“Cột điện ở Mỹ” muốn về, người Việt “sống chết” đòi ra đi

https://www.youtube.com/watch?v=g8adZLNvlJk

Trước thềm Đại hội 13, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một phát ngôn thế kỷ xuyên thời gian và không gian tái khẳng định một nhiệm kỳ đứng đầu chính phủ với những phát ngôn đi vào lịch sử. Ông Thủ tướng đã liên hệ từ cái ngày 30/4/1975 mà Đảng Cộng sản vẫn gọi là ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ đến thời điểm hôm nay khi mà Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và đi xuyên không gian từ siêu cường quốc tế nằm ở bên kia Thái Bình Dương nơi từ ngày lập quốc vẫn tôn thờ chân lý “mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” đến Việt Nam – đất nước của dân do dân và vì dân còn Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ thì của Đảng, do Đảng và vì Đảng.

Cụ thể, truyền thông trong nước đưa tin trong một phiên thảo luận của quốc hội hôm 08/6 về tình hình kinh tế, xã hội, Thủ tướng Phúc phát biểu: “Trước đây, sau năm 1975, một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói: ‘Nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam’.”

Cơ sở cho tuyên bố này được Thủ tướng chỉ ra là sau năm 1975, Việt Nam từ một nước “nghèo đói, thiếu ăn, nợ nần chồng chất”, nay đã trở thành nước “xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi nhiều nước rất khó khăn”. Điểm sáng mới nhất của Việt Nam là chặn đứng đại dịch COVID-19. Thủ tướng Phúc cho biết có hàng vạn người ở nước ngoài đang đăng ký để về Việt Nam.

Phát biểu của Thủ tướng làm náo động cả Việt Nam và cộng đồng người Việt trên thế giới, thu hút rất nhiều bình luận của người Việt toàn cầu.

Phát biểu này ngay sau đó đã được Đài Á Châu Tự Do dẫn lại và nhận được hơn 10 ngàn biểu tượng cảm xúc trong đó quá nửa là biểu tượng “Haha” trên Facebook.

Chỉ một ngày sau, tức ngày 09/6, những tường thuật của truyền thông trong nước liên quan đến ‘cột điện biết đi ở Mỹ’ đều được gỡ bỏ mà không nêu lý do.

Ảnh 1: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong một cuộc họp

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện đang sinh sống tại Úc đã có một bài viết dài phân tích nguồn gốc của câu nói nguyên bản của nghệ sĩ Trần Văn Trạch rằng “Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi” cho đến làn sóng thuyền nhân kéo dài từ năm 1975 đến những năm 90 và xu hướng của người Việt đang sống ở nước ngoài hiện nay.

Theo một báo cáo của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) xuất bản năm 2000 thì trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1995 đã có khoảng 1 triệu người từ Việt Nam vượt biên bằng đường biển đến các nước trong vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Malaixia, Philippines hay Hồng Kông hoặc đi bộ qua Campuchia, và từ đó đi sang Thái Lan, nơi có hàng trăm ngàn đồng hương đang chờ trong các trại tị nạn. Trong số này, ước tính 200.000 đến 400.000 người không đến được không đến được đến bến bờ tự do, hoặc chết vì đắm tàu hoặc bị hải tặc Thái Lan sát hại…vv.

Ông Tuấn gọi đó là ‘cả một trời kỉ niệm và đau thương’. Ông kể lại: “Sau năm 1975 tình hình kinh tế – xã hội ở miền Nam rất bi đát. Chế độ mới chủ trương ‘hợp tác xã’ các hoạt động kinh tế, dẫn đến tê liệt toàn xã hội. Từ một nền kinh tế xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới nay trở thành thiếu gạo ăn. Chính tôi cũng từng ăn độn bo bo xanh cả người. Tất cả các hàng hoá thiết yếu (thời đó gọi ‘nhu yếu phẩm’ theo Tàu cộng) đều qua sự phân phối của Nhà nước và mở cánh cửa cho tham ô, nhũng nhiễu. Tình trạng kì thị Bắc Nam và chủ nghĩa lí lịch vô cùng nặng nề, và người ta nghi kị lẫn nhau, không ai tin ai. Người ta tự hào là “Nguỵ”, vì nguỵ đàng hoàng và có trình độ học vấn lẫn kĩ thuật, để phân biệt với cán bộ miền ngoài và du kích mới tiếp thu. Trong bối cảnh như vậy thì người ta chỉ còn một cách là bỏ nước ra đi. Người ta bằng mọi giá tìm đường vượt biển và vượt biên. Thời đó, bạn bè tôi đi nhiều vô kể. Sáng nay còn cà phê với bạn, sáng mai thấy không tới quán, và bạn bè ai cũng biết nhưng không nói ra “nó đi rồi”. Hôm qua họp phòng còn gặp bạn bè và nghe kiểm điểm, hôm nay nó biến mất, và ai cũng biết “lại thêm một đứa lên đường“.”

Ảnh 2: Hình ảnh người Việt chấp nhận nguy hiểm lênh đênh ngoài biển trên những con tàu đơn sơ để thoát khỏi chế độ cộng sản sau năm 1975

Theo ông Tuấn, chứng kiến cảnh người người lũ lượt ra đi, nghệ sĩ Trần Văn Trạch tóm tắt bằng một câu đơn giản: “Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi“.

Ông Trạch là em ruột của giáo sư Trần Văn Khê. Hai anh em theo hai hướng khác nhau: ông anh thì có cảm tình với nhà cầm quyền miền Bắc, còn ông em thì theo Việt Nam Cộng hòa trong Nam.

Ông Tuấn khẳng định: “Những người ra đi vào cái thời ông Trần Văn Trạch nói câu đó — còn gọi là “boat people” — thì có lẽ họ sẽ không về Việt Nam định cư đâu. Họ đã có cuộc sống gia đình và kinh tế ổn định, con cháu đều học hành đàng hoàng và chúng cũng đã có cuộc sống ổn định. Tôi không nghĩ ra bất cứ lí do gì họ phải về Việt Nam sống.

Nếu có người về thì có lẽ do hoàn cảnh gia đình hay công ăn việc làm bên này gặp khó khăn. Nhưng tôi nghĩ con số người gặp khó khăn bên này chắc chắn không nhiều.

Tôi biết có nhiều người ra đi thời đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa bước chân về Việt Nam, và họ sẽ không bao giờ về Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đối với họ, “một lần đi là một lần vĩnh biệt; một lần đi là mãi mãi chia phôi”. Thà chia phôi, chớ họ không về Việt Nam.”

Đồng thời, ông dẫn chứng tình trạng bỏ nước ra đi của người Việt hiện nay sau gần 35 năm ‘đổi mới’. Chỉ tính riêng nước Úc, từ 2014 đến 2018, mỗi năm có hơn 5,000 người từ Việt Nam sang Úc định cư [2]. Con số này bao gồm di dân tay nghề (chừng 1600-2000 mỗi năm) và đoàn tụ (3200-3500 mỗi năm). Nếu chỉ tính từ 2000 đến nay, số người Việt bỏ nước sang Úc có thể gần 100,000 người. Đó là con số ở Úc, còn con số ở Mĩ và Canada có thể còn nhiều hơn nữa.

Ông nói thêm rằng: “Có khá nhiều người ra đi là quan chức nghỉ hưu, hay con cháu của các quan chức đa số là miền ngoài. Có bạn báo chí nói đùa rằng có cả một “làng thứ trưởng” bên Úc. Làng này thì chắc không có ý định đăng kí về Việt Nam.”

Ông nêu ra một “xu hướng chung và gần như là một định luật: Người rời Việt Nam thì đa số là tài giỏi (như thống kê Úc chỉ ra), còn nguời về thì chắc chắn không thể so được với kẻ ra đi. Bởi nếu giỏi ở ngoài thì sẽ không đăng kí về Việt Nam. Sinh viên học giỏi cũng sẽ không thích về Việt Nam, nơi mà qui ước 5C (con cháu các cụ cả) hay COCC (con ông cháu cha) rất phổ biến. Nói như vậy để thấy Việt Nam không có gì để tự hào với những ‘người về.’”

Ông dự đoán một cách mỉa mai rằng: “chắc chắn các quán cà phê ở các vùng như Litle Saigon ở Nam California, Ballaire ở Houston, Quận 13 ở Paris, và Footscray và Cabramatta ở Úc, câu nói đó sẽ mua vui được khá nhiều thực khách.”

Ảnh 3: Giáo sư Trần Văn Khê, nghệ sĩ Trần Văn Trạch và nhạc sĩ Lê Thương thời trẻ

Nhà báo Mạnh Kim từ Mỹ nêu nhận định của ông về việc này qua ứng dụng facebook messenger: “Câu nói như có tính “định lý” của ông thủ tướng Việt Nam cho thấy sự ngớ ngẩn vốn dĩ của ông dựa vào những phát biểu trước đó và nó cũng phi lý khi xét đến thực tế.”

Làm sao cộng đồng Việt kiều có thể chỉ vì dịch bệnh hoặc tình hình chính trị rối loạn tạm thời ở nước Mỹ mà bỏ hết nhà cửa – tài sản để về Việt Nam; đó là chưa kể việc ăn học của con em họ.

Không chỉ chuyện tài sản, người Việt ở Mỹ cũng không thể và không bao giờ chấp nhận khước từ một nền chính trị dân chủ để trở về Việt Nam chấp nhận sống trong một chính thể độc tài mà cơ hội để họ bày tỏ chính kiến đối với chính quyền như ở Mỹ là không bao giờ có thể xảy ra.

Có một sự khác biệt rõ đến mức không cần phải chứng minh về quyền lợi có được giữa một công dân Mỹ (mang quốc tịch Mỹ) và công dân Việt Nam (cầm passport CHXHCNVN); chưa kể những quyền lợi an sinh xã hội được thụ hưởng…”

Theo số liệu của Bộ Tư Pháp Việt Nam, trong năm 2015 có 4.474 người từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Còn theo Ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs), ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2,6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn, tức trung bình mỗi năm có gần 100.000 người bỏ nước ra đi.

RFA cho biết con số mà Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231.000; năm 2000 lên đến 988.000 và năm 2017 đã là 1.343.000 người.

Riêng về du học sinh, con số mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào tháng 3/2019 là có 30.684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với tháng 8 năm 2018 trong đó có những ‘cậu ấm cô chiêu’ của các lãnh đạo cốt cán của Đảng Cộng sản Việt Nam như con trai của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung theo thông tin ông tiết lộ trực tiếp trong đại dịch COVID-19 vừa qua.

Ảnh 4: Tranh cổ động tấm lớn về phòng chống đại dịch COVID-19 được đặt ở các điểm nút giao thông của Hà Nội

Một hiện tượng khác nghịch lý với tuyên bố của ông thủ tướng đó là các trường hợp được cử đi du học bằng tiền ngân sách địa phương nhưng sau khi tốt nghiệp không về địa phương như cam kết mà ở lại làm việc luôn ở nước ngoài và có những trường hợp sẵn sàng đóng tiền nộp phạt lên tới cả tỷ đồng.

Đà Nẵng và Quảng Ngãi là hai địa phương điển hình cho hiện tượng này. Hồi cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận có 4 trường hợp là con của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ban, ngành cấp tỉnh Quảng Ngãi được cử đi du học bằng tiền ngân sách tỉnh; nhưng sau khi tốt nghiệp có 3 trường hợp không về tỉnh làm việc như cam kết, 1 trường hợp về tỉnh làm việc nhưng được vài tháng rồi cũng bỏ đi. 4 trường hợp này đi theo diện đề án thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Ngãi với số tiền lên tới 150 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2020, 4 trường hợp này mới trả được 1,1 tỷ đồng trên tổng số tiền là 9,88 tỷ đồng phải thu hồi.

Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, hiện đã về hưu, nhận xét rằng, chuyện được cho đi du học bằng tiền Nhà nước nhưng ở lại, không về phục vụ trong nước xảy ra từ hàng chục năm rồi; trước đây có một số người đi học tại Liên Xô, Đức, Ba Lan và Tiệp sau đó họ cũng không về nước nhưng họ phải nộp một số tiền cho sứ quán tại nước sở tại hay gọi là tiền hoàn lại tiền nhà nước đã chi cho đi đào tạo mà không về phục vụ cho đất nước.

Tuy nhiên theo tiến sĩ Mạc Văn Trang biện pháp thu tiền bồi hoàn như thế hoàn toàn không có tác dụng gì. Ông lý giải:

“…bởi vì khi đào tạo xong người ta ở lại nước ngoài để làm việc, tìm được việc làm tốt lương cao thì số tiền phải trả lại thì không đáng là bao nhiêu, khoảng vài trăm triệu đối với người ta không quan trọng bởi vì để tìm cách đi nước ngoài để định cư được thì người ta cũng mất tiền tỷ và thậm chí còn đi chui đi lủi nhưng người ta vẫn đi. Giờ nhân dịp được đi học rồi định cư ở lại một cách chính thức mà chỉ đền một số tiền vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thì người ta vẫn thấy đó là điều tốt hơn là đi chui lủi nên cho dù nhà nước có bắt trả lại tiền như thế thì không ngăn được chuyện người ta ở lại đâu, bởi vì so ra người ta vẫn lãi hơn là tự bỏ tiền ra để đi chui lủi.”

Và chắc chắn những trường hợp này sẽ không vì thành tích chống đại dịch COVID-19 lừng lẫy ở Việt Nam mà quay trở lại ‘cống hiến’ cho Tổ quốc.

Ảnh 5: Quyết định thu hồi gấp 2 lần kinh phí hỗ trợ cho các trường hợp vi phạm ở Quảng Ngãi

Điều hay ho khác là cùng thời điểm với tuyên bố ngạo nghễ trên của Thủ tướng, hai bộ chuyên trách về lao động của Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt thỏa thuận “tạm dừng” tuyển chọn người đi làm việc ở Hàn Quốc trong năm 2020 đối với cư dân ở 10 huyện, thị xã, thành phố thuộc 5 tỉnh do tỉ lệ bỏ trốn quá cao.

5 tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có các địa phương bị Hàn Quốc cấm xuất khẩu lao động cũng chính là các tỉnh có phần lớn trong số 39 di dân lậu thiệt mạng trong vụ “buôn người” bằng xe container từ Pháp sang Anh, gây chấn động thế giới hồi tháng 10/2019.

Chủ tịch tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Vũ Quốc Ngữ nhận định với VOA rằng các tỉnh miền trung có đông người đi lao động ở nước ngoài, cả theo con đường chính thức lẫn bất hợp pháp, là vì khu vực này có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Ông Ngữ bình luận: “Người dân các tỉnh này phải tham gia xuất khẩu lao động vì hoàn cảnh đưa đẩy, vì mưu sinh, chứ không ai muốn phải xa quê hương và đi làm ở nước ngoài cả.”

Ông cũng phân tích một phần lý do của việc bỏ trốn là người lao động nhận thấy khó có việc làm khi trở về quê nhà, ngoài ra, họ bị áp lực kiếm tiền để trả nợ cho khoản phí môi giới. Một chuyện mà ai cũng biết vì báo chí đã đưa tin rất nhiều đó là công ty môi giới lao động thu phí đưa người đi xuất khẩu lao động rất cao. Đối với người lao động, số thu nhập có được trừ đi khoản phí này thì sẽ chẳng còn lại bao nhiêu nên họ phải trốn ở lại để kiếm thêm thu nhập.

Ông Ngữ nhận định thẳng thắn là nạn thu phí cao sẽ “không bao giờ hết” vì nó gắn với nạn tham nhũng ở Việt Nam. Ông chỉ rõ: ““Đây là mảnh đất béo bở của những công ty môi giới lao động. Những công ty này là ‘sân sau’, hoặc có sự hỗ trợ của các quan chức cao cấp của chế độ cộng sản. Tôi cho là không bao giờ giải quyết được vấn đề này, một khi còn chế độ cộng sản.”

Ảnh 6: Người lao động Việt Nam chuẩn bị lên đường sang Hàn Quốc

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> “Tổng Bí thư” Trần Quốc Vượng?

>>> Đồng Tâm: Sợ cụ Kình báo oán, Đảng lập đàn cúng tế?

>>> Vụ Hồ Duy Hải: lời khai của nhân chứng đầu tiên cũng bị “biến mất”

https://www.youtube.com/watch?v=N0Lyfz2k7TE
“Mầm non đất nước” ăn cơm nguội với ve sầu – ưu việt XHCN

 

Kasse animation 7.8.2023