Sống chung với virus và Trung Quốc

Mặc cho các chiến dịch ‘ngoại giao virus corona’ được Trung Quốc đẩy mạnh trên mọi mặt trận từ châu Âu giàu có đến châu Phi nghèo đói, từ mọi ngóc ngách trên ‘sân nhà’ châu Á đến châu Mỹ xa xôi, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ bị thế giới ‘hắt hủi’ đến như vậy. Nếu thảm sát Thiên An Môn vào mùa xuân năm 1989 khiến nhiều nước phương Tây phẫn nộ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thì với đại dịch COVID-19, chế độ Tập Cận Bình đã gây ra nỗi ngờ vực trên toàn cầu. Phương Tây quyết liệt yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để virus corona lây lan khắp nơi thậm chí còn đòi Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho những thiệt hại về người và của mà đại dịch gây ra. Nhưng, với tiềm lực kinh tế – chính trị – quân sự – ngoại giao hiện nay thì thật không dễ để làm khó Bắc Kinh.

Tờ báo Pháp Les Echos (Lê Dê-cô) nhận định Tập Cận Bình vẫn còn nhiều lá bài trong tay để đối phó với thế giới.

Thứ nhất là cuộc chạy đua tìm vác-xin. Trong số 40 ứng viên tham gia trận chiến toàn cầu này, Sinovac Biotech của Trung Quốc dường như đang tiến xa nhất. Nhưng việc Trung Quốc để lây lan virus rồi lại chạy đua để điều chế vác-xin đánh bại đại dịch là điều thật đáng mỉa mai !

Lá bài thứ hai của ông Tập liên quan đến châu Phi, Trung Đông và nói chung là tất cả các quốc gia cần tiền để vượt qua khủng hoảng. Nếu không có sự hỗ trợ của châu Âu và Mỹ, thì trong thời gian tới, Algeri, Ai Cập và Pakistan có thể sẽ phải kêu gọi Bắc Kinh giúp sức.

Lá bài thứ ba là về công nghiệp. Liên minh Châu Âu hứa hẹn sẽ hồi hương một số dây chuyền sản xuất chiến lược quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm và nguyên liệu thô. Nhưng sẽ là ảo tưởng nếu EU nghĩ có thể hồi sinh ngành công nghiệp châu Âu như 50 năm trở về trước. Độc lập về hậu cần với Trung Quốc cũng chỉ là một ảo tưởng. Cuộc khủng hoảng hiện nay nhắc nhở chúng ta là thế giới sẽ phải sống chung với Trung Quốc nhưng không bao giờ được quên bản chất sâu xa của Bắc Kinh.

Đại dịch COVID-19 là một thời điểm ‘đau đớn’ để phương Tây nhận ra rằng mình đã phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức nào. Và giờ đây Trung Quốc đã quá lớn để có thể sụp đổ.

Ảnh: Biểu đồ GDP của 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới năm 2018. Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nên kinh tế lớn nào để vươn lên đứng thứ hai thế giới tình theo GDP

Trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã « nhường » một phần lớn « chủ quyền » về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Quốc gia rộng lớn này trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm.

Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.

Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (générique) tiêu thụ tại Mỹ – đối thủ địa chính trị của Trung Quốc.

Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của Tây phương, song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế.

Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của Viện Hastings, Mỹ, thì « Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc ».

Đó là lý do mà truyền thông Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 04/3 đã tràn đầy tự tin khi vẽ ra kịch bản Trung Quốc ngưng xuất khẩu thuốc men sang Mỹ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, « nhấn chìm nước Mỹ trong đại dương virus corona ».

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây suy tính đến việc đa dạng hóa và « hồi hương » các dây chuyền sản xuất quan trọng.

Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. Chuyên gia Đức Laufer cũng tỏ ý hoài nghi về lâu dài : « Việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh (…) Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ (…) Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy. »

Một báo cáo được Bloomberg Economics công bố vào thời điểm cuối năm 2019, ngay trước khi đại dịch bùng nổ, nhận định không quốc gia nào có thể đạt được sự thành công giống như những gì Trung Quốc đã tận hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Thay vào đó, đang có một nhóm các nền kinh tế có tiềm năng thay thế Trung Quốc, trong đó mỗi nền kinh tế đang nỗ lực tận dụng lợi thế của mình nhưng lại bị cản đường bởi những vấn đề mang tính cấu trúc như cơ sở hạ tầng không tương xứng hoặc bất ổn chính trị.

Mạng lưới phức tạp tinh vi gồm các nhà máy, nhà cung ứng, dịch vụ hậu cần và cơ sở hạ tầng vận tải của Trung Quốc được phát triển trong một thời kỳ hoàn toàn khác, được hỗ trợ bởi tiền bạc và công nghệ từ Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông ở thời điểm mà các vấn đề môi trường, quyền của người lao động chưa được quan tâm sát sao như hiện tại.

Trung Quốc còn có lực lượng lao động giá rẻ, dồi dào và trong gần 3 thập kỷ gần như không đối mặt với bất kỳ rào cản nào khi thâm nhập thị trường toàn cầu.

Bloomberg Economics xem xét đến 6 khía cạnh – từ lao động đến môi trường kinh doanh – của 10 nền kinh tế châu Á để tìm ra nền kinh tế đang phát triển nào sẽ tiến lên chiếm lĩnh miếng bánh lớn hơn trong ngành sản xuất.

Không một nền kinh tế đơn lẻ nào có khả năng đi vừa chiếc hài mà Trung Quốc để lại“, các chuyên gia Chang Shu và Justin Jimenez viết trong báo cáo. “Nhiều nơi có lợi thế chi phí rẻ, nhưng ngoại trừ Ấn Độ thì tất cả đều có quy mô quá bé so với Trung Quốc. Và tất cả đều phải đối mặt với các thách thức về năng lực cạnh tranh“.

Về phía Ấn Độ, nước này bắt đầu nỗ lực đuổi kịp khả năng sản xuất của Trung Quốc từ 5 năm trước, khi Thủ tướng Narendra Modi thông báo về sáng kiến “Make in India” với nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài muốn mở nhà máy tại đây.

Đến năm 2050, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới, và số dân trong độ tuổi lao động cũng được dự báo sẽ chạm mốc 1 tỷ người.

Tuy nhiên, lợi thế nguồn cung lao động giá rẻ đã bị triệt tiêu bởi các yếu tố khác, ví dụ như cơ sở hạ tầng còn kém phát triển, luật đất đai và luật lao động lạc hậu, cùng với bộ máy hành chính cồng kềnh.

Đất nước Nam Á này đã tiến bộ khá xa khi tăng 37 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank, nhưng vẫn đứng thứ 63 và còn cách Trung Quốc rất xa.

Ấn Độ đứng đầu về tiềm năng xuất khẩu nhờ có dân số đông đảo. Đứng thứ hai là Indonesia, thứ 3 là Việt Nam.

Câu chuyện của Indonesia cũng tương tự như vậy. Mặc dù Indonesia xếp trên Ấn Độ về mức độ ổn định kinh tế vĩ mô nhưng bị kéo lùi bởi cơ sở hạ tầng yếu kém.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo tự thừa nhận đất nước của ông không thể thu hút các nhà máy từ Trung Quốc vì nhà đầu tư vẫn lo ngại về các luật lệ cồng kềnh phức tạp.

Khi Sharp muốn chuyển dây chuyền sản xuất máy giặt từ Thái Lan sang Indonesia, công ty Nhật Bản đã phải mất 2 năm để hoàn tất khâu chuẩn bị, từ thiết kế địa điểm, tìm nhà cung ứng địa phương, thử nghiệm sản xuất và giải quyết tất cả các vấn đề hành chính, một lãnh đạo của Sharp cho biết.

Cách đây hai năm, Indonesia đã triển khai hệ thống kê khai một cửa trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp có thể lấy giấy phép kinh doanh dễ dàng hơn. Nhưng động thái này cũng không mang lại nhiều hiệu quả vì doanh nghiệp vẫn cần nhiều giấy phép từ chính quyền địa phương. Điều tương tự cũng tồn tại trong hệ thống thuế.

Trường hợp của Việt Nam cũng bị vướng mắc bởi vấn đề cơ sở hạ tầng. Dòng tiền đổ vào các nhà máy mới khiến đường sá và các cảng bị quá tải, ngày càng có nhiều lời than phiền và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng. Trong khi Trung Quốc sở hữu 7 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới (Thượng Hải đứng số 1), 2 cảng lớn nhất của Việt Nam là cảng Sài Gòn và Cái Mép lần lượt chỉ đứng thứ 26 và 50.

Ding Yifan, một nhà nghiên cứu cộng tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc: “Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những ngày đầu tiên phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, và mỗi khi các nước phương Tây nói về việc rời khỏi Trung Quốc, Trung Quốc thực sự rất lo lắng. Nhưng trên thực tế, điều này giờ không còn quan trọng nữa. Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống công nghiệp của riêng mình.”

Chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới” đang ngày càng hoàn thiện tại Trung Quốc không thể vì dịch bệnh mà bị “phá vỡ“. Kể từ khi Trung Quốc đẩy mạnh cải cách mở cửa vào những năm 1990, đặc biệt là gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) năm 2001, được hưởng lợi từ việc cải thiện điều kiện ngoại thương và chuyển dịch công nghiệp toàn cầu, trong khi có các lợi thế so sánh như chi phí lao động thấp, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển thành nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới, đồng thời đạt được lợi nhuận tương đối ổn định trong phân công lao động thuộc chuỗi giá trị toàn cầu.

Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành một nền kinh tế mới nổi với các chuỗi công nghiệp tương đối hoàn chỉnh. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển kinh tế và các nguồn lực khác, trong ngắn hạn không có đủ điều kiện cơ bản để thay thế Trung Quốc. Do đó, từ nay đến khoảng năm 2030, sự phân công lao động trong chuỗi công nghiệp toàn cầu sẽ vẫn tương đối ổn định.

Dù các nguy cơ về việc phân tách và cô lập Trung Quốc đang là tiêu đề của nhiều bài báo trong những tuần qua nhưng nước này vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, điều mà các công ty đa quốc gia không thể bỏ qua.

Ảnh: Tăng trưởng doanh thu của Apple tại Trung Quốc từ năm 2010-2018

Ông Ding cho rằng Trung Quốc đã chứng tỏ năng lực cạnh tranh quốc tế trong hầu hết các ngành công nghiệp, từ thiết bị viễn thông đến đường sắt cao tốc, và năng lực đó vẫn được duy trì trong giai đoạn đại dịch.

Hơn nữa, lợi nhuận lớn mà Trung Quốc tạo ra cho khu vực và thế giới dựa trên sự phát triển của ngành sản xuất, thúc đẩy chuỗi giá trị thương mại và đẩy mạnh mở cửa ngành tài chính, sẽ tạo thành liên kết cốt lõi của lợi nhuận toàn cầu trong nửa đầu thế kỷ 21, và cũng là động lực quan trọng để xu thế toàn cầu hóa kinh tế không bị ngăn chặn.

Các công ty đa quốc gia phương Tây cực kỳ nhạy cảm với thị trường quốc tế, đã được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong một thời gian dài và phụ thuộc nhiều vào lợi nhuận ở thị trường nước ngoài, sẽ không chủ động từ bỏ thị trường Trung Quốc và tách khỏi Trung Quốc từ góc độ chuỗi công nghiệp, trừ khi họ có lợi ích thay thế một cách bền vững.

Trong tương lai gần, không có quốc gia hay nhóm lợi ích quốc gia nào có thể gánh vác mọi chi phí khi toàn cầu phân thành hai hệ thống công nghệ, thương mại, công nghiệp và thậm chí hai hệ thống tài chính. Nói cách khác, xét về mặt logic kinh doanh thông thường và chi phí giao dịch, không ai chọn cách tách khỏi Trung Quốc.

Một sự cạnh tranh “một mất một còn” chỉ gây ra tổn thất trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu ngày nay.

Thời Trung Quốc chỉ là công xưởng thế giới, cung cấp các sản phẩm công nghệ cấp thấp, giá rẻ cho các thị trường giàu có vì mức lương bèo bọt và điều kiện làm việc khốn khổ mà công nhân phương Tây và các công đoàn của họ không bao giờ chịu đựng được đã trở thành dĩ vãng.

Nhà nghiên cứu David Dodwell nhận định trên SCMP như sau: Trong hai thập kỷ qua, thời thế xoay vần và Trung Quốc nay đã khác. Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu dùng khổng lồ và ngày càng giàu có theo cách riêng của mình, điều này góp phần giải thích dòng chảy đầu tư sản xuất mạnh mẽ ổn định vào nước này.

Thế giới dường như không có nhiều sự lựa chọn, một con đường ít rủi ro hơn cả có lẽ là vừa phải sống chung với Trung Quốc vừa phải luôn tỉnh táo, dè chừng với bản chất của chế độ theo chủ nghĩa cộng sản độc tài tại Bắc Kinh.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

Mỹ “lật mặt” Nga và TQ lợi dụng thao túng các nước
Kasse animation 7.8.2023