Dường như phiên xét xử 29 dân làng Đồng Tâm đã “được chỉ đạo sát sao cho đến phút cuối của các cấp lãnh đạo nào đó” – đó là nhận định của Luật sư Ngô Ngọc Trai khi tham dự phiên tòa mà nhiều nhà quan sát nhận định rằng sẽ có án bỏ túi.
Cụm từ “án bỏ túi” xuất hiện cùng với quan sát của những người tham gia phiên tòa ở Việt nam từ nhiều năm trước đến nay, khi phát hiện Chủ tọa phiên tòa nhiều khi nhận được những mẩu giấy từ phía ngoài đưa vào, ngay khi đang xét xử trước hàng trăm con mắt của những người tham gia.
“Là người tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối nên đã được chứng kiến nhiều điều có ý nghĩa.
Hôm tòa tuyên án, ngay khi thẩm phán chủ tọa đang đọc bản án thì hai lần nhân viên tòa án cầm những tờ giấy tiến đến đưa cho Hội đồng Xét xử.” Luật sư Ngô Ngọc Trai kể lại những gì mình quan sát trực tiếp trong phiên tòa.
Điều đó cho thấy vào những giờ phút cuối cùng của vụ án vẫn có những ý kiến chỉ đạo đối với án tuyên, cho thấy một sự giám sát sát sao sâu sắc của các cấp lãnh đạo nào đó đối với phán quyết của tòa.
Trong suốt phiên xử kéo dài nhiều ngày, không thấy trong giọng nói của thẩm phán chủ tọa sự đanh thép cứng rắn cần có trong một vụ án có tính chất loại này, mà thay vào đó nhiều lúc giọng ông xét hỏi xúc động như muốn khóc, cho thấy một ý nghĩa tác động khác về vụ án.
Mọi nguồn lực đều được phát huy nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án trong đó có ưu thế thể chế, ngay cả nhân viên quản giáo vốn không có vai trò tố tụng cũng đã tham gia vào công tác giáo dục nhận thức cho các bị cáo để thành khẩn ăn năn hối cải.
Trong những ngày diễn ra phiên xét xử, vào những giờ buổi sáng và chiều tối, dọc tuyến đường từ trại giam tới trụ sở tòa án đã bị cấm đường phong tỏa để cho đoàn xe dẫn giải bị cáo tới tòa án.
Một sự ưu tiên thường chỉ thấy ở sự bố trí di chuyển cho nguyên thủ các nước đến Việt Nam. Điều đó cho thấy một sự quan tâm lo lắng rất lớn của các cấp chính quyền trước các mối nguy cơ có thể làm cho vụ việc thêm phần biến động xã hội.
Thực tế quá trình xét xử cho thấy Hội đồng Xét xử chỉ tập trung vào hành vi của các bị cáo để xử lý mà không xét đến những hoàn cảnh đã đẩy đưa nhóm người dẫn đến chống đối.
Hội đồng Xét xử cũng không xét đến những yếu tố về lệnh điều động hay phương án bố ráp bắt giữ không hợp lý của cấp chỉ huy đã góp phần dẫn đến hệ quả của tội phạm.
Lối giải quyết như vậy sẽ khiến việc giải quyết vụ án không được khách quan toàn diện và đầy đủ như Bộ luật Tố tụng Hình sự đòi hỏi và không giúp chỉ ra được để khắc phục nguyên nhân điều kiện dẫn đến tội phạm.” Luật sư Ngô Ngọc Trai nhận định.
Dưới góc nhìn của một nhà quan sát, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính đưa ra bình luận:
TỪ VỤ ĐỒNG TÂM NHÌN LẠI NHẬN THỨC CỦA NHIỀU NGƯỜI
Mình chỉ là người quan sát và đánh giá về các vấn đề chính trị, xã hội, không phải là người đấu tranh. Nên thường qua những sự kiện chính trị, xã hội, mình hay quan sát phản ứng của các nhóm người để dự đoán chuyển biến trong chính trị. Sự kiện Đồng Tâm là 1 trường hợp kinh điển.
Xét về bản chất vụ việc, đây là 1 vụ án dân sự bị đẩy lên thành hình sự và có ảnh hưởng đến chính trị, chứ nó không thuần túy là vụ án chính trị. Các bị cáo không hề phản động, thậm chí ngược lại, như ông Kình, ông Hiểu, còn là đảng viên lâu năm, vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, tin vào Tổng bí thư!
Các bị cáo chỉ chống người thi hành công vụ, có mấy trường hợp (bị cho là) chống quá đà thành ra tội giết người. Các bị cáo tuyệt nhiên không chống chính quyền, không dính các tội về an ninh Quốc gia. Tức là không vướng tội về chính trị (mà bên Công an vẫn coi là tội hình sự).
Vì lẽ đó, việc bênh vực các bị cáo, phân tích các sai phạm của phía cơ quan chức năng, những kẻ hở về khoa học hình sự và logic của tòa và Viện Kiểm Soát dùng để luận tội và xét xử các bị cáo thì hoàn toàn là việc bình luận dựa trên pháp luật và logic. 1 số trường hợp suy diễn, nhân tiện chửi chế độ, thì mình không bàn ở đây.
Nhưng khi chỉ bàn chuyện pháp luật, khoa học hình sự và logic như mình, thì đã bị rất nhiều bò đỏ lao vào chửi là Ba Que, Việt Tân, Phản Động…là cớ làm sao?
Đây hoàn toàn là vấn đề nhận thức pháp luật và chính trị của rất nhiều người thực sự non kém. Thường họ đồng nhất đảng, chế độ Cộng sản với quốc gia, dân tộc, thì còn dễ hiểu. Bây giờ họ đồng nhất luôn CA, VKS, Tòa án với chế độ Cộng sản luôn! Có nghĩa là phản biện lại Quân đội, Công an, Tòa, VKS lại trở thành chống chế độ, chống Cộng sản?! Hóa ra cả đống tổ chức kia là 1 sao? Trong khi các tổ chức đó tên đầy đủ đều có chữ NHÂN DÂN đằng sau, có nghĩa là của nhân dân, vì nhân dân, mà bây giờ dân không dám động đến họ?!
Về nhận thức pháp luật, mình để ý nhiều người, thường là cán bộ, công chức, đảng viên, lực lượng vũ trang và thân nhân, đi tranh luận ở các stt khác nhau đã cho thấy họ bị tẩy não, không còn tư duy độc lập, không biết nhận thức đúng sai dựa trên lý lẽ và pháp luật. Họ mặc nhiên coi phán quyết của Tòa là đúng, coi việc bị can nhận tội là bằng chứng cao nhất chứng tỏ bị can có tội? Họ thường ný nuộn: “Không có tội sao lại nhận tội, xin lỗi thân nhân bị hại?”
Việc phân tích đúng sai mình đã viết ở các status trước, không nhắc lại ở đây nữa. Nhưng nhìn vào thực trạng đó thấy thật lo ngại cho trí tuệ của mấy triệu đảng viên, công chức và những người thiện lành bị tuyên giáo nhồi sọ, bị Công an bắt vía.
Về sự sợ hãi, vụ Đồng Tâm này là 1 trong những sự kiện khiến dân chúng câm miệng nhiều nhất, vì Công an là lực lương gây khiếp đảm cho nhân dân nhiều nhất bây giờ. Ai ai cũng sợ mó dái ngựa. Nhiều người hàng ngày vẫn dám lên tiếng trước bạo quyền, nhưng trước vụ này phải câm như hến, dính vào Công an mà. Thế mới thấy chế độ CS cũng chính là chế độ Công an trị, chính quyền cai trị dân dựa trên sự sợ hãi của đa số. Mà sự sợ hãi này nhiều khi mơ hồ, chính những người dân dọa nhau, chứ Công an lại không cần dọa! Đó là thành công tột bậc của thanh kiếm và lá chắn, đã tạo được nỗi sợ giống như người ta đi qua con chó không rọ mõm, không biết nó cắn lúc nào, cứ phải lấm lét tránh xa nó, trong khi có thể nó chả thèm để ý đến mình! Chó ta cắn chả dựa trên quy luật gì cả, mới tạo nên sự sợ hãi, chứ chó Tây lại không đáng sợ, vì nó chỉ cắn theo lệnh, có quy tắc.
Với những quan sát trên, mình đánh giá là chế độ này còn bền vững lắm. Vì còn tẩy não được nhiều người và khiến cho nhiều người sợ Công an.”Kiến trúc sư Dương Quốc Chính nêu nhận định.
Nhà báo Vũ Hữu Sự đưa ra cái nhìn tổng thể với bài viết: ĐƯỢC VÀ MẤT QUA VỤ ĐỒNG TÂM, nội dung như sau:
Qua vụ Đồng Tâm, cái được duy nhất của chính quyền là nuốt trọn được 59 ha đất ở Đồng Sênh, mảnh đất mà nói như nhà văn Tạ Duy Anh (lão Tạ) là mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi, nếu tính theo giá đền bù thì chưa chắc đã bằng cái số lẻ mà ông nghị Phạm Phú Quốc đã bỏ ra để mua chui một suất quốc tịch đảo Sip”.
Để chiếm được mảnh đất ấy, người ta đã phải sử dụng rất nhiều mưu hèn kế bẩn. Thứ nhất là điều tới 3.000 quân “đặc biệt tinh nhuệ” trang bị đến tận răng về làng Hoành xã Đồng Tâm, nơi không có bất cứ một người dân nào bị khởi tố vì bất cứ một hành vi trái pháp luật nào, nghĩa là một ngôi làng hoàn toàn lương thiện, một cách trái pháp luật vào ban đêm, chỉ để giết, để phanh bụng một cụ già hơn Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới 8 tuổi đời và 6 tuổi đảng, phải ngồi xe lăn do chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng, vì năm 2017 đã bị “các đồng chí” của mình ở công an Hà Nội đạp gẫy chân, và bắt đi 29 người dân vô tội.
Thứ hai, là cấm tiệt báo chí và các nhân sỹ, các tổ chức đến làng Hoành để thực hiện những cuộc điều tra độc lập, cấm cả việc quay phim về đám tang cụ Lê Đình Kình.
Thứ ba, vu cho cụ Lê Đình Kình là khủng bố để phong tỏa tài khoản tiếp nhận tiền phúng viếng của người dân cả nước gửi về phúng viếng cụ.
Thứ tư, là huy động cả một đội ngũ báo chí vô cùng đông đảo nhẩy vào đấu tố, kết tội cụ Lê Đình Kình và 29 người dân vô tội bị bắt ở làng Hoành ngày 9/1/2020 trước khi tòa án kết tội họ, nào là sắm sửa vũ khí thô sơ, mua lựu đạn, mua xăng, nào lên mạng tuyên bố sẽ giết từ 300 đến 500 công an nếu công an kéo vào, thậm chí thiếu tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng, người phát ngôn của bộ công an còn trắng trợn vu cho cụ Lê Đình Kình là “một loại cường hào địa chủ mới”… nhưng càng đấu tố, càng chứng tỏ lực lượng công an Hà Nội vừa quan liêu vừa ngu.
Đã biết họ có những hành vi đó, sao không khởi tố đi ? đến 20 giờ ngày 8/1/2020, không ai ở làng Hoành bị khởi tố, nghĩa là không ai có những hành vi đó. Vậy tại sao lại giết người, phanh thây người, bắt người ?
Thứ năm, là tìm mọi cách gây khó khăn cho các luật sư bảo vệ 29 người dân làng Hoành tại phiên tòa sơ thẩm, xử án một cách cuống quýt, vội vội vàng vàng, không thèm chú ý đến bất cứ một bằng chứng nào, đè ra tuyên 2 con trai của cụ Lê Đình Kình án tử hình, quyết tâm lặp lại vụ án Lệ Chi Viên năm 1442 giết cả nhà khai quốc công thần Nguyễn Trãi, một lần nữa, ngay trong thời đại 4.0 này…
Và còn rất nhiều mưu hèn kế bẩn khác nữa.
Bấy nhiêu mưu hèn kế bẩn chỉ để đổi lấy 59 ha đất ở đồng Sênh, mà là lấy đất ấy cho tập đoàn viễn thông quân đội chứ có phải để xây sân bay hay công trình nào để phục vụ cho việc phòng thủ đất nước đâu ?
CÒN CÁI MẤT ?
Cái mất lớn nhất, và cũng là thứ nhất, là mất tính chính danh. Cho đến nay, không có bất cứ một lãnh đạo nào từ lớn đến nhỏ đưa ra được một căn cứ nào để biện minh cho việc phải điều 3.000 quân với đầy đủ súng ống và các phương tiện quân sự tối tân nhất đến một ngôi làng không có ai bị khởi tố vì bất cứ một hành vi trái pháp luật nào vào ban đêm rồi giết người, phanh thây người, bắt người. Nói là để bảo vệ cho quân đội xây tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn ư ? tường rào đã xây xong trước ngày 30/12/2019 cả tuần rồi.
Nói là để bảo vệ an ninh ở Đồng Tâm ư ? Đồng Tâm có mất an ninh trật tự đâu mà bảo vệ ?
Cả làng Hoành đang sống bình yên, không có bất cứ ai vi phạm pháp luật, vì tin vào lời hứa của ủy viên TW đảng, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung : không truy cứu TNHS người dân làng Hoành sau vụ bắt giữ 38 chiến sỹ công an và cán bộ năm 2017. Vả lại, bảo vệ an ninh sao lại tập kích vào làng, giết người, bắt người ?
Cái mất thứ hai, là phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ cái vụng dại, cái yếu của một đội quân lâu nay vẫn tự hào là thiện chiến, là giỏi nhất thế giới. 3 chú lần lượt ngã xuống một cái hố bé tý, mà người ngã trước không biết cảnh báo cho người sau. Lọt xuống hố rồi, dù cái giếng trời đó đã được trổ cửa sổ bằng kính ở độ cao 2 mét, mà không biết đập vỡ cửa kính để chui ra, lại cứ như những con cừu đứng yên đó để cho người dân đổ xăng ra chậu mà hắt xuống, không chỉ một lần mà nhiều lần (theo cáo trạng của VKS). Cả một đội quân “còn đảng còn mình” 3000 người dầy đặc xung quanh, sao lại khoanh tay đứng yên, không biết nổ súng tiêu diệt kẻ đổ xăng để cứu đồng đội ? tình đồng đội đi đâu mất rồi ?
Cái mất thứ ba, là làm sụp đổ hoàn toàn uy tín của ngành tư pháp. Ngành tư pháp xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, mấy năm nay đã lao đao vì những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Hồ Duy Hải…thì nay, vụ án Đồng Tâm như một nhát búa cuối cùng, nhát búa chí mạng giáng thẳng vào nó một cách không thương tiếc, khiến nó sụp đổ tan tành. Sau vụ án này, liệu còn ai tin rằng nền tư pháp đó là công minh, khách quan ?
Cái mất thứ tư, là đã dựng tượng trong lòng nhân dân cho cụ Lê Đình Kình. Cứ nhìn những người dân làng Hoành được tha về sau khi nghe TAND thành phố Hà Nội tuyên án ngày 14/9/2020 thì biết. Sau hơn 8 tháng bị giam cầm, bị bức cung, bị nhục hình và trăm ngàn thứ cay đắng khác. Nhưng được tha, họ chưa về nhà mà hãy chạy ra viếng mộ cụ Lê Đình Kình trước đã. Có hàng trăm người ra cùng với họ. Tại đó, tiếng khóc vang trời. Từ ngày 9/1/2020 đến nay, hình dáng của cụ Lê Đình Kình đã tạc sừng sững vào lịch sử. Lê Đình Kình đã trở thành “muôn năm” trong lóng người dân một cách tự nguyện chứ không phải thứ “muôn năm” treo nhan nhản khắp nơi, kể cả đầu đường xó chợ.
Và cái mất thứ năm, là phơi bày ra trước công luận một vụ án dựng tội, đổ tội, với mục đích duy nhất là giết người. Thật đáng tự hào khi trên thế giới, chỉ duy nhất có nước ta là nước ban đêm vào tận giường ngủ nhà dân giết người mà không cần khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Xin lưu ý, điều 40 của BLHS năm 2015 đã quy định : không thi hành án tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên. Cụ Lê Đình Kình đã 84 tuổi./.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Hai sự thật về Nguyễn Đức Chung
>>> Vụ Đồng Tâm: Báo Đức đặt câu hỏi về khẩu súng bắn chết cụ Lê Đình Kình
>>> Học phong kiến – Đảng xử “tru di tam tộc” cụ Lê Đình Kình
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT