Dịch Covid-19 ‘bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam’

Link Video: https://youtu.be/kTWvk3J2agM

Dịch Covid-19 tại Việt Nam, với đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4/2021, vẫn đang diễn biến phức tạp khi đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố.

Dịch đang tấn công thủ đô Hà Nội, nơi hiện thi hành giãn cách theo Chỉ thị 16, trong khi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm cả Thành phố Hồ Chí Minh, đang ứng phó trước mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay.

Quốc hội Việt Nam vừa quyết định trao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính như khi ban bố tình trạng khẩn cấp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Vũ Minh Khương -giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) để nghe nhận định về việc ngăn chặn, kiềm chế dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Vũ Minh Khương: Covid-19 là một hiện tượng “thiên nga đen” làm cả thế giới bất ngờ không chỉ về quy mô và mức độ tàn khốc mà cả về sự biến hóa khôn lường mà đến nay không ai có thể hình dung hết được.

Sự xuất hiện của chủng Delta và tốc độ lây nhiễm cực nhanh của nó sang các nước Đông Nam Á trong mấy tháng gần đây là biến cố rất đáng quan ngại.

Theo một nghiêm cứu khoa học mới công bố mới đây, so với các chủng Covid-19 trước đây, tải lượng virus của chủng Delta trong một người bị lây nhiễm cao gấp 1000 lần. Vì vậy, với chủng Delta, Covid-19 cho thấy nó có khả năng đánh bại bất kỳ tuyến phòng thủ nào và sẽ khó có quốc gia nào có thể thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng mà không bị tổn thất nặng nề.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19.

Campuchia và Việt Nam là ví dụ điển hình. Với Campuchia, cho đến cuổi tháng 3 năm 2021, tổng số ca lây nhiễm chỉ ở mức dưới 2.000 và quốc gia này được coi là một thành công ấn tượng. Thế nhưng, từ khi có chủng Delta thâm nhập trong bốn tháng qua, số ca lây nhiễm ở Campuchia đã tăng rất nhanh và đến hôm nay (25/7) đã ở mức trên 72.000; nghĩa là gấp gần 40 lần so với cuối tháng 3 năm 2021.

Với Việt Nam, cho tới tháng 4 năm 2021, thành công chống đại dịch Covid-19 được coi là một kỳ tích đáng tự hào được thế giới nể trọng. Thế nhưng, kể từ khi chủng Delta tràn vào, Việt Nam đã từng bước phải trải nghiệm những gì mà các quốc gia khác đã phải trải qua về cả tốc độ lây nhiễm và mức độ tàn khốc của nó.

Về số liệu thống kê, tổng số ca nhiễm Covid-19 của Việt Nam đã tăng 30 lần từ khoảng 3.000 vào đầu tháng tư lên trên 90.000 hôm nay (25/7/2021).

Vì chủng Delta tràn vào Việt Nam chậm hơn Campuchia khoảng một tháng, nếu dùng kinh nghiệm Campuchia làm so sánh thì ta có thể dự đoán rằng mức độ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, sẽ tiếp tục tăng nhanh trong vòng một tháng tới và có thể lên đến 500.000 ca rồi mới bắt đầu giảm.

Nếu so sánh với tỷ lệ tử vong của khu vực và quốc tế, Việt Nam cần sẵn sàng về tâm thế về số lượng tử vong có thể tăng từ con số 370 hiện nay lên 4-5.000 trong thời gian tới.

BBC:Ông đánh giá thế nào về nỗ lực chống dịch của Việt Nam trước sự bùng phát này? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam trong cuộc chiến mới này. Ông có tin là chính phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng có lẽ sẽ rất lớn?

Tôi nghĩ là Chính Phủ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kế thừa tốt những kinh nghiệm chống dịch thành công của Chính Phủ tiền nhiệm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thế nhưng chủng Delta khác rất nhiều với các chủng trước đây nên các nhận thức và biện pháp truyền thống không còn hoàn toàn hữu hiệu và cần những bước tiến đột phá.

Việc một số địa phương ở Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, đang trải qua những khủng hoảng chưa từng có do Covid-19 gây ra là một thử thách tàn khốc. Nó sẽ làm bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam trong thời gian tới.

Về điểm mạnh, tôi thấy những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào rất có lòng với dân, bản lĩnh, và ý thức học hỏi cao từ thực tế để ứng đáp ngày càng tốt hơn với biến động khắc nghiệt của tình thế.

Về điểm yếu, tôi thấy bộ máy còn xơ cứng, thiếu khả năng ứng đáp với khủng hoảng ở quy mô lớn. Bên cạnh đó, nguồn lực có nguy cơ cạn kiệt nếu đại dịch Covid-19 còn kéo dài với những chủng mới nguy hiểm hơn. Cách tiếp cận hiện tại của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn cứng nhắc và dựa trên giả định có lẽ rất sai là cứ đóng cửa 2 tuần thật tốt là hết dịch và nhà nước có thể bao biện toàn bộ trong nỗ lực chống dịch.

Chúng ta còn phải sẵn sàng với những tai họa kép thường xảy ra trong lúc gian nan. Mưa lũ, lỡ đất lớn trong mùa bão năm nay là những biến cố không thể loại trừ.

Trong bối cảnh khắc nghiệt này, tôi có niềm tin đặc biệt vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam mà có lẽ ít ai có thể đánh giá thấp. Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ là người sẽ khai thác triệt để sức mạnh này để giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.

BBC:Theo ông, Việt Nam sẽ mạnh lên hay yếu đi sau đại dịch Covid-19?

Trong lịch sử phát triển, sau mỗi khủng hoảng lớn, một số quốc gia có thể mạnh lên vượt bậc trong khi một số khác bị suy yếu đáng kể.

Để một quốc gia có thể mạnh lên vượt bậc sau cuộc đại khủng hoảng Covid-19, người lãnh đạo phải có khả năng biến khủng hoảng thành thời cơ và sức mạnh thôi thúc để cả dân tộc cùng dốc lòng ủng hộ cho những cải cách đột phá.

Trong nỗ lực này, khả năng tạo lòng tin của dân, tư duy thực tế chiến lược, ý thức tổng hợp tinh hoa tri thức nhân loại và dân tộc cho mọi quyết sách trên hành trình đi đến tương lai, và tinh thần đoàn kết tạo cộng hưởng là những phẩm chất hàng đầu cần ở những người lãnh đạo quốc gia. Thiếu vắng những yếu tố này, một dân tộc không thể mạnh lên sau đại dịch Covid-19 cho dù tiềm năng có lớn đến đâu.

Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có chiến lược đặc biệt để mạnh lên vượt bậc sau khủng hoảng Covid. Chiến lược mà Singapore đang bắt đầu triển khai có thể là một cách tiếp cận hay mà Việt Nam nên tham khảo.

Tôi có niềm tin là Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo tứ trụ khác của Việt Nam hiểu rất rõ sứ mệnh của mình trong lãnh đạo đất nước không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn làm nên những kỳ tích đáng tự hào trong chặng đường phía trước. Sự đồng tâm nhất trí với sức mạnh cộng hưởng của những người lãnh đạo đứng đầu này trong thử thách khốc liệt hiện nay sẽ là thuốc thử nhanh để ta thấy Việt Nam có mạnh hơn sau khủng hoảng.

Lê Quỳnh

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57962334