Phát ngôn mới nhất của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Facebook và Google bào mòn doanh thu, nguồn lực báo chí Việt Nam đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và mở ra nhiều tranh luận khác nhau đặc biệt về sự què cụt nền báo chí mang định hướng “cộng sản” tại Việt Nam hiện nay.
Tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” được tổ chức vào ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhận định các mạng xã hội quốc tế như Facebook hay công cụ quảng cáo của Google là trở ngại, thách thức lớn trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền.
Ông nhấn mạnh Facebook, Google… khiến vấn đề vi phạm bản quyền tác giả ngày càng trầm trọng, cản trở sự phát triển của báo chí chính thống.
Giáo sư Mạc Văn Trang nhận định việc ông Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đổ tại mạng xã hội như Google, Facebook là trở ngại lớn cho báo chí mất nguồn thu… thể hiện một “tư duy quản lý tắc tị”.
Giáo sư Trang viết: “Nếu hai hãng này của tư nhân tại Việt Nam, chắc là ông sẽ trình báo “tội của bọn chúng” lên “các cơ quan chức năng” và công an sẽ đọc lệnh khám xét, kết tội “lũng đoạn, gây hại cho hệ thống báo chí”… và vào tù cả lũ!”
Giáo sư Trang nhận định thời buổi thế giới phẳng, phải cạnh tranh để sống chứ không cậy “quốc doanh” rồi bắt chẹt người ta được.
Qua bài viết của mình, giáo sư Mạc Văn Trang đề xuất 3 nội dung mà báo chí Việt Nam cần sửa đổi để nâng cao tính cạnh tranh.
Thứ nhất, báo chí phải nói SỰ THẬT, diễn đạt nguyện vọng của Dân.
Thứ hai, giảm biên chế tối đa, tổ chức thật gọn nhẹ, hiệu quả, chứ cồng kềnh, bộ sậu 1 lũ như báo Nhân dân, lấy gì nuôi nhau, nếu không mút từ NGÂN SÁCH?
Thứ ba, tổng biên tập và các phóng viên phải thật giỏi và dám dấn thân vào cuộc sống, lăn xả vào các sự kiện nóng bỏng như vụ Đồng Tâm, dũng cảm nói lên SỰ THẬT khách quan… (Vụ Đồng Tâm, có phóng viên nào bén mảng đến không? Có tờ báo có bài điều tra độc lập nào không, hay toàn chép lại 100% thông báo của công an?
Bài viết của giáo sư Trang nhận được nhiều sự đồng tình của nhiều trí thức, nhà hoạt động xã hội…
Một số ý kiến cho rằng nhận định của thứ thưởng Thông tin và Truyền thông thể hiện cái nhìn lạc hậu với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, sự chậm tiến với xu hướng phát triển của thế giới, sự chối bỏ thành tựu khoa học của nhân loại.
Tài khoản Facebook Thế Phiệt Nguyễn bình luận: “Tại sao ông này không nói : cỗ máy hơi nước đã phá mất cái nghề kéo cày của con bò?”
Tài khoản Facebook Trần Bang thì gọi ông Hoàng Vĩnh Bảo là thứ trưởng “bao cấp” và so sánh với việc ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc sở Bưu điện HCM đổ tại điện thoại tích hợp qua Internet của Công ty Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long khoảng năm 2004-2008 làm mất doanh thu ngành bưu điện.
Một số người thì bình luận nguyên nhân sâu xa của việc báo chí Việt Nam bị đánh bại bởi các nền tảng truyền thông hiện đại bắt nguồn từ bản chất của chế độ chính quyền cộng sản toàn trị sinh ra một nền báo chí què cụt mà Đảng thường ngợi ca là nền báo chí cách mạng vĩ đại.
Tài khoản Facebook Nguyen Tien Trung nhận định: “Sự thực là giới cai trị đang hủy hoại báo chí khi bắt báo chí phải đưa tin láo xạo để phục vụ cho mục đích tuyên truyền, lừa mị dân. Dân không tin báo chí chính thống nữa thì phải đọc tin chỗ khác thôi.
Lối thoát cho báo chí là chấm dứt nghĩa vụ tuyên truyền cho một đảng chính trị, nói sự thật. Báo chí tư nhân phải được thành lập. Cũng như lối thoát cho ngành tòa án là xét xử độc lập và chỉ tuân theo luật như Hiến pháp quy định, chấm dứt sự chỉ đạo, lãnh đạo của một đảng chính trị trong xét xử.”
Tài khoản Facebook Tiến Nguyễn Nam cùng đồng tình khi bình luận: “Báo chí toàn nói một chiều theo định hướng nên chẳng ai muốn xem. Còn mạng xã hội thì đa chiều lại nhanh chóng cập nhật từng phút, từng giờ.”
Tài khoản Facebook Huong Winfindale bình luận: “Sao ông thứ trưởng không tự hỏi bên Mỹ hay các nước khác họ cũng dùng Facebook, Twitter, Google… mà báo chí của họ có chết đâu, hay tại vì các ông bị cấm khẩu chỉ biết nói theo định hướng và trông chờ vào ngân sách nhà nước thì chết là do lỗi tại ai? Người dân người ta có quyền lựa chọn nguồn thông tin và truyền thông nào yêu thích và trung thực để họ sử dụng vì thế mà cả mạng xã hội và truyền thông, báo chí đều sống khỏe tồn tại cùng nhau. Theo quan sát của tôi từ bạn bè, người thân và ngay cả gia đình tôi cũng đều sử dụng Facebook, Google và mua tải các ứng dụng của các hãng báo chí mà chúng tôi yêu thích và tin tưởng.”
Người dùng Facebook tên Nguyễn Cảnh Thuỵ bình luận: “Nếu ông thứ trưởng là người có tâm với dân với nước thì phải chất vấn hệ thống báo chí với hơn 800 tờ báo, 15.000 phóng viên, tiêu tốn bao nhiêu ngân sách nhà nước mà để cộng đồng quay lưng lại không thèm đọc, nhiều phóng viên dùng báo làm công cụ kiếm tiền, đe dọa, ức hiếp doanh nghiệp.
Và phải biết cảm ơn mạng xã hội đã lên tiếng kịp thời giúp lãnh đạo xử lí nhiều vấn đề hợp lòng dân mà báo chí không làm được (như dừng dự án 3 đặc khu, đất Thủ Thiêm, xét xử Hồ Duy Hải,.. và gần đây nhất là vụ sách giáo khoa lớp 1)”
Sự việc khiến dư luận nhớ lại việc Hội Nhà báo kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ báo chí do ảnh hưởng dịch Covid-19 hồi tháng 04 vừa qua gây bức xúc trong dư luận.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu cho rằng Hội Nhà báo đã đánh mất liêm sĩ khi đi đến hành động này.
Đại dịch virus Vũ Hán Trung Quốc đang mang đại họa đến cho toàn thế giới. Tại Việt Nam, toàn quốc đã phải cách ly. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong khi vẫn phải chi trả lương và tiền thuê mặt bằng. Các trường học đóng cửa, kéo theo hàng vạn giáo việc nghỉ việc không có lương. Cả xã hội chịu tổn thất vô cùng to lớn chưa thể tiên lượng.
Ai ai cũng đau đớn hứng chịu tổn thất vì bỗng dưng con virus Hán Trung Quốc mang đến đại họa. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị lỗ nặng. Hàng vạn doanh nghiệp đối mặt với phá sản và đóng cửa. Hàng chục vạn người không có lương. Hàng vạn y bác sĩ đang lăn mình ngày đêm chống dịch. Tất cả im lặng chống chọi. Không ai kêu cứu.
Thế mà bỗng dưng Hội Nhà báo Việt Nam lại một mình lẻ loi viết đơn kêu cứu Chính Phủ.
Tiến sĩ Chu đã bàng hoàng sửng sốt không ngờ “trí thức Xã hội Chủ nghĩa” và “đảng viên ưu tú” ở lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam lại có Liêm Sỉ ở mức độ này!
Ông nhận định là thành viên trong xã hội, bất cứ ai cũng sẽ được hưởng sự trợ giúp từ những giải pháp của Chính Phủ. Hội Nhà báo Việt Nam chưa phải là nơi khó khăn nhất để là người đầu tiên viết đơn kêu cứu.
Trong khi dư luận càng lên tiếng đấu tranh cho một nền báo chí tự do thì chính quyền cộng sản lại ngày càng tìm cách kìm kẹp báo chí trong nước, phục vụ chế độ toàn trị.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (TT-TT) hồi tháng 09 vừa qua đã trình chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 159 về về xử phạt trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, trao thêm thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với báo chí trung ương cho các địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông giải thích mục tiêu của việc sửa đổi này là để các cơ quan báo chí ‘hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích’.
Theo dự thảo này, lãnh đạo các cơ quan báo chí sẽ bị phạt nếu ký giấy thới thiệu cho phóng viên đi tìm hiểu vấn đề không nằm trong tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.
Bộ TT-TT cũng gửi khuyến cáo cho các bộ ngành liên quan về việc cung cấp thông tin cho báo chí phải đúng ‘tôn chỉ, mục đích’. Bộ này tiến tới thành lập đoàn kiểm tra một số tạp chí ‘lợi dụng tự do báo chí để hoạt động trái pháp luật’. Cũng theo Bộ này, nạn ‘đánh hội đồng, xâm phạm đời tư, xúc phạm danh dự’ cá nhân, chủ yếu là lãnh đạo, vẫn là “vấn nạn nhức nhối“.
Giới hoạt động xã hội nhận định đây là một quy định ‘siết cổ báo chí’ khi chính thức thể chế hóa việc siết chặt quản lý báo chí theo tôn chỉ mục đích.
Một nhà báo kì cựu nguyên là Phó tổng biên tập một tờ báo lớn của Việt Nam nhận định quy định mới này sẽ khiến báo chính thống trở nên vô cùng khó khăn để tồn tại, sẽ bị giảm số lượng bạn đọc, giảm niềm tin. Quy định này đi ngược lại với tự do ngôn luận và hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Chỉ có Việt Nam mới có Ban Tư tưởng (Ban Tuyên giáo Trung ương), bên Vụ Báo chí thì có Vụ Quản lý báo chí, Công an thì có An ninh tư tưởng. Các cơ quan đều có nhiệm vụ bóp nghẹt tự do báo chí, tự do ngôn luận để kiểm soát hoàn toàn về mặt tư tưởng.
Vì thế mà Việt Nam luôn nhằm trong nhóm các nước xếp hạng thấp nhất về tự do báo chí. Việt Nam đứng thứ 175 về tự do báo chí trong tổng số 180 nước, theo xếp hạng năm 2020 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), đứng trên Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nhưng đứng sau ba nước cộng sản anh em là Campuachia, Cuba và Lào.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Cơ chế đa phương bị xói mòn – Di sản nhiệm kỳ Donald Trump
>>> Người Việt chia rẽ vì bầu cử Mỹ
>>> Đuổi việc cán bộ che giấu tài sản là cách diệt trừ tham nhũng?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT