Theo giới quan sát, sau phán quyết được Hội đồng xét xử (HĐXX) giám đốc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) của Việt Nam đưa ra hôm 08/5/2020 tại Hà Nội, cơ hội sống của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải đã hẹp lại rất nhiều.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TANDTC có hiệu lực ngay ngày 8/5 – tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) có hiệu lực ngay. Theo tố tụng, đây là phán quyết cuối cùng nhưng không có nghĩa là vụ án kết thúc, nếu gia đình bị án tiếp tục kêu oan.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết: “Bộ luật tố tụng hình sự có dự liệu điều 404 quy định trường hợp cần phải xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Thẩm quyền như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Theo đó, đối với vụ án này, tôi tin những cơ quan có thẩm quyền vừa nêu cần kích hoạt điều 404 để yêu cầu hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét lại quyết định của mình.”
Truyền thông trong nước cho biết sau phiên giám đốc thẩm, gia đình Hồ Duy Hải đã gửi đơn kêu cứu tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… đề nghị xem xét lại toàn bộ các tình tiết trong vụ án.
Cụ thể, gia đình đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội; ông Lê Thanh Vân, Đại biểu Quốc hội khóa 14; ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao… và các cơ quan báo chí.
Trong đơn kêu cứu, gia đình cho biết trong phiên giám đốc thẩm từ ngày 06 – 08/5, HĐTP TANHTC đã bác quyết định kháng nghị, giữ nguyên các bản án trước đó. Bởi vậy, gia đình làm đơn gửi tới các cấp thẩm quyền để xem xét lại phán quyết của phiên giám đốc thẩm, xem xét lại các tình tiết quan trọng của vụ án.
Luật sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển bày tỏ quan điểm: “Nếu mà được khuyên gia đình thanh niên Hồ Duy Hải, thì tôi nghĩ rằng phải kêu cứu đến Quốc hội, đến Ủy ban Tư pháp, nhưng mà hy vọng, khả năng Ủy ban này có thể can thiệp được về mặt tố tụng hay về mặt luật pháp, thì tôi nghĩ là rất là khó.”
Ông Giao giải thích: “Bởi vì Việt Nam vẫn khẳng định nguyên tắc là tư pháp độc lập, mà đây đã là TATC rồi, vậy thì Ủy ban Tư pháp đó có đủ thẩm quyền để mà có thể can thiệp một cách nào đó được không?”
Luật sư Đinh Hồng Hạnh, người gần đây cho biết đã có dịp tới Long An, ở địa phương xảy ra vụ án, thì cho rằng: “Tôi có một ý kiến là cần có một ủy ban độc lập và khách quan để đánh giá lại vai trò này, ông Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã mặc đủ ba màu áo trong toàn bộ giai đoạn tố tụng, vì thế vai trò cũng không khách quan.”
Luật sư Hạnh nói tiếp: “Và nếu bây giờ quyết định của vụ việc này bây giờ lại được Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam xem xét lại, và chính HĐXX, Hội đồng 17 thẩm phán này lại là người đánh giá lại quyết định của chính họ, thì sẽ là không khách quan.”
“Vì thế cần nhiều hơn nữa các bên giám sát độc lập và tiếng nói độc lập, cũng như là đánh giá lại tình trạng của Hồ Duy Hải và những tình trạng giam giữ các tử tù nói chung.”
“Và cao hơn nữa là việc xem xét lại có nên tồn tại án tử hình tại Việt Nam hay không, bởi gì còn rất là nhiều vụ việc oan sai khác.”
Ông Giao cho rằng: “Theo tôi, kênh duy nhất mà có thể can thiệp được chỉ còn nằm trong tay, quyền sinh sát đó nằm trong tay của Chủ tịch nước, thì dưới hình thức là đặc xá, đại xá, thì có thể gỡ được án tử hình thôi.”
Ông Giao cũng phân tích về thế khó của việc xin ân xá rằng: “Tất nhiên ở đây, nó có một mâu thuẫn là nếu như xin ân xá, thì rõ ràng hóa ra là phía công đường người ta khẳng định là người ta đúng, cho nên anh phải chấp nhận bản án này và anh xin ân xá thì Chủ tịch nước xem xét có được ân xá hay không.”
“Còn về phía công đường, tòa án, rõ rằng là bằng hành động này, người ta đã khẳng định rằng người ta ‘hoàn toàn đúng’ và không ai phải chịu trách nhiệm cả, và cái đó phải chăng đã gỡ được vấn đề trách nhiệm cho những người mà trong suốt quá trình tố tụng ở Long An, rồi sơ thẩm, rồi phúc thẩm, thì gỡ được trách nhiệm của nhiều cá nhân và những cá nhân đó thì hiện nay đang giữ những chức vụ cao cấp.”
Bình luận về khả năng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ân giảm tử hình cho Hồ Duy Hải, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm: “Theo quan điểm của tôi là rất là khó, mà ông Nguyễn Phú Trọng có một quyết định nhân đạo ở đây, bởi vì chúng ta biết là từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch nước, ông chưa có một đợt đặc xá nào cho các tù nhân ở Việt Nam.”
“Mà chúng ta biết rằng trong thời Chủ tịch nước trước như là ông Nguyễn Minh Triết hay ông Trương Tấn Sang, thường là một năm có hai lần đặc xá vào dịp Tết nguyên đán hay cũng như là vào dịp quốc khách 02/9, nhưng mà từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng lên, hoàn toàn không có cái này.”
“Cho nên tôi cũng không hy vọng rằng là ông Trọng sẽ có một quyết định để miễn hình phạt tử hình cho anh Hồ Duy Hải, nếu như anh hoặc gia đình anh, hoặc giới luật sư hay bất kỳ ai có đơn, hoặc kiến nghị gửi lên cho Chủ tịch nước…”
Để phỏng đoán quyết định của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khi tử tù Hồ Duy Hải có đơn xin ân xá, Tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Singapore đã giải một bài toán với hai trường hợp để so sánh.
Vì không có đủ thông tin, ta giả định 99% Hồ Duy Hải là phạm tội và 1% là oan sai.
Nghĩa là, HĐTP TANDTC có lý khi đưa ra phán xét của họ nhưng đặt ra bài toán cực khó cho Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng.
Nếu ông bác đơn xin ân xá và Hồ Duy Hải đúng là phạm tội thì ông được điểm 10 vì đã làm đúng chức năng của mình một cách quyết đoán.
Thế nhưng, nếu 10-20 năm sau, người ta tìm ra là Hồ Duy Hải không phạm tội thì ông sẽ bị một tỳ vết mà hàng trăm năm sau mọi người sẽ day dứt không quên. Nếu tình huống này xảy ra, ông sẽ được điểm là – 10.000 (âm 10 nghìn).
Như vậy, về toán học, hiệu quả tổng thể của quyết định “bác ân xá” sẽ là:
99% x 10 điểm + 1% x (-10.000 điểm) = -90,1 điểm
Trong khi đó, nếu ông quyết định ân xá Hồ Duy Hải xuống mức chung thân để tử tù còn sống nếu được minh oan, ta có thể giả định điểm công vụ của ông là 0 nếu Hồ Duy Hải thực sự có tội.
Thế nhưng điểm của ông sẽ là 10,000 nếu 10-20 năm tới Hồ Duy Hải được minh oan.
Do vậy, hiệu quả tổng thể của quyết định “ân xá” là:
99% x 0 điểm + 1% x 10.000 điểm = 100 điểm
So sánh hiệu quả mang lại của hai lựa chọn cho thấy, ta có thể phỏng đoán Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ “ân xá” cho tử tù Hồ Duy Hải và nhắc nhở hệ thống tiếp tục tìm kiếm chứng cớ để có kết luận được dân tâm phục khẩu phục.
Tác giả Phạm Nhân có một bức thư ngỏ gửi đến gia đình của Hồ Duy Hải thể hiện quan điểm ‘cự tuyệt’ với việc xin ân xá.
Tác giả viết: “Nếu tôi là chị, thì tôi không xin ân xá. Nếu chủ tịch nước có tự ban ân xá cho Hải thì cũng không nhận. Bởi vì, nếu xin hoặc nhận ân xá là đồng nghĩa với Hồ Duy Hải phạm tội giết người và cướp tài sản. Tôi chỉ xin, hoặc nhận ân xá nếu Hồ Duy Hải là thủ phạm.
Chỉ có hai lựa chọn: Hoặc trắng án, hoặc tử hình. Nếu không trắng án, thì chọn tử hình để bảo vệ thanh danh và lẽ phải. Đây là một quyết định nghe tàn nhẫn nhưng nên làm.
Chị là người mẹ Việt Nam kiên cường mà tôi từng thấy trong đời. Một thân một mình, thân cô thế cô, ít chữ nghĩa, không quyền lực, ít tiền bạc, không mưu lược, bền bỉ, không mệt mỏi chống chọi với cả một bầy sói độc ác nhất nhì hành tinh.
Xin Chị đừng bảo tôi ngoa ngôn. Mức độ độc ác, lươn lẹo, ma giáo, nham hiểm, tham lam, tàn bạo, vô liêm sỉ thì công an và tòa án Việt Nam có lẽ chỉ thua Trung Quốc.
Một cọng tóc, một giọt máu, một mảnh da, của hung thủ để lại hiện trường đem thử DNA thì kết quả gần như chắc chắn. Thêm vào những dấu vân tay, khó ai mà cãi nổi.
Thế nhưng họ không làm. Họ đi mua dao thớt. Họ bảo để nhận dạng. Chỉ có một cái thớt thì nhận dạng cái nào? Hơn nữa, nhận dạng không phải là tang chứng.
Giám đốc thẩm Tòa Tối cao bảo: Nhân chứng thấy. Có người ngồi trong bưu điện, tóc rẽ đôi. Hải có mái tóc rẽ đôi nên trở thành nghi phạm. Ông Đỗ Mười cũng có tóc mái rẽ đôi. Tóc Kim Jong Un cũng ná ná, hao hao.
Tất cả những điều này, các luật sư đã nói cả rồi. Tôi nhắc lại để Chị hiểu: Họ quyết tâm giết Hải, dùng Hải vào những ván cờ chính trị.
Đây là cuộc chiến pháp lý đẫm máu giữa công lý và phi lý. Đây cũng là một cuộc chiến đạo đức giữa ác và thiện. Đã chiến tranh thì có hy sinh. Đấng Tạo Hóa đã chọn gia đình Chị là những người ở tuyến đầu. Hãy chấp nhận, đón lấy sứ mạng của lịch sử giao phó. Hoặc chết hoặc vô tội. Không xin, cho cũng không nhận ân xá…”
Nhà hoạt động dân sự, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh thì có quan điểm hơi khác tác giả trên.
Ông viết: “Gia đình, người thân của Hải và công luận, những người có cương vị (như Đại biểu Quốc hội chẳng hạn) cần tiếp tục lên tiếng với Quốc hội, với ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước để có những biện pháp can thiệp theo luật (của Nhà nước và cả của …. Đảng).
Thậm chí, đằng sau câu chuyện, nếu như còn có cả những toan tính chính trị, thì cũng cần khai thác theo cách nào đó để giành lại công lý.
Tuy nhiên, cuối cùng, khi hết hy vọng, vẫn nên cứu mạng Hải bằng cách xin ân xá. Ít ra, cũng lấy trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn làm ví dụ. Biết đâu đó, một ngày, kẻ thủ ác không phải là Hải thực sự bị lộ diện, sau khi Hải đã bị thi hành án. Còn gì đau hơn?
Tất cả những nỗ lực của gia đình Hải và công luận chắc chắn phải đánh động tới cả những con tim dù có chai đá nhất. Trong vụ ông Chấn, đó chính là kẻ thủ ác, một trường hợp quá hiếm hoi.
Với những người dân lành thấp cổ bé họng đấu tranh cho quyền lợi của mình và người thân, khó có thể đòi hỏi họ phải hy sinh quá lớn cho công lý, cho sự nghiệp chung của xã hội.
Và còn nhiều những điều có thể bàn. Ví như, nếu Hải được ân xá, thành chung thân, thì nói chung sẽ chỉ phải chịu thụ án khoảng 20 năm. Trong khi còn sống, nhất là sau này Hải ra tù, không thể không có hy vọng chính anh sẽ góp phần làm rõ sự thật.
Cuộc đấu tranh cho tự do, công lý trên đất nước này sẽ còn dài lâu lắm.”
Xin được nhắc lại, ông Nguyễn Thanh Chấn là trường hợp bị bức cung nhục hình buộc phải nhận giết người, bị kết án chung thân. Nhờ có tình tiết giảm nhẹ, ông đã thoát được án tử hình. Ông đã kêu oan ở cả hai phiên tòa sơ và phúc thẩm nhưng HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai ban đầu mà tuyên án. Cho đến khi tìm được ra manh mối kẻ giết người là Lý Nguyễn Chung và Chung ra đầu thú thì ông Chấn mới được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan.
Vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn những hy vọng dù ít ỏi. Một số đại biểu quốc hội đã phản ứng như Tiến sĩ Luật, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân viết trên facebook ngay khi phiên giám đốc thẩm của HĐTP TANDTC như sau: “việc thực hiện ngay một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết. Tôi nguyện sẽ hết sức mình để thúc đẩy công việc ấy!”; Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội hôm 09/5 lên tiếng nghi ngờ về tính độc lập xét xử của HĐTP trong phiên giám đốc thẩm hôm 08/5 đối với Hồ Duy Hải; Bác sĩ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng đã lên tiếng… Giới xã hội dân sự cũng đã vào cuộc với Tuyên bố yêu cầu làm rõ sự thật về vụ án Hồ Duy Hải đang ngày càng thu hút nhiều tổ chức và cá nhân khắp toàn cầu tham gia ký tuyên bố. Một chiến dịch truy tìm nghi can Nguyễn Văn Nghị cũng đã được cư dân mạng phát động rầm rộ.
Giáo sư Chu Hảo đã lên tiếng kêu gọi: HÃY CỨU HỒ DUY HẢI! Quá quắt lắm rồi! Không thể chịu đựng được nữa rồi! Hãy lên tiếng! Đừng sợ!
Ông khẳng định: Nếu bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải được thực thi như ý nguyện của 17 quan tòa Giám đốc thẩm ngày 08/5/2020 thì chính họ là những tên đao phủ; và nền công lý này, về thực chất, đã phản bội lại nhân dân.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)