Quốc tế phản đối việc kết án 3 nhà báo độc lập tại Việt Nam

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Dtf5kcyguHc

Sau khi Tòa án TPHCM hôm 05/01/2021 kết án 3 nhà báo thuộc Hội Nhà báo độc lập tổng cộng 37 năm tù giam bao gồm ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội – 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và Biên tập viên Việt Nam Thời Báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng 11 năm tù, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đồng loạt lên tiếng về ba bản án nặng nề này.

Người Phát ngôn Liên minh châu Âu EU hôm 06/01/2021 ra thông cáo khẳng định việc Tòa án nhân dân TPHCM trước đó 1 ngày kết án với 3 lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là “diễn biến tiêu cực”.

Thông cáo được đăng tải trên Fanpage Liên minh châu Âu tại Việt Nam và trên website chính thức của Liên minh châu Âu khẳng định:

Các quốc gia phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc tranh luận công khai ngay cả khi các ý kiến được bày tỏ trái ngược với những ý kiến mà chính quyền đưa ra. Quyền tự do bảy tỏ quan điểm và biểu đạt – cả trực tuyến và trực tiếp – là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng xã hội, phát triển bền vững và bao trùm cũng như thịnh vượng.

Quyền tự do biểu đạt được đảm bảo bằng Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Toàn cầu về Nhân quyền và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam tham gia ký kết, bao gồm cả Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự. Hơn nữa, trong khuôn khổ của Đánh giá Định kỳ Phổ quát, Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị để đảm bảo và dỡ bỏ các hạn chế đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt. Tuy nhiên, việc gia tăng những vụ bắt bớ, bỏ tù và kết án những nhà báo Việt Nam và những nhà bảo vệ nhân quyền lại đi theo hướng ngược lại.

Liên minh châu Âu mong các nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông Dũng, ông Thụy và ông Tuấn, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Ảnh: Lãnh đạo Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam gồm Chủ tịch Hội Nhà báo VN Độc Lập Phạm Chí Dũng (phải), blogger – Phó chủ tịch hội Nguyễn Tường Thuỵ (trái) và Biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn (thứ ba bên trái) tại phiên toà xét xử ở Toà án Nhân dân TP HCM hôm 05/01/2021

Trả lời phỏng vấn RFA, bà Saskia Bricmont, thành viên Đảng Xanh tại Quốc hội Châu Âu nhận định bản án của chính quyền Việt Nam với 3 nhà báo độc lập “chứng minh tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chẳng có chi cải thiện theo hướng chúng ta mong đợi, đó là sự tôn trọng thiết yếu cho nhân quyền, cho các quyền cơ bản, đặc biệt quyền tự do ngôn luận”.

Bà gọi bản án mới nhất của chính quyền Việt Nam với các nhà báo độc lập là “một trường hợp tiêu biểu hiển nhiên và bổ khuyết, chứng minh rằng nhà cầm quyền Việt Nam không hề muốn thực thi các điều họ cam kết”.

Là một trong vài tiếng nói mạnh mẽ cho nhân quyền nói chung và nhân quyền tại Việt Nam nói riêng, bà Saskia Bricmont khẳng định:

Sự kiện ông Dũng bị bắt vì tự do biểu tỏ quan điểm ông, nhằm kêu gọi nhà cầm quyền Châu Âu lấy trách nhiệm mình áp dụng cho nhân quyền tại Việt Nam và sử dụng đòn bẩy EVFTA để thực hiện, là điều không thể chấp nhận theo quan điểm dân chủ. Không thể nào chấp nhận việc bắt giam và tuyên án 15 năm tù cho việc công khai gửi một băng Video kêu gọi như thế. Cho dù bản án có nhẹ hơn đi nữa, theo quan điểm tôi, cũng không thể chấp nhận, vì tôi đã từng bảo vệ trong khuôn khổ thương thảo để tự do ngôn luận và dân chủ được tôn trọng tại Việt Nam.”

Dân biểu Quốc hội Châu Âu nhận định chính quyền cộng sản Việt Nam “đang minh chứng trái ngược với các điều cam kết” với quốc tế.

Bà bày tỏ tình đoàn kết với các nhà hoạt động Việt Nam khi khẳng định “không thể nào hậu thuẫn và tiếp tay cho loại kết án bất chấp như thế nói theo quan điểm dân chủ”.

Bà hy vọng đây sẽ là hồi chuông cấp báo các dân biểu về hiện trạng các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà báo tại Việt Nam không được ai quan tâm và điều này sẽ thức tỉnh những người đồng viện Châu Âu.

Bà cũng thể hiện sự quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho công lý, cho tự do ngôn luận, cho dân chủ… đồng thời bày tỏ niềm tin vào việc gia tăng áp lực chính trị lên nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thúc đẩy cải cách tương tự như việc châu Âu đã gây áp lực lên Trung Quốc về vấn đề lao động khổ sai, thảm trạng người Duy Ngô Nhĩ.

Ảnh: Bà Saskia Bricmont, thành viên Đảng Xanh tại Quốc hội Châu Âu

Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức đã lên án nhà cầm quyền Việt Nam vì kết án tù 3 nhà báo độc lập.

Cao ủy Chính phủ Liên bang Đức về Chính sách Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo tại Văn phòng Đối ngoại Liên bang, Bärbel Kofler, hôm 05/01 phát biểu:

Một lần nữa các nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị kết án tù nặng nề vì ủng hộ ôn hòa cho tự do báo chí, tự do ngôn luận và thành lập các công đoàn tự do và độc lập. Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục tiến trình đàn áp xã hội dân sự cũng như quyền tự do ngôn luận và tự do biểu tình.

Với sự lên án này, Việt Nam vi phạm các công ước quốc tế mà nước này đã cam kết tuân thủ. Hiến pháp Việt Nam cũng đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc công dân phải chiu bản án nặng nề vì hành động hòa bình của họ là không thể chính đáng.

Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam không bỏ tù những công dân thực hiện quyền của họ, trả tự do cho các tù nhân chính trị và để xã hội dân sự tham gia vào các yêu cầu chính đáng của mình trong quá trình ra quyết định chính trị và tôn trọng nhân quyền của mọi người Việt Nam!”

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo bày tỏ sự thất vọng sau khi biết tin về những bản án nặng tuyên đối với 3 thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, trong đó có người sáng lập là ông Phạm Chí Dũng.

Thông cáo nêu rõ những bản án nặng này là mới nhất trong xu thế đáng lo lắng về tình trạng bắt giữ và kết án những công dân Việt Nam chỉ thực thi quyền được ghi trong hiến pháp Việt Nam.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động nhất quán với các quy định về nhân quyền trong chính hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình.

Ảnh: Bà Bärbel Kofler, Cao ủy Chính phủ Liên bang Đức về Chính sách Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo tại Văn phòng Đối ngoại Liên bang

Phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc lại quyền tự do báo chí là căn bản cho vấn đề minh bạch và quản trị có trách nhiệm.

Các nhà văn, bloggers và nhà báo thường thực thi công việc của họ với nguy cơ cao; chúng tôi thúc giục chính phủ và công dân toàn thế giới, trong đó có chính phủ Việt Nam, bảo đảm sự bảo vệ cho họ.

Ngày 06/01, đã có thêm 3 tổ chức lên án việc kết án 3 nhà báo độc lập tại Việt Nam. Ba tổ chức gồm Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo về Quyền Làm người Việt Nam (VCHR) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) đã ra thông cáo chung phản đối các bản án đối với ba thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.

Thông cáo nêu rõ Việt Nam mở đầu cho năm mới 2021 với ba bản án nặng nề với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’. Mức án tuyên là 15 năm tù đối với ông Phạm Chí Dũng, 11 năm tù cho ông Nguyễn Tường Thụy và 11 năm tù cho anh Lê Hữu Minh Tuấn. Cả ba còn phải chịu mỗi người 3 năm quản chế sau khi mãn án tù.

Ba tổ chức vừa nêu cho rằng những bản án tù nặng đó cũng giáo đầu cho hiệu lực của Hiệp định Thương mại Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 08 năm ngoái.

Còn bà Emerlynne Gil, Phó Giám đốc Khu vực của Ân xá Quốc tế tuyên bố:

Bản án này cho thấy sự coi thường của chính quyền Việt Nam đối với tự do báo chí. Nó một lần nữa đánh vào quyền tiếp cận thông tin độc lập của người dân Việt Nam.

Sự hà khắc của bản án này vượt xa tiêu chuẩn vốn đã hà khắc của hệ thống kiểm duyệt của nhà nước, trong bối cảnh đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đang đến gần.

Quyền tự do biểu đạt là nền tảng của bất cứ xã hội tự do nào và  nó có tính quyết định đối với sự công nhận của tất cả các quyền con người khác. Tội của những nhà báo này đơn giản là dám thảo luận chính trị và các vấn đề được xã hội quan tâm khác.

Bằng việc kết án những người này chỉ vì họ đã thực hiện các quyền được hiến pháp Việt Nam đảm bảo, nhà nước đã phản bội lại công lý.

Thật đáng buồn, nhà nước Việt Nam đã mở đầu năm mới 2021 bằng bầu khí đàn áp và độc đoán vốn có. Những nhà báo này là một phần của 170 tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam, một con số đáng báo động, cho thấy sự xuống cấp trầm trọng của môi trường tự do biểu đạt ở đất nước trong những năm gần đây.”

Ảnh chụp màn hình thông cáo chung hôm 06/01 của ba tổ chức tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế phản đối các bản án đối với ba thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam

Qua sự việc ba nhà báo bị kết án nặng nề, nhà quan sát Trần Trung Đạo đã có một bài viết khẳng định đảng CSVN, giống như loài kỳ nhông chỉ thích sống trong bóng tối, rất sợ ánh đèn đồng thời kêu gọi mọi người đừng làm kỳ nhông hay đứng về phía loài kỳ nhông mà hãy tiếp tay với Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn soi sáng con đường dân chủ Việt Nam.

Ông phân tích: Ngay từ thời Lenin, ba phương pháp đã được các chế độ CS dùng để vô hiệu hóa một đối tượng: cô lập, trung lập hóa và thỏa hiệp. Trong một nghĩa đơn giản nhất, cô lập là ngăn chận các nguồn thông tin cũng như mọi mối liên hệ đến và đi từ đối phương. “Trung lập hóa” là làm cho khả năng của đối phương không còn tác dụng bằng cách áp dụng một lực tương xứng vào đối phương. “Thỏa hiệp” là nhân nhượng để có lợi cho cả hai bên.

CSVN không có khả năng tạo một lực tương xứng nhằm “trung lập hóa” các thành phần chống đối và cũng không dám phiêu lưu “thỏa hiệp” với các thành phần chống đối nên thường chỉ áp dụng biện pháp thứ nhất, nhanh gọn là bỏ tù những ai chống đối.

Gắn cho một người tranh đấu nào đó cái nhãn “dân chủ cuội” hay “đấu tranh để được ra nước ngoài” là cách dễ nhất để cô lập một đối tượng… Cho tới nay đảng CSVN chứng tỏ rất thành công với chiêu thức rất căn bản, quen thuộc nhưng hữu hiệu này…

Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn và một danh sách trên 200 tù nhân hiện đang sống trong địa ngục trần gian ở Việt Nam là những người lên đường đi làm lịch sử. Những ai đang sống trong xã hội tự do hay còn đang có một chút tự do, hãy làm tất cả những gì có thể làm được để những đóng góp của họ không trở thành vô nghĩa.

Đừng nản chí. Khúc sông hẹp và nhiều ghềnh đá đương nhiên rong rêu, rác rến cũng đọng lại nhiều. Nhưng khi sông rộng và nước chảy mạnh, những rong rêu, rác rến kia sẽ bị cuốn đi nhanh. Cách mạng dân chủ cũng thế.

Các cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Âu CS trước đây hay Bắc Phi độc tài trong thập niên vừa qua cho thấy, một khi ngọn gió đổi chiều đại đa số người dân đều muốn đứng về phía dân chủ, phía tự do. Ngay cả hôm nay, một người có chút tự trọng cũng không muốn ai biết mình là đảng viên đảng CS chứ đừng nói chi khi cách mạng dân chủ bùng nổ.

Khi nào cách mạng dân chủ diễn ra khó biết trước. Nếu biết trước được thì János Kádár, Tổng Bí Thư đảng CS Hungary đã không để mộ mình sau khi chết còn bị đào lên. Nếu biết trước được thì vợ chồng Nicolae Ceaușescu đã không để bị xử bắn. Nhưng cách mạng dân chủ sẽ đến cho Việt Nam. Đó không phải là ước mơ hay lời cầu nguyện mà là một quy luật xã hội. Nhanh hay chậm nhưng sẽ đến.

Không bạo quyền nào có thể bỏ tù được nhận thức của con người. Nhận thức sẽ lớn lên và bùng vở thành cách mạng.

Ảnh chụp 3 nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam khi tích cực hoạt động dân sự. Ông Nguyễn Tường Thụy phát biểu ông chỉ nói lên “những trăn trở đối với đất nước và dân tộc”. Ông Lê Hữu Minh Tuấn khẳng định: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật. Chúng tôi chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và lập hội.” Còn ông Phạm Chí Dũng nhận định: “Một bản án quá nặng đối với các nhà báo thuộc Hội nhà báo độc lập Việt Nam sẽ làm cho cả thế giới biết đến nền ‘tự do báo chí’ của Việt Nam.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Jack Ma : Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc ?

>>> Đảng mục nát – Chính phủ đề xuất cấy nhân tài

>>> Việt Nam vẫn loay hoay với việc công khai tài sản quan chức

Đại hội 13: Vì sao Đảng không công khai kết quả nhân sự tại các hội nghị trung ương?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT