Nguồn tin độc quyền của Reuters cho hay một tài liệu nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng khủng hoảng COVID-19 sẽ khiến nước này phải đối mặt với làn sóng chống Trung toàn cầu giống thời Thiên An Môn.
Báo cáo này đã được Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc gửi tới các lãnh đạo nhà nước, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó kết luận rằng tâm lý chống Trung Quốc toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989.
Báo cáo được soạn bởi Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), một cơ quan tham mưu có liên hệ mật thiết với Bộ An ninh Quốc gia, cơ quan tình báo hàng đầu Trung Quốc.
Reuters đã không được tiếp cận trực tiếp với tài liệu này, nhưng được những người nắm rõ nội dung tài liệu cung cấp thông tin.
“Chúng tôi không có thông tin nào liên quan đến vấn đề này,” Văn phòng của người ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời Reuters khi được hỏi về báo cáo nội bộ nói trên.
Reuters cũng không thể liên lạc với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để hỏi bình luận do cơ quan này không cung cấp địa chỉ công khai nào.
CICIR, từng là cơ quan thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho tới năm 1980, đóng vai trò tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại và an ninh, cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Reuters không thể đánh giá được các nhận định trong báo cáo phản ánh ở mức độ nào quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và nó sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào tới chính sách quốc gia, nếu có.
Nhưng báo cáo này được đưa ra cho thấy Bắc Kinh coi trọng việc việc xem xét các đe dọa về một làn sóng phản đối dữ dội toàn cầu đang hình thành và đang đe dọa đầu tư chiến lược ở nước ngoài của Trung Quốc cũng như vị thế an ninh của nước này.
Theo báo cáo này, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với làn sóng chống Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn dắt sau hậu quả của đại dịch COVID-19, và cần phải chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất là cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc toàn cầu.
Báo cáo mà Reuters được mô tả cảnh báo rằng tâm lý chống Trung Quốc, bùng phát do đại dịch virus corona, có thể dẫn đến làn sóng phản đối các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, và rằng Washington có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh khu vực, khiến tình hình an ninh ở châu Á trở nên bất ổn hơn.
Báo cáo kết luận rằng Washington coi việc Trung Quốc trỗi dậy như một mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời là một thách thức đối với các nền dân chủ phương Tây. Báo cáo cũng cho biết Hoa Kỳ đang nhắm đến việc hạ bệ Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc bằng cách làm suy yếu niềm tin của công chúng vào đảng này.
Một trong những nguồn tin cho biết báo cáo được một số người trong cộng đồng tình báo Trung Quốc coi là phiên bản Trung Quốc của bức ‘Điện tín Novikov’ – một công văn năm 1946 của Đại sứ Liên Xô tại Washington, Nikolai Novikov, nhấn mạnh sự nguy hiểm của kinh tế Mỹ và tham vọng quân sự hậu Thế chiến thứ hai.
Điện tín Novikov, là phản hồi một bức điện tín của nhà ngoại giao Hoa Kỳ George Kennan từ Moscow nói rằng Liên Xô không thấy khả năng tồn tại hòa bình với phương Tây, và kiềm tỏa lẫn nhau là chiến lược tốt nhất về lâu dài.
Hai tài liệu đã giúp tạo tiền đề cho tư duy chiến lược định hình cả hai chiến tuyến của Chiến tranh Lạnh.
Báo cáo của CICIR thực sự đã làm người ta liên tưởng đến một một cuộc chiến trạnh lạnh mới đứng đầu bởi Mỹ và Trung Quốc.
Chống Trung Quốc và kỳ thị người Trung Quốc không phải là điều mới – Chủ nghĩa bài Trung là một hiện tượng đã tồn tại hàng thế kỷ và chỉ chờ những mồi lửa để thổi bùng lên. Virus corona chủng mới đến từ Vũ Hán là một mồi lửa như thế.
Sự nghi ngại đối với người Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên trên khắp thế giới kể từ khi đại dịch virus corona bắt đầu, thậm chí ngay cả ở châu Á, những người cùng tóc đen da vàng với người dân Trung Quốc.
Thậm chí ngay cả khi cảm thông tăng lên đối với các nạn nhân người Trung Quốc, đặc biệt với cái chết của bác sỹ Lý Văn Lượng – người đầu tiên cảnh báo sự xuất hiện của virus corona – thì làn sóng bài Trung Quốc liên quan đến virus này vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Ở châu Á, các chỉ trích chống Trung Quốc được thực hiện với giọng điệu bài ngoại ở mức độ sâu sắc hơn. Một chủ đề phổ biến là nghi ngờ có phải chính Trung Quốc đã làm lây lan virus này cho dân của họ.
Từ cuối tháng 1, đầu tháng 2, tại Singapore và Malaysia, hàng trăm ngàn người đã ký một thỉnh nguyện thư online kêu gọi cấm công dân Trung Quốc vào lãnh thổ nước mình. Và chính phủ cả hai nước này đã ‘cấm cửa’ với người Trung Quốc ở một số địa điểm.
Ở Nhật Bản, nhiều người gọi người Trung Quốc là “những kẻ khủng bố sinh học”, trong khi thuyết âm mưu về việc Trung Quốc làm lây nhiễm virus cho người dân.
Tại Indonesia, nơi có đông đảo người Hồi giáo, chủ nghĩa bài Hòa đã luôn hiện diện để phản đối các hành động vi phạm nhân quyền của Chính phủ Trung Quốc đối với những người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi thì nay được dịp trở nên nhức nhối thậm chí còn có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Một số chuyên gia đang tự hỏi liệu COVID-19 có thể được sử dụng để buộc Tổng thống Joko Widodo giảm quan hệ với Trung Quốc, liệu các thế lực Hồi giáo cực đoan có thể sử dụng chủ nhgĩa bài Hoa thể hiện trong đại dịch coronavirus để gây ra những hành động khủng bố chống lại các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Indonesia.
Ở châu Á, nhiều thế kỷ qua, cái bóng của Trung Quốc đã phủ lên các lĩnh vực như tranh chấp khu vực, bất bình về lịch sử và làn sóng di dân Trung Quốc.
Gần đây, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và việc họ giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương đã làm dấy lên sự tức giận và nghi ngờ đặc biệt ở Đông Nam Á – nơi có dân số Hồi giáo đáng kể.
Tiền và đầu tư Trung Quốc đổ vào khu vực được chào đón, nhưng cũng làm dấy lên ngờ vực về sự thống trị và bóc lột với rất ít lợi lộc đem về cho kinh tế địa phương.
Thậm chí, ngay cả trong các nước chủ yếu là người Hoa, như ở Hong Kong và Singapore, đã có một sự gia tăng trong tình cảm chống đại lục, một phần do những lo lắng kéo dài về việc người Trung Quốc nhập cư, bản sắc, cũng như ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Sự giàu có ngày càng tăng của Trung Quốc dẫn đến số lượng khách du lịch và sinh viên đến thăm và sống ở khắp nơi trên thế giới tăng vọt hơn bao giờ hết, khiến sự hiện diện của nước này rõ rệt hơn. Các báo cáo lẻ tẻ về hành vi xấu cùng với sự hiện diện đông đảo của họ đã làm nảy sinh những định kiến về khách du lịch Trung Quốc thô lỗ hay sinh viên Trung Quốc siêu giàu vung tiền qua cửa sổ.
Một số người tin rằng làn sóng bài Trung này chủ yếu là do việc Trung Quốc đã cư xử thế nào, cả trong khủng hoảng y tế hiện thời và trong các năm gần đây trên trường thế giới.
Giáo sư Donald Low, một học giả tại Hong Kong, người nghiên cứu về chính sách công Trung Quốc nhận định: Thái độ chung đối với Trung Quốc là một hỗn hợp của “kinh ngạc và coi thường“.
Đối với một số người đang xem xét cách Trung Quốc xử lý khủng hoảng virus corona,”có sự ngưỡng mộ đáng kinh ngạc về những gì người Trung Quốc có thể làm, chẳng hạn như xây bệnh viện trong vài ngày. Nhưng cũng có sự khinh miệt vì họ không thể kiểm soát những thứ như buôn bán động vật hoang dã, hoặc tính minh bạch.”
Cho đến những ngày gần đây, khi đại dịch đã phần nào được khống chế trên quy mô toàn cầu thì nhiều quốc gia trên thế giới đang dựng lên các rào cản để chống lại những nỗ lực của các công ty nước ngoài – đặc biệt là Trung Quốc – trong việc thâu tóm những doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược vốn đã bị mất giá do đại dịch COVID-19.
Từ Mỹ đến Ấn Độ đến Úc, các chính phủ đều cảnh báo về sự cần thiết của việc không để các doanh nghiệp, tài sản chủ chốt của quốc gia rơi vào tay các công ty nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, và hành động để chống lại việc doanh nghiệp bị thâu tóm với mức giá thấp.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một sự sụp đổ kinh tế toàn cầu chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc dự đoán suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ gây ra thiệt hại thu nhập khoảng 2 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.
Hàng nghìn tỷ USD định giá của các công ty đã bị bốc hơi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chỉ riêng tại Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, mặc dù có sự phục hồi gần đây, đã giảm gần 18% kể từ cuối tháng Hai.
Trong khi đó, Boeing và Airbus, 2 gã khổng lồ sản xuất máy bay của Mỹ và châu Âu, đều đã mất gần 60% giá trị thị trường kể từ giữa tháng 2. Ngoài ra, cổ phiếu của công ty khai thác dầu khí ENI của Italy và công ty khai khoáng lớn nhất Australia, BHP Group, cũng đã giảm khoảng 40% hoặc hơn kể từ tháng 1.
Khi giá trị tài sản của các công ty hàng không vũ trụ và năng lượng sụt giảm, nhiều chính phủ lo ngại rằng đây đang là cơ hội mua lại cho những đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như Trung Quốc.
Chỉ trong những tuần qua, nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp bảo hộ mới bao gồm: Tăng cường đánh giá các nguồn đầu tư nước ngoài và thậm chí chính phủ sẽ cân nhắc xem có nên mua lại cổ phần tại một số công ty được coi là chiến lược hay không.
Bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu, cho biết rằng các nước châu Âu nên xem xét việc mua cổ phần trong các công ty để ngăn chặn mối đe dọa từ việc tiếp quản của Trung Quốc, Financial Times đưa tin.
Ông Rod Hunter, một luật sư của Baker McKenzie tại Washington, chuyên gia tư vấn về đầu tư nước ngoài, cho biết: “Chính phủ các nước đang nói rằng họ không muốn người khác tận dụng sự biến động của thị trường để trục lợi“.
Về vấn đề này, ông Hunter, người từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng: “Tác động lâu dài từ đại dịch là phơi bày những khu vực dễ bị tổn thương trong nền kinh tế, cho dù đó là sự phụ thuộc vào Trung Quốc về thành phần hoạt dược hay phụ thuộc vào châu Âu về thiết bị y tế. Nhận thức về những điểm yếu này sẽ ảnh hưởng đến cách nhiều chính phủ nhìn nhận đầu tư nước ngoài từ tất cả các khu vực, nhưng đặc biệt là từ Trung Quốc“.
Hiện tại, Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện rõ hơn tham vọng toàn cầu trong cuộc đua công nghệ và quân sự dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này chính là nguyên nhân khiến việc đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược đã trở thành một vấn đề nhạy cảm ở phương Tây.
Đại dịch COVID-19 đã trở thành một sự kiện nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới rằng quốc gia của họ đang dựa vào Trung Quốc rất nhiều. Sự phụ thuộc này chỉ bao gồm các sản phẩm đơn giản nhưng lại quan trọng và vô cùng cần thiết, từ khẩu trang đến thuốc men. Nó còn thể hiện rõ cái cách các nền kinh tế thế giới gắn bó với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng ở một loạt các lĩnh vực.
Vào đầu tháng 4, Úc đã yêu cầu tất cả các vụ mua lại có liên quan đến nước ngoài phải trải qua quy trình đánh giá mới mặc dù nền kinh tế của nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Họ cũng mở rộng quá trình xem xét – trước đó 30 ngày – lên đến 6 tháng.
Trong khi đó, Ấn Độ vào ngày 17/4 cũng đã sửa đổi các quy tắc đầu tư nước ngoài của họ đối với bất kỳ quốc gia nào có chung đường biên giới trên đất liền – một động thái rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, nhóm nghiên cứu của Viện Brookings đưa tin.
Tạp chí Far Eastern Economic Review (FEER) trong số tháng 5/2008 có bài của Michael A. Ledeen dưới tựa đề ‘Bắc Kinh tiếp thu chủ nghĩa phát xít cổ điển’ – nói về tình hình chính trị Trung Quốc.
Tác giả viết: “Tuy họ vẫn tự mệnh danh là ‘người cộng sản’, để hiểu được nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chúng ta nên bắt đầu bằng chủ nghĩa phát xít cổ điển…
Ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không còn chí thú theo đuổi con đường gập ghềnh và nguy hiểm từ chủ nghĩa Stalin tới dân chủ nữa.
Họ hiểu rằng Mikhail Gorbachev đã thất bại khi ông muốn kiểm soát nền kinh tế trong khi cho người dân quyền tự do chính trị rộng lớn hơn.
Bởi vậy, họ muốn làm ngược lại: giữ chặt quyền lực chính trị trong khi cho phép làm ăn kinh doanh một cách tương đối tự do. Phương pháp chính trị của họ gần giống như những gì các chế độ phát xít Âu châu từng làm nhiều năm trước.”
Sau 12 năm, những nhận định của tác giả vẫn còn nguyên giá trị nhất là dưới sự lãnh đạo của hoàng đế đỏ Tập Cận Bình.
Hai từ ‘phát xít’ đã là nỗi ám ảnh của nhân loại trong thế kỷ 20, hai từ ‘Trung Quốc’ sau đại dịch COVID-19 đã khiến thế giới ‘rờn rợn’ thậm chí có phần ‘ác cảm’ vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21.
Các nước trên thế giới đã nhận ra sự hung hăng của Trung Quốc và nhà cầm quyền tại Bắc Kinh hoàn toàn có lý do để lo sợ về một chiến dịch toàn cầu bài Hoa, vì họ đã quá mệt mỏi và thất vọng với thể chế độc tài toàn trị theo chủ nghĩa cộng sản này.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)