vượng về kinh tế và một hình mẫu dân chủ đáng ngưỡng mộ ở châu Á. Từ đó, những người lao động Việt “tân tiến” này đã và đang không ngừng đấu tranh đòi và bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình, cho những người đồng hương và có thể, sau này, là cho đất nước của mình – một Việt Nam vẫn còn quá đỗi xa vời với cái gọi là “dân chủ, văn minh”…

Sinh sống và làm việc ở Đài Loan được vài năm thì anh Ca bắt đầu để ý để các cuộc biểu tình kêu gọi phản đối môi giới.
Đến năm 2015, anh chính thức tham gia các cuộc biểu tình của các lao động nước ngoài phản đối hình thức xuất khẩu lao động thông qua môi giới.
Với anh, ở Việt Nam, nói đến biểu tình thì sẽ rất hoang mang bởi rất có thể sẽ bị phạm vào tội Gây rối mất trật tự công cộng do Việt Nam chưa có luật biểu tình.
Và Đài Loan chính là nơi anh Ca lần đầu tiên làm điều đó.
Anh miêu tả lại với niềm thích thú: “Nó thú vị lắm. Nó lạ lắm! Khi đó, đi biểu tình, mình nghĩ không biết là đi công an nó có bắt hay không. Đi thì mới thấy là: ồ, công an họ dàn hàng, sắp xếp đường cho người lao động đi biểu tình. Trời, cảm thấy nó sướng mà nó thích. Từ đó là nghiện luôn!”
Anh Nguyễn Viết Ca, giờ là Phó Hội trưởng Công hội Di công Việt Nam tại Đài Loan đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối môi giới hồi tháng 5/2019 những băng rôn, biểu ngữ bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung tại trụ sở Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Đài Bắc.

Biểu tình đòi hủy bỏ môi giới tại Đài Loan của người lao động Việt Nam tháng 5/2019

Đảo quốc Đài Loan cũng là nơi hình thành và nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh của một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Trần Thị Nga. Sau khi bị lạm dụng và bóc lột trong quá trình lao động tại Đài Loan, Nga đã mất 3 năm hồi phục trong bệnh viện. Trong thời gian này, cô đã học về quyền của người lao động và từng có tiếng nói bênh vực những công nhân Việt gặp hoàn cảnh khó khăn như bị quỵt tiền lương hoặc bị bố trí việc làm không đúng hợp đồng.
Trở về nước cô được biết đến như một nhà hoạt động bênh vực người lao động, dân oan đòi đất, đồng thời là một trong những người đồng sáng lập Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam.
Cô đã phải chịu đựng nhiều hành vi đàn áp dã man trong quá trình hoạt động của mình và gần đây nhất là vào ngày 21/01/2017, cô bị bắt tại nhà riêng tại Phủ Lý, Hà Nam và bị kết án theo Điều 88 của Bộ luật hình sự về tội “tuyên truyền nhằm chống phá Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” cùng bản án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Cô vừa được phóng thích và đã sang định cư tại bang Georgia, Hoa Kỳ cùng với gia đình vào ngày 10/01/2020.
Những con người như Trần Thị Nga, Nguyễn Viết Ca đã vượt lên hoàn cảnh để tiếp thu những giá trị văn minh nơi xứ Đài, mỗi ngày đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và thức tỉnh người Việt trong và ngoài nước.

nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga đã từng bị bóc lột lao động tại Đài Loan, chị đã bị công an Việt nam đàn áp dã man khi về lại quê hương

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023