Việt Nam: Về đợt đặc xá hơn 3000 phạm nhân của Chủ tịch nước nhân 02/09

Link Video: https://youtu.be/V-CYHrDhFmE

Truyền thông Việt Nam đầu tuần này đồng loạt đưa tin về việc Chủ tịch nước Việt Nam mới công bố quyết định đặc xá đợt năm 2021 nhân dịp 76 năm ngày Quốc khánh 2/9.

Báo Công an Nhân dân Online hôm 31/08 cho hay đợt đặc xá năm 2021 tiếp tục một lần nữa khẳng định ‘chính sách khoan hồng’ đối với người phạm tội, khuyến khích họ ‘hối cải, hướng thiện’, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Quyết định số 1535, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2021,” Công an Nhân dân Online viết.

Còn tờ báo thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay có 499 tù nhân dân tộc thiểu số được hưởng đặc xá.

Tờ Việt Nam & Quốc tế (31/08) viết: “Tại buổi họp báo…Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 cho biết, trong số 3.026 phạm nhân được đặc xá lần này có 283 phạm nhân thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ.

Theo đó, các phạm nhân được đặc xá năm 2021 thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ, đã nộp 24 tỷ đồng để thực hiện các bản án về dân sự và bồi hoàn, trong đó, người nộp nhiều nhất là phạm nhân chấp hành án tại Trại giam Thanh Xuân, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã nộp 10 tỷ đồng.

Trong tổng số hơn 3.000 phạm nhân đặc xá đợt này, các phạm nhân thực hiện bản án dân sự và chấp hành quy định về khắc phục hậu quả, đã bồi thường án dân sự với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng.

Theo tờ Tuổi Trẻ, cũng tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết hai cựu thứ trưởng Bộ Công an là ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành “đã chấp hành xong án phạt tù, không thuộc phạm nhân đặc xá dịp 2/9 năm nay“.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong đợt đặc xá năm 2021, có 21 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có 2 phạm nhân quốc tịch Nhật Bản, 10 người TQ, được đặc xá trong trường hợp đặc biệt; 499 phạm nhân là dân tộc thiểu số của Việt Nam, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.”

Ông Nguyễn Xuân Phúc trong một dịp đặc xá tù nhân hôm 31/8/2015 khi còn trên cương vị cũ là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Đặc xá 2021 ‘chặt chẽ hơn’ và có ‘thông điệp ngoại giao’?

Hôm 31/08, một số nhà quan sát thời sự chính trị Việt Nam đưa ra bình luận trên quan điểm riêng về sự kiện này với BBC News Tiếng Việt.

Từ Nha Trang, nhà báo tự do Võ Văn Tạo nói:

Theo thông lệ hằng năm, cứ nhân dịp lễ Quốc khánh Mùng 2 tháng 9 và Tết Nguyên đán tại Việt Nam, Chủ tịch nước lại ra quyết định đặc xá cho các tù nhân đã chấp hành án được một thời gian nhất định theo luật định, được trại giam và Hội đồng xét đặc xá nhận xét ‘cải tạo tốt’… dịp này cũng vậy.

Thật bất công và đáng buồn khi những người lên tiếng tranh đấu cho tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội của đất nước, những “tù nhân lương tâm”, hay còn gọi là chính trị phạm – thực chất là những người tâm huyết với dân với nước, có công chứ không phải có tội, chưa được giảm án hay ‘đặc xá’ như hàng nghìn tù thường phạm.”

Tờ Tuổi Trẻ viết về điểm này: “Đợt đặc xá dịp Quốc khánh 2021 không xét đặc xá với phạm nhân bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn...”

Còn từ Bình Thuận, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, ông Đồng Chuông Tử nêu bình luận:

Truyền thông và báo chí nhà nước đưa tin là họ làm “chặt chẽ hơn” các đợt đặc xá trước đó, cho nên ở đợt đặc xá này, họ nói với số lượng hơn 3.000 phạm nhân được đặc xá là ít hơn các năm trước, khi kiểm lại các thông tin đặc xá trong quá khứ, tôi thấy đúng là có ít hơn thật về mặt số lượng. Và dường như trong đợt đặc xá lần này, các cơ quan nhà nước Việt Nam bắt đầu triển khai theo quy trình của Luật đặc xá năm 2018.

Riêng về thông tin đặc xá 499 phạm nhân là người dân tộc thiểu số và 314 phạm nhân là người có tôn giáo, tôi thấy đây là một con số khá lớn. Được biết, danh sách phạm nhân được đặc xá đợt này được niêm yết công khai ở các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, nhưng vì không có nguồn tin kiểm chứng về liệu tư pháp ở Việt Nam có thực sự độc lập không, nên ở những trường hợp đó cũng chưa rõ là những người tù nhân ấy họ có thực sự phạm tội ra sao mà bị kết án đi tù nhiều như vậy.

Còn nhớ, sau lần chấp hành xong án tù vài năm trước, nhà báo độc lập, blogger Trương Duy Nhất có về Bình Thuận ghé thăm tôi, tôi có hỏi anh về sự đối đãi trong tù khắc nghiệt thế nào, anh nói khắc nghiệt nhất là tù ở Nghệ An. Sau đó, anh có thông tin thêm là tù nhân chính trị người sắc tộc thiểu số liên quan Vụ Nhà nước Đề Ga ở đó rất đông, rất khổ sở. Tôi chỉ nghe qua lời anh Nhất kể vậy, chứ chưa thể kiểm chứng. Ở lần đặc xá phạm nhân thiểu số này, tôi không rõ có những tù sắc tộc đó hay không.

Nhân đây, liên quan nhân quyền ở Việt Nam, tôi muốn đề cập chuyến thăm Việt Nam mới đây của bà Phó Tổng thống Mỹ, chuyến thăm của bà Kamala Harris có thể là chuyến đi thành công theo hai phía chính phủ, nhưng theo nhìn nhận của tôi, đó là nhận định đúng nhưng chưa đủ.

Nó chưa đủ ở chỗ sự kỳ vọng, mong đợi bà Phó Tổng thống nêu vấn đề tự do, nhân quyền liên quan đồng bào các sắc tộc thiểu số và người có tôn giáo ở Việt Nam lên với chính quyền, nhà nước Việt Nam cuối cùng đã chỉ là ‘bóng chim tăm cá’. Đồng bào các sắc tộc thiểu số và người có tôn giáo ở Việt Nam theo tôi có phần hụt hẫng, thất vọng về chuyến đi này của bà Phó Tổng thống Hoa Kỳ.”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, blogger, cựu Thiếu tá An ninh từng `nhiều năm làm việc tại Bộ Công an Việt Nam, nói:

Về đặc xá lần này, tôi có một số nhận xét như sau. Thứ nhất là cách đây hơn một tháng, Chánh án TAND Tối cao có văn bản hướng dẫn tòa địa phương về việc ‘đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không đủ điều kiện đề nghị đặc xá mà có yêu cầu đối nội, đối ngoại hoặc người đang được hoãn chấp hành án phạt tù mà có yêu cầu đối nội, đối ngoại.’

Thời hạn yêu cầu của văn bản khá gấp gáp, chỉ khoảng 20 ngày. Tôi đã nghĩ rằng có thể đây là một tín hiệu mới từ tân Chủ tịch nước, vì thấy ông có vẻ quan tâm nhiều tới công tác cải cách tư pháp hơn các tiền nhiệm.

Liệu có những trường hợp do nhu cầu “đối ngoại”, như TS. Cù Huy Hà Vũ hay không (ông Vũ đang được tạm hoãn thi hành án để qua Mỹ chữa bệnh), vì cũng là dịp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris qua thăm.”

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn hữu Vinh, xem thông tin trên báo chí nhà nước Việt Nam dường như không có trường hợp nào được áp dụng như văn bản nói trên của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Ông giải thích tiếp:

Chỉ có chi tiết ‘3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021’, song người ta không nói có liên quan đến đối nội, đối ngoại gì không.

Nếu đúng là không có như thế, thì theo tôi quả là khó hiểu. Không lẽ cả nước không có trường hợp nào, đang tạm đình chỉ chấp hành án tù, có yêu cầu đối nội, đối ngoại để được đặc xá hay sao? Hay là vì … tế nhị mà không công bố?

Thứ hai là đợt đặc xá này diễn ra đúng thời gian cả nước đang gồng mình chống đại dịch, đời sống vô cùng khó khăn, nhân tâm xao xuyến, người bệnh, người chết quá nhiều…

Thiết tưởng, cũng cần nhân dịp này có hình thức động viên phần nào các phạm nhân và gia đình, người thân của họ bằng cách nới rộng hơn tiêu chuẩn xét đặc xá, phát hiện thêm những điển hình tham gia chống dịch…; cũng là tăng cường cho sức lao động, sản xuất cho xã hội, bớt căng thẳng cho hệ thống trại giam (mà không rõ tình hình dịch bệnh ra sao, ngoài một vụ lây lan ở Trại giam Chí Hòa, báo đăng một lần rồi im).

Thế mà, ngược lại, do ‘có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đề nghị đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước.’ Đó theo tôi là điều đáng tiếc.”

Còn từ Geneva, Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự Việt Nam tại Geneva và cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao nói với BBC:

Theo nhận xét cá nhân của tôi, đợt ân xá năm 2021 có vẻ làm bài bản hơn mọi năm. Có thể do nhu cầu tuyên truyền và ngoại giao.

Các điểm mới có thể đó là công bố quyết định thành lập Hội đồng tư vấn ân xá, ông Phạm Bình Minh, người của ngành ngoại giao, thay ông Trương Hòa Bình – cựu quan chức Công an và Phó Thủ tướng Chính phủ, làm trưởng ban.

Tôi thấy điểm nhấn mà họ muốn nhất trong đợt ân xá 2021 này là yếu tố người nước ngoài, người dân tộc thiểu số và người có tôn giáo. Do đó sự tham gia của phía Ngoại giao là hơn hẳn mọi năm. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, phút cuối được chỉ định thay thế ông Trương Hòa Bình, theo tôi cũng là nhằm tạo một hình ảnh mới.

Việc thứ trưởng Đặng Hoàng Giang tham gia nhiều hoạt động có liên quan đến đợt ân xá này cũng nói lên điều đó. Kể cả những cuộc đàm phán kín đáo với phía nước ngoài chắc chắn là có mà họ không cần phải công bố.

Cũng phải nhấn mạnh lại rằng dù Hội đồng cố vấn ân xá có đủ thành phần nhưng chủ trì vẫn là Bộ công an là chính. Các đề án, đề nghị được thảo ra từ dưới lên trên sau khi đã nhận được chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, nhưng theo tôi đợt này có vẻ trong Bộ Chính trị, tiếng nói từ quan chức gốc ngoại giao được lắng nghe hơn,” ông Đặng Xương Hùng bình luận với BBC News Tiếng Việt.

Ngun: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58399799