Gia tộc Kim Nhật Thành cố giữ “ngai vàng”

Mặc cho những đồn đoán về sức khỏe của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un là thiếu căn cứ nhưng câu hỏi về người kế vị vai trò lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn luôn được đặt ra bởi ý nghĩa quan trọng cả về ngắn hạn và dài hạn với an ninh khu vực.

Triều Tiên đã trải qua 3 thế hệ lãnh đạo cha truyền con nối từ Kim Nhật Thành đến Kim Jong In và nay là Kim Jong Un. Vậy thế hệ thứ tư liệu có thể là con của vị lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong Un.

Kim Jong Un, 36 tuổi, được cho là có con, nhưng vẫn đều còn quá bé.

Thời báo Tự do của Đài Loan cho biết, năm 2009, ông Kim Jong Un kết hôn với bà Ri Sol Ju, đến nay đã sinh được 3 người con vào các năm 2010, 2013 và 2017. Theo tin tức bên ngoài Triều Tiên, hiện mới chỉ biết người con thứ 2 của ông Kim Jong Un là con gái, còn con đầu và con thứ 3 đến nay vẫn là ẩn số.

Theo tờ Daily Mail của Anh đưa tin, cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman đã vô tình tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn của giới truyền thông rằng, bà Ri Sol Ju đã sinh một bé gái và đặt tên là Ju Ae, lúc này dư luận cũng mới biết người con thứ hai của ông Kim Jong Un là con gái.

Tuy nhiên, tình báo Hàn Quốc tiết lộ, con đầu của ông Kim Jong Un là con trai, năm nay 10 tuổi, cũng chính là người kế vị tiếp theo của vương triều nhà họ Kim nếu mọi chuyện suôn sẻ.

Theo cơ quan tình báo của Hàn Quốc tiết lộ, người con thứ 3 của ông Kim Jong Un sinh tháng 2/2017, nhưng cũng giống với 2 người con trước, chính quyền Triều Tiên không tiết lộ bất cứ thông tin nào về việc này, do đó các thành viên trong gia đình ông Kim đến nay vẫn còn là điều bí ẩn với công chúng.

Ảnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong Un được cho là có 3 con với Đệ nhất phu nhan Ri Sol Ju

 Tuy nhiên, Kim Yo Jong, người em gái của đương kim lãnh đạo là ứng cử viên được nhiều người nhắc đến nhất.

Một tờ báo công giáo của Pháp đã nhắc lại một thông tin của tờ báo Nhật Yomiuri Shinbun, ngày 22/04, theo đó Kim Yo Jong dường như đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động chính thức đề cử là người thừa kế từ tháng 12/2019. Thế nhưng, tờ báo không cho biết thêm chi tiết.

Ở Bắc Triều Tiên, tính huyết thống luôn là yếu tố quan trọng hơn cả.

Aidan Foster-Carter, thuộc hãng tin NK News chuyên về Bắc Triều Tiên, phân tích : « Trong tình hình khẩn cấp và khi mà Kim Jong Un muốn chế độ tiếp tục tồn tại, Kim Yo Jong là bảo đảm tốt nhất ».

Nhân vật trước đây ở trong bóng tối đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng nhân đám táng của người cha Kim Jong Il vào tháng 12 /2011 và đã nổi bật trước truyền thông thế giới nhân cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Bắc Triều Tiên đầu tiên vào năm 2018 ở Singapore.

Người em gái Kim Yo Jong của lãnh đạo Bắc Triều Tiên từng học ở Thụy Sĩ, nói được nhiều thứ tiếng, đã kết hôn với con trai của Choe Ryong Hae, cánh tay mặt của lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên từ năm ngoái. Kim Jong Un đã dựa vào em gái từ khi lên nắm quyền và cũng đã chuẩn bị cho bà nắm những chức vụ cao nhất trong guồng máy lãnh đạo.

Các chuyên gia ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy là người phụ nữ mới 32 tuổi trong triều đại nhà Kim đã được dọn đường để trở thành một nhà lãnh đạo tương lai.

Ảnh: Kim Yo Jong ứng cử viên sáng giá để kế thừa sự nghiệp lãnh đạo đất nước từ ông nội, bố và anh trai.

Kim Yo Jong và Kim Jong Un được cho là đã có quan hệ gắn bó với nhau từ thời còn du học tại Thụy Sĩ từ năm 1996 đến năm 2000. Kể từ khi anh trai bà trở thành lãnh đạo tối cao năm 2011, Kim Yo Jong, từ một cán bộ cơ sở trong Đảng Lao Động Triều Tiên năm 2007, đã được thăng chức đều đặn để trở thành nhân vật không thể thiếu, từ việc đại diện cho Bắc Triều Tiên tại Thế Vận Hội Mùa Đông PyeongChang 2018, cho đến những lần xuất hiện bên cạnh người anh trai trong các hội nghị thượng đỉnh, chẳng hạn như các cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore và Việt Nam.

Ở trong nước, vai trò của Kim Yo Jong cũng ngày càng trở nên quan trọng. Chỉ mới tháng Ba vừa qua, Kim Yo Jong là người đưa ra tuyên bố công khai đầu tiên đáp trả phản ứng của Hàn Quốc về việc Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Nhật báo Hàn Quốc Dong A Ilbo ngày 17/04 cũng ghi nhận khả năng Kim Yo Jong lên kế nhiệm Kim Jong Un, trong lúc hãng tin Anh Reuters ngày 26/04 đã trích lời một nhà nghiên cứu tại Seoul cho rằng, ngay cả khi « đế chế họ Kim » tôn trọng chế độ cha truyền con nối, thì trong trường hợp Kim Jong Un chết sớm, và một trong hai người con lên kế vị, thì Kim Yo Jong vẫn sẽ có một khoảng thời gian dài làm « nhiếp chính ».

Bên cạnh đó, một số nhà quan sát lại nhận định rằng hai yếu tố tuổi tác và giới tính có thể là điều bất lợi cho khả năng lên nắm quyền của Kim Yo Jong.

Trang tin Taiwan News ngày 23/04 cho biết là nhiều chuyên gia đã loại trừ khả năng một phụ nữ lên lãnh đạo một đất nước cộng sản do nam giới thống trị và có truyền thống Nho giáo mạnh mẽ.

Bắc Hàn là một xã hội trọng nam nên có ý kiến cho rằng bà Kim Yong Jo cùng lắm chỉ có thể làm lãnh đạo tạm quyền chứ không thể lên nắm chức vụ cao nhất nước một khi Kim Jong Un không đủ sức khoẻ hoặc qua đời.

Trên giấy tờ, không có gì ngăn một phụ nữ lên nắm quyền ở Triều Tiên, mặc dù quốc hội của họ đa phần là đàn ông lớn tuổi – cho thấy đây là một trong những quốc gia ít phụ nữ làm chính trị nhất trên thế giới. Hiến pháp nói rằng “phụ nữ có địa vị xã hội và các quyền bình đẳng với nam giới.”

Có vẻ như ở Nam Hàn cũng có cái nhìn tương tự.

Trở ngại tiềm tàng lớn nhất là việc bà là một phụ nữ trong một xã hội bị đàn ông kiểm soát chặt chẽ. Trong khi nhiều người theo dõi Triều Tiên nói rằng huyết thống quan trọng hơn giới tính, những người khác lại nghi ngờ điều đó.

Yoo Ho Yeol, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc và trước đây là cố vấn cho Bộ Thống nhất và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định: “Vai trò của Yo Jong có thể sẽ chỉ tối đa là một đại thần nhiếp chính do chế độ gia trưởng phong kiến của Triều Tiên. Không chỉ tầng lớp lãnh đạo do đàn ông thống trị mà cả những người dân bình thường cũng sẽ chống lại một nhà lãnh đạo nữ.”

Còn Suk Ho Shin, viết trong bài viết có tựa đề “Liệu Kim Yo Jong có thể trở thành người kế nhiệm của Kim Jong Un?” trên báo Donga-Ilbo ở Seoul ngày 17/04/2020 cho rằng việc Kim Yo Jong có được công nhận là lãnh tụ hay không còn phụ thuộc vào cái nhìn của ‘tầng lớp cầm quyền và công chúng Bắc Hàn’, một xã hội vẫn rất trọng các giá trị Khổng giáo, theo cây bút từ Nam Hàn.

Hơn nữa bà sinh năm 1987 tức là mới ngoài 30 tuổi, về kinh nghiệm chính trường thì còn quá non nớt so với những nhân vật quan trọng trong chính quyền Bắc Triều Tiên hiện nay.

Thae Yong Ho, cựu phó đại sứ của Triều Tiên tại London, người đã đào thoát sang Hàn Quốc, nói: “Những người đang phục vụ Kim Jong Un đều thuộc thế hệ đầu tiên ở độ tuổi 60 đến 80, do đó họ có ít nhất một khoảng cách 30 tuổi so với Yo Jong. Trong mắt họ, Yo Jong chỉ hàng con cháu.”

Do vậy, xuất hiện một người kế vị tiềm năng khác là Kim Pyong Il, người con trai duy nhất còn sống của người sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) tức là người chú của đương kim lãnh đạo Kim Jong Un.

Kim Pyong Il, anh em cùng cha khác mẹ của cố lãnh tụ Kim Jong Il. Mẹ của ông là mẹ kế của Kim Jong Il. Bà này được cho là rất mong con trai kế vị sau khi nhà sáng lập Kim Nhật Thành qua đời. Do bà thất bại nên đã bị Kim Jong Il cô lập.

Kim Pyong Il làm Đại sứ ở nhiều nước châu Âu từ 1979 và chỉ mới quay về Bắc Hàn từ năm 2019 tức là sau bốn thập niên làm cán bộ ngoại giao ở nước ngoài.

Vấn đề của Kim Pyong Il là rất ít khả năng ông ta có một mạng lưới quyền lực ở Bình Nhưỡng do đã sống ở nước ngoài quá lâu.

Lee Byong-chul, cựu cố vấn của tổng thống Hàn Quốc về các vấn đề an ninh quốc gia, hiện là giáo sư tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul không tin tưởng vào khả năng nắm quyền của em gái đương kim lãnh đạo Kim Jong Un và nói rằng “hầu như không thể tưởng tượng được việc có một nữ lãnh đạo nữ ở Triều Tiên.” Ông đặt câu hỏi liệu bà ta có thể kiểm soát được các vị tướng già nếu không có ảnh hưởng từ anh trai mình hay không, và suy đoán nhiều khả năng là người chú Kim Pyong Il hoặc Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Choe Ryong Hae sẽ tiếp quản vai trò lãnh đạo.

 Choe Ryong Hae có một sự nghiệp chính trị thăng trầm tại Triều Tiên.

Ông lúc lên lúc xuống trong thời đại Kim Jong Un nhưng đã sống qua sóng gió, hiện ngồi trong Bộ Chính trị và là Phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước.

Năm ngoái, ông ta trở thành Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên (Chủ tịch Quốc hội).

Có thể xem ông ta là nhân vật số hai của Bắc Hàn hôm nay.

Và Choe Ryong Hae cũng chính là bố chồng của Kim Yo Jong, em gái của Chủ tịch Kim Jong Un.

Một số nhân vật khác cũng được nhắc đến khi có vai trò quan trọng trong việc quyết định thế hệ lãnh đạo thứ tư tại Bắc Triều Tiên.

Đầu tiên là Kim Yong Chol. Viên tướng này đã gặp Ngoại trưởng Mỹ nhiều lần. Ông đã đi cùng lãnh tụ tới Hà Nội tại Hội nghị Trump – Kim năm ngoái trong tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.

Sau đó có vẻ ông ta bị sa cơ vì hội nghị Trump – Kim thất bại. Nhưng ông trùm tình báo này chắc khó bị ngồi chơi xơi nước lâu.

Người tiếp theo là Kim Jae Ryong, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Chức vụ này được cho là quyền uy hạng trung. Nhưng ông này đã thăng tiến trong mấy năm qua, trong khi nhiều người đã sa cơ.

Bộ trưởng An ninh Jong Kyong Taek là người phụ trách việc trừng phạt các tội chính trị, và bảo vệ ban lãnh đạo. Đây là những trách nhiệm quan trọng để duy trì ổn định.

Một số tướng lĩnh quân đội chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nếu xảy ra giai đoạn chuyển tiếp. Hai tướng quân đội hàng đầu là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Kim Su Gil và Kim Won Hong. Nhưng năm 2017 tin tức nói Kim Won Hong đã bị cách chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ An ninh Quốc gia. Từ đó tới nay, không rõ số phận ông ta ra sao.

Trong nhóm quyền lực tại Bình Nhưỡng, liệu ai sẽ là đối thủ, ai là đồng minh?

Sẽ có phe nhóm ủng hộ và chống đối ứng cử viên số một, em gái nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Yo Jong hay không?

Nhưng có thể nói hiện tại vẫn chưa có hé lộ nhân vật nào là chắc chắn với vai trò kế tục Kim Jong Un.

Giới quan sát cũng đặt giả định là có thể một kiểu lãnh đạo tập thể sẽ nhen nhóm, giống ở Việt Nam chăng, với cung cách dựa vào tính chính danh và tư tưởng của nhà sáng lập để củng cố địa vị của họ.

Một số nhà phân tích lại tính đến khả năng đất nước này sẽ được điều hành bởi một chính quyền quân sự hơn là bởi Kim Yo Jong khi bà khó có thể kiểm soát các tướng lĩnh, những người chỉ huy chương trình vũ khí hạt nhân, điều mà nhiều người ở Bình Nhưỡng cho là thanh bảo kiếm bảo vệ họ chống lại sự thay đổi chế độ thông qua một cuộc tấn công đến từ Mỹ.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kim „ủn“ và bí mật nơi ẩn náu
Kasse animation 7.8.2023