Khẩu hiệu Đại hội 13 phản ánh tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GRixSpYXHhM

So với các kì đại hội trước, Đại hội 13 nhấn mạnh đến dòng khẩu hiệu “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”. Đây là một sự thay đổi không nhỏ được giới quan sát ghi nhận trong sự kiện quan trọng nhất của Đảng này.

Nhà quan sát Nguyễn Giang trong một bài viết trên BBC đã nhắc lại về khẩu hiệu của Đại hội trước là Đại hội 12 năm 2016 là “Đoàn kết – Dân chủ -Kỷ cương – Đổi mới” và cắt nghĩa khẩu hiệu này như sau:

Có thể hiểu “Đoàn kết” là nói về nội bộ của Đảng, hiện có 5,1 triệu đảng viên (chiếm 4,8% dân số Việt Nam 96 với triệu người), thấp hơn Trung Quốc một chút: 91 triệu/1,4 tỷ, tương đương 6,6% dân số.

Dân chủ” ở đây không phải là ‘democracy’ theo nghĩa trên thế giới tức là thủ tục tuyển chọn bộ máy cầm quyền bằng bầu cử đa đảng, tự do cạnh tranh và cơ chế tam quyền phân lập.

Với Đảng CSVN, dân chủ ở đây là nguyên tắc ‘tập trung dân chủ’ (democratic centralism).

Đảng sẽ chỉ đạo việc bầu ra các đại biểu Quốc hội và họ sẽ thông qua nội các, được chọn trước.

Còn về “Kỷ cương”, các lãnh đạo đảng CS, gồm TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc về việc tuân thủ kỷ luật Đảng, tuân thủ pháp luật.

Với cán bộ, “Kỷ cương” có nghĩa là chống tham nhũng sẽ còn tiếp tục, sẽ còn nhiều ‘củi lửa’ tức tên tuổi quan chức bị đưa ‘vào lò’, đơn giản là vì dân thì không thể tham nhũng được.

Điều này hẳn sẽ làm báo chí sôi động hơn những tháng tới vì vai trò phải ra hầu liên tục nhiều phiên tòa của một ông Đinh La Thăng có vẻ đã khiến người ta thấy nhàm chán.

Còn về “Đổi mới”, cụm từ xuất hiện từ năm 1986, giới kinh tế và nhân sĩ kết luận là đã hết đà.

Nay Việt Nam đang nói về chuyện Đổi Mới cần đi xa hơn nữa, thành nền kinh tế số, có các đô thị thông minh.

Xây dựng đô thị thông minh cần những con người thông minh sống bên trong, và các cụm dân cư ấy thật sự cần tầm lãnh đạo trí tuệ.

Dần dà, người ta sẽ cần robot thay cho tổ trưởng dân phố, vai trò gồm cả việc nhắc từng hộ dân cư treo cờ tuần này để ‘chào mừng Đại hội Đảng’, theo cư dân mạng phản ánh trên Facebook.

Việc kiểm soát xã hội tới từng hộ gia đình này hẳn đã lạc hậu, nhưng lại có ưu thế trong việc chống dịch Covid, còn xa hơn chắc sẽ phải dùng trí tuệ nhân tạo.

Ảnh: Đại hội 13 tại Hà Nội cùng dòng khẩu hiệu khá dài và được trang trí nổi bật

Nhà hoạt động dân sự Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công an Việt Nam thì bày tỏ sự ngạc nhiên khi nhìn vào khẩu hiệu của Đại hội 13.

Ông thấy lạ khi chữ “Đoàn kết” được đặt lên đầu tiên và cho rằng việc làm này là không nên.

Ông phát biểu:

Nó có thể gây ra một suy nghĩ, một suy diễn mà báo chí nhà nước hay phê phán là ‘thế lực thù địch’, hoặc là lực lượng không có thiện chí với nhà nước, thì người ta có thể ‘móc máy’, …người ta nói rằng tại sao bây giờ lại đặt ‘đoàn kết’ lên đầu, nghe ghế thế? Hay là đằng sau là có chuyện gì?

Đấy là tôi nói ví dụ thế, người ta có thể tận dụng chuyện ấy để người ta nói, thì theo tôi đề phòng là như thế, còn về nguyên tắc, phong cách của một đảng, đang rất cần cái gì thì không nên đặt ‘đoàn kết’ lên đầu tiên.

Phải đặt cái gì đó, ví dụ như “Pháp quyền” hay “Kỷ cương – Pháp quyền” gì đó chẳng hạn, hoặc là đặt “Đổi mới” lên đầu.

Nhân thể tôi cũng nhắc đến một bài báo trên tờ Người Lao Động của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, trong đó có nhắc đến từ ‘Đổi mới’, thậm chí là ‘Đổi mới lần hai’, tức là ông Doanh nói rằng ‘khởi động Đổi mới lần thứ hai’.

Rõ ràng là nghe tới ‘Đổi mới lần hai’ thì mừng vô cùng, nhưng có lẽ TS Doanh dùng từ ‘khởi động’ có ý là nhắc nhở như thế thôi, còn nội dung… tôi thấy không có gì hy vọng cho có gì đổi mới, còn theo tôi quan niệm là phải đặt chữ ‘đổi mới’ đầu tiên, nhưng không đổi mới được thì đành phải chịu thôi.

Bởi vì Việt Nam đã đổi mới hơn 30 năm rồi và người ta cứ kêu gọi cần có đổi mới lần hai, lần một chỉ là kinh tế thôi, còn hơi ‘cởi trói’ một chút thôi rồi khép lại, thành ra người ta rất hy vọng là có ‘đổi mới lần hai’, mà chính là đổi mới về dân chủ và pháp quyền, điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng, nhưng bây giờ đặt ‘Đoàn kết’ lên trên thì có nghĩa ‘Đổi mới’ sẽ bị lu mờ hẳn đi và tôi nhìn khẩu hiệu có ý nghĩa như thế.”

Ảnh chụp bài viết “Khởi động Đổi mới lần hai” của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh trên Báo Người lao động hôm 25/01/2021

Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cũng bình luận về khẩu hiệu đưa ra ở Đại hội 13 như sau: “Khẩu hiệu này của Đại hội 13 theo tôi cũng không có gì mới. Đặc điểm chung là các khẩu hiệu trong chế độ cộng sản nghe đều rất kêu, nhưng thực hiện thế nào là chuyện khác.”

So từ những khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hay “Cán bộ là đầy tớ của dân” ra, thì ta biết nó như thế nào. Trong 5 cụm từ trên (Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển), có lẽ chỉ có chữ “sáng tạo” là tôi thấy mới, nhưng cũng chưa rõ đảng định sáng tạo cái gì.”

Qua phiên trù bị và hai ngày làm việc, dư luận vẫn chưa tỏ tường những nội dung được nêu bật trong khẩu hiệu là “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”.

Chỉ thấy là TBT Nguyễn Phú Trọng trong báo cáo trước Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/01/2021 vẫn rao giảng: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Trước đó tài khoản Facebooke Giang Thanh đã nhận định:

Tiến tới đại hội lần thứ 13 của tập đoàn cộng sản lần này chắc cũng không có gì thay đổi..!

Cũng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN… Cũng bất chấp sự bảo vệ môi trường, vừa phải giữ nguyên đường lối chuyên chính vô sản với chế độ đảng trị.

Cộng sản Việt Nam trong các kỳ đại hội lần trước luôn cho rằng họ đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ thì rồi việc gì khó đến đâu họ cũng sẽ làm được

Nhưng cả thế kỷ qua có nơi nào chứng minh được đường lối xây dựng CNXH theo chủ nghĩa Mác Lênin là hoàn toàn đúng đắn để làm gương cho nhiều nước khác chưa…?

Điều mà lý thuyết cộng sản Việt Nam bắt cả dân tộc  làm cho đến nay nhân loại chưa có ai biết, chưa có ai làm được, đó là phát triển kinh tế thị trường trong chế độ vô sản chuyên chính, theo Chủ nghĩa Mác Lênin, hoặc là “ Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Trong thực tiễn hiện nay chúng ta ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng kinh tế thị trường và thể chế chính trị vô sản chuyên chính là mâu thuẫn nhau, không thể dung hòa. Nếu cứ cố gán ép hai thứ đó với nhau thì sẽ sinh ra một xã hội rối loạn và thối nát, kiểu chế độ tư bản thời kỳ hoang dã. Vô sản chuyên chính sẽ không phát huy được mặt tích cực của kinh tế thị trường mà càng làm tăng thêm mặt tiêu cực, làm trầm trọng thêm các nhược điểm thối tha của nó.

Kết hợp kinh tế thị trường với chuyên chính vô sản sẽ đẻ ra tham nhũng trầm trọng và rộng khắp, đẻ ra tệ nạn mua bán quan tước, sẽ làm xuống cấp đạo đức và giáo dục, sẽ làm phát triển tệ nạn dối trá từ trên xuống dưới, thế mà kết quả chẳng phát triển kinh tế được bao nhiêu.

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII

Cho đến ngày hôm nay kinh tế có phát triển, mặc dù phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 6%, nhưng đó là chỉ là tăng trưởng do người dân được cởi trói chứ chưa phải do lao động sáng tạo và công nghệ cao, chưa phải do nền kinh tế tri thức.

Hơn nữa đó là sự phát triển nóng dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên, vay nợ, lao động đơn giản. Trong sự phát triển vội vàng dễ gặp phải việc tàn phá thiên nhiên và làm ô nhiễm môi trường, có được chút lợi trước mắt mà để tai họa nặng nề cho hậu thế.

Cộng sản VN muốn cải cách và phát triển kinh tế theo thị trường, muốn hòa nhập với thế giới dân chủ thì trước hết cần cải cách nhà nước theo thể chế tam quyền phân lập, cần phải thật sự tự do tư tưởng, thật sự mở rộng dân chủ, đặc biệt dân chủ trong bầu cử để chọn được những người có tài năng, như thế mới có được những sáng tạo.

Tiếc nuối cho một dân tộc Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng không được dùng đúng chỗ vì họ không thích hợp với chế độ độc tài toàn trị. Vì bất đồng ý kiến mà số thì bị bắt giam, số bỏ ra nước ngoài, số khác ôm hận chờ thời. Tinh hoa, hiền tài của đất nước phải được tập họp lại trong Quốc hội, trong các cơ quan nhà nước.

Khi nhìn vào Quốc hội chỉ thấy tính chất đại diện của nó chứ không thấy trí tuệ. Bộ máy bao gồm 3 tầng đè lên nhau gồm cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, ôm ấp lấy nhau, dẫm đạp lên nhau mà lại thiếu người giỏi và liêm khiết.

Năng suất lao động của Việt nam thuộc loại rất thấp mà năng suất trong công tác của chính quyền và Quốc hội lại càng thấp. Việt Nam có câu thành ngữ “Ăn tàn phá hại”, câu ấy khá đúng cho đội ngũ quan chức các cấp của các ông từ cơ sở đến trung ương. Như thế thì dựa vào đâu để phát triển xã hội.

Các nước dân chủ đều cho rằng động lực để phát triển xã hội phải dựa vào năng lực và trách nhiệm của 3 lực lượng chính là trí thức, doanh nhân và quan chức chính quyền. Cộng sản lại cho là dựa vào liên minh công nông, thế mà công và nông đang lao động cực nhục và sống lay lắt, trí thức thì phần lớn hữu danh vô thực, doanh nhân còn yếu và bị chèn ép, quan chức nhà nước thì phần lớn nặng về tham nhũng và cửa quyền, yếu kém về trình độ và đạo đức.

Luật sư Hà Huy Sơn cũng từng đưa ra những bất cập trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.

Ông phân tích:

Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là 5 triệu người trên 100 triệu dân, chiếm 5% dân số. Nhưng số Đại biểu Quốc hội là đảng viên lại chiếm đến 90% trong Quốc hội. Tôi cho rằng nên trả lại Quốc hội cho nhân dân, số Đại biểu quốc hội là đảng viên chỉ tối đa 5%, nếu không thì chỉ cần Ban chấp hành trung ương là đủ. Vì thực tế, BCHTW quyết định mọi vấn đề về lập pháp và giám sát pháp luật.

Hiến pháp hiện nay, quy định: Quốc hội – “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” (Điều 69 – Hiến pháp) và Đảng – “Lực lượng lãnh đạo Nhà nước” (Điều 4 – Hiến pháp). Điều 4 đã đặt Đảng trên Nhà nước nhưng lại đặt Đảng trong hiến pháp, rồi hiến pháp lại do Quốc hội làm (Điều 70), tức là mâu thuẫn về logic và phủ nhận lẫn nhau.

Có lẽ, lỗi của hệ thống chính trị chính là ở chỗ này.”

Một minh chứng mới nhất cho sự mâu thuẫn này là mới đây, tại buổi thảo luận về các Văn kiện Đại hội Đảng XIII sáng 27/01, ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang phát biểu “đề nghị Trung ương sớm xem xét sửa Luật Đất đai“.

Luật sư Sơn đã phải ngán ngẩm thốt lên rằng: “Giàng ơi! Hiến pháp sai rồi, Trung ương mới là cơ quan lập pháp?”

Bởi Điều 69 – Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Bầu Ủy viên Trung ương, Nguyễn Thanh Nghị lại một lần nữa thách thức Nguyễn Phú Trọng

>>> Đại hội 13: Nguyễn Phú Trọng bám ghế – dẫn đường lên CNXH  

>>> Đại hội 13: Để giữ ghế – Điều lệ đảng dễ dàng bị vứt bỏ quy tắc đảng dễ dàng bị phá vỡ khi nào tiện’

Đảng bấn loạn với 3 thách thức: Phản động, Biển Đông và tự diễn biến


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT