Chính phủ có chịu trách nhiệm khi hàng chục ngàn người chết do COVID-19?

Link Video: https://youtu.be/o-CA98yPT9o

Chiều 12 tháng 10 vừa qua, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố về những ngày tháng chống dịch vừa qua mà theo ông, “nỗi lo lắng, ám ảnh này vẫn còn hiện hữu”.

Báo Tuổi trẻ trích lời ông Nên thừa nhận: “Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca nhiễm F0. Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện.

Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn, không biết làm gì. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì.”

Tính đến ngày 14 tháng 10, con số người chết do COVID-19 tại Việt Nam đã mấp mé con số 21.000.

Chỉ trong một thời gian ngắn mà con số tử vong cao như thế, dư luận cho rằng trách nhiệm thuộc về Chính phủ, mà cụ thể là Thủ tướng Phạm Minh Chính với những quyết sách sai lầm, lúng túng ngay từ đầu.

Một chuyên gia y tế từ Hà Nội khẳng định với RFA sáng 14 tháng 10 rằng, Chính phủ không có tầm nhìn xa, không có sự chuẩn bị. Hậu quả là dân chết. Trách nhiệm rõ ràng thuộc về chính phủ. Ông nói tiếp:

Với cái chết của hàng chục ngàn người trong đợt dịch này, trách nhiệm thuộc về Chính phủ với người đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những người như Vũ Đức Đam hay Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ là hàng dọc có nhiệm vụ thi hành sự chỉ đạo của Phạm Minh Chính.

Chính phủ chống dịch không theo phương pháp khoa học, không nghe góp ý từ các chuyên gia y tế.

Ngay cả chuyện thiếu vắc xin bây giờ cũng do lỗi của Chính phủ, vì đó là con đường nhập vắc xin. Chính phủ thông qua doanh nghiệp hay Bộ Y tế là quyền của Chính phủ.

Ngay từ ban đầu tôi đã nói, F0 chỉ là người lành mang trùng, không nên đem nhốt họ vào một chỗ vì chính môi trường đó khiến họ phát bệnh, làm hệ thống y tế quá tải. Quá tải thì không được chăm sóc, chữa trị kịp thời dẫn đến tử vong.”

Ảnh: rất nhiều đám tang lặng lẽ như thế này trong suốt thời gian phong tỏa chống dịch Covid ở TpHCM

Hôm 24 tháng 8 năm 2021, khi dịch bệnh dường như vượt tầm kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân công thay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông:

Thực sự mà nói thì lãnh đạo bao giờ cũng mang yếu tố quyết định, bởi mọi người có hợp sức với nhau hay không cũng do lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo rất quan trọng, ngay chuyện đưa ra khái niệm ngày hôm nay chúng ta chiến thắng, thì phải tính làm sao để ngày mai cũng chiến thắng.

Tất cả tư duy ấy là do lãnh đạo. Với dịch này, nếu mà chúng ta thắng lợi một bước mà đã hả hê và ngủ quên trên chiến thắng thì sẽ trở tay không kịp khi dịch quay trở lại.”

Theo số liệu báo cáo chính thức từ Bộ Y tế vào đầu tháng 9 năm 2021, số người tử vong do COVID-19 trong bốn tháng trước đó là hơn 13.000 người; số ca nhiễm mới của cả nước hơn 500.000 người. Đến ngày 14 tháng 10 số tử vong đã xấp xỉ 21.000 người. Tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.

Ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích với RFA một vài nguyên nhân khiến số tử vong cao như thế:

Những trường hợp trở nặng gọi y tế phường không ai xuống; gọi những số điện thoại cấp cứu cũng chẳng ai bắt máy cả. Nội sự hoảng loạng đã làm cho người ta chết.

Cái thứ hai, về mặt nhà nước, chính sách gom hết F0 vào một chỗ thì người thực sự trở bệnh nặng không còn chỗ tiếp nhận họ. Đó là sai lầm rất lớn trong đường lối chống dịch.

Người thực sự cần được chăm sóc thì không ai chăm sóc nó dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Thứ ba, không có sự chuẩn bị về trang, thiết bị y tế. Các bệnh viện dã chiến rất thiếu trang, thiết bị. Thiếu đến mức các bác sĩ phải kêu gọi bên ngoài, kêu gọi người dân hỗ trợ.

Cái sai lầm của chính sách nằm ở chỗ Chính phủ không có một sự chuẩn bị nào cho trường hợp này cả. Các anh cho rằng mình giỏi quá rồi, có con virus nào là diệt được con đó.

Nhưng có một sai lầm mà theo tôi là lớn nhất trong tất cả các sai lầm gây ra số tử vong cao là do chính sách vĩ mô. Họ hoạch định chính sách không đúng.

Những người trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ trên xuống dưới không đánh giá đúng vai trò của ngành y trong việc chống dịch.”

Ảnh: Y bác sỹ chống Covid mệt mỏi sau ca trực ở một Bệnh viện dã chiến TpHCM

Một trong những chính sách bị cho là một trong những nguyên nhân làm tăng số tử vong, là chính sách phong tỏa của Chính phủ.

Chỉ cần một nhân viên y tế dương tính với Corona virus thì cả cơ sở y tế lập tức bị phong tỏa. Nhân viên y tế phải nghỉ ở nhà. Sự sụp đổ của hệ thống y tế dẫn đến bệnh nhân tử vong không kịp thiêu.

Theo một chuyên gia y tế ở Hà Nội, các nhân viên y tế ở các bệnh viện tư gần như không có việc làm. Cơ sở y tế nhà nước cũng vậy. Chỉ có một số được điều đến các bệnh viện. Cuối cùng, một lực lượng y tế cực kỳ hùng mạnh như ở TP.HCM bị đánh sụp vì không tham gia được vào bộ máy chống dịch.

Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thừa nhận không khống chế được dịch là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn nhận định rằng, hiện thành phố vẫn còn sai lầm trong chính sách chống dịch do hậu quả từ những sai lầm trước đó. Ông giải thích:

Họ nhầm lẫn giữa hệ thống y tế dự phòng và hệ thống y tế điều trị. Y tế dự phòng là khoanh vùng, truy vết dập dịch. Kỹ năng đó nhân viên y tế dự phòng họ được huấn luyện và họ làm tốt.

Nhưng đến khi họ đã nhiễm và cần được điều trị thì lúc đó phải là y tế điều trị chứ không thể là y học dự phòng nữa. Các bệnh viện, các phòng khám là thuộc hệ điều trị.

Ở tại TPHCM từ trước đến nay giao cho y tế phường lo cho số F0 ở nhà. Y tế phường là y học dự phòng chứ không phải y học điều trị. Trong khi chúng ta có hàng đống các cơ sở y tế, tại sao không tận dụng lực lượng đó để theo dõi, điều trị F0 ở nhà mà lại giao cho y tế phường?

Y tế phường thứ nhất là họ có quá nhiều công việc liên quan việc chống dịch, thứ hai họ không có chuyên môn về điều trị. Đấy là những sai lầm trong chính sách.”

Trên FB cá nhân nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng là một dược sỹ đưa ra bình luận:

Theo tôi cần phải có một cuộc điều tra tầm cỡ nhà nước, đưa ra quốc hội điều trần. Và sau đó phải là những bản cáo trạng xứng đáng cho những kẻ mang danh ‘thầy thuốc’ đã bỏ mặc nhân dân trong cơn dịch bệnh, chỉ loanh quanh đi làm việc gì đó có thể kiếm lời…

Ảnh: vụ giá xét nghiệm chọc ngoáy mũi bị Bộ y tế nâng lên hàng chục lần so với giá thị trường vẫn không có ai đứng ra chịu trách nhiệm

Những bài học chuyên môn như: sử dụng thuốc chặn sớm cơn bão Cytokine gây chết chóc, sử dụng thuốc dự phòng cục máu đông gây tắc mạch… đều đã có các khuyến cáo đầy đủ trên internet!

Đến nỗi tôi chỉ là một dược sỹ ở nhà quê, hầu như đã bỏ nghề cũng còn biết rõ từ lâu. Tại sao họ không biết? Tại sao họ không làm? Tại sao họ không phổ biến, không phát thuốc cho dân tự cứu mình? Để rồi thảm cảnh xảy ra như ta đã thấy…

Tôi chỉ xin nhắc lại: Tất cả những thứ thuốc điều trị sớm, ngăn chặn chuyển nặng, tử vong cho dân trong dịch covid này tại Việt Nam luôn có sẵn, rất rẻ và rất nhiều! Vậy mà bao nhiêu đồng bào ta đã phải chết oan uổng vì không biết và không có thuốc? Thật đau đớn! Hãy nhìn tấm gương ‘xé rào’ của bí thư Quận 6, bà Lê Thị Hờ Rin và chủ tịch Củ Chi, bà Phạm Thị Minh Hiền là rõ: Họ đã cứu được bao nhiêu sinh mạng dân của mình.

Như vậy sau những phát biểu chân thực của một người lãnh đạo đáng kính hiện nay của thành phố, ta có thể kết luận không sợ võ đoán rằng: Dân chết vì dịch covid vừa qua, chủ yếu do cách chống dịch sai lầm nơi đây! Thật oan uổng!

Nhưng những lời phát biểu chân thực của người đứng đầu thành phố đã xác quyết một điều: để xảy ra thảm kịch kinh hoàng về con số người chết chưa từng có nơi đây, trách nhiệm là của những người làm quản lý nhà nước về y tế: BỘ Y TẾ & SỞ Y TẾ TP!

Không thể đổ cho ai khác!

Bởi họ chính là những người tham mưu, đề xuất mọi chủ trương chính sách về chuyên môn chống dịch cho các cấp từ trung ương đến địa phương.

Họ cần phải bị trả giá.

Có thế thì vong linh hàng chục ngàn đồng bào xấu số của chúng ta mới siêu thoát được.” Nhà văn Trần Thanh Cảnh đưa ra kết luận.

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Xung quanh chuyện tố cáo ‘chiếm dụng tiền từ thiện’

>>> ‘Thảm sát’ chó ở Cà Mau: Người chủ muốn tìm luật sư ‘để đòi lại công bằng cho đàn con’

>>> Nhà văn Vũ Thư Hiên: Vụ Xét lại chống Đảng và vai trò Lê Đức Thọ

Lập lờ trong quy định xử lý ‘đưa tin chống phá công tác chống dịch COVID-19’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT