Sau khi Bộ Chính trị ra quyết định cách chức hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, dư luận chia ra nhiều xu hướng, nhiều cách phản ứng khác nhau về vấn đề này.
Xu hướng thứ nhất, vui mừng vì đã loại bỏ được những con sâu bự, và cho rằng việc xử lý của Đảng là thỏa đáng. Xu hướng thứ hai dè dặt hơn, cho rằng, đây chỉ là thanh trừng nội bộ, không ảnh hưởng gì đến người dân và xã hội. Xu hướng thứ 3 thì ngược lại, những người theo xu hướng này tỏ ra đau buồn, luyến tiếc vì mất đi những lãnh đạo tài năng.
Trong xu hướng thứ nhất, nhà báo Lưu Trọng Văn – người hay tự xưng là “gã” đã có một status trên trang cá nhân của mình, với tiêu đề “Hãy công bằng với nhân dân”.
Trong status của mình, “gã” cho rằng, có những người tỏ ra quý mến, luyến tiếc hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là do lỗi của hệ thống tuyên truyền có chủ đích, có ý đồ. Lỗi của việc không có được một nền truyền thông tự do, không có báo chí độc lập để phơi bày sự thật. Và cái lỗi này không đem lại cho người dân sự công bằng khi sự thật luôn là trò chơi ú tim tù mù. Nhận xét này hoàn toàn chính xác, những người mà đến lúc này vẫn còn tôn sùng những lãnh đạo được truyền thông bơm thổi đều là những người bị nhiễm độc của một quá trình dài bị nhồi sọ. Tạm thời không cần bàn nhiều đến họ.
Theo “gã” Lưu Trọng Văn, sự thật trong vụ này là cái “sự tàn bạo ăn không từ thứ gì”. Sự thật là “từ lâu nền tư pháp Việt Nam không ít lần vẫn nương nhẹ với các quan chức đương chức có tên tuổi hoặc có thành tích nào đó”.
“Gã” kêu gọi, “hãy đứng về phe nước mắt – phe người dân”.
Những lập luận của “gã” rất có lý, rất logic, lời kêu gọi cũng rất chí tình.
Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề mà “gã” đặt ra, lại nằm ở chỗ “sự thật trong vụ này là gì”. Những gì chúng ta biết, kể cả về những tội lỗi của 2 ông Phó Thủ tướng mới bị cách chức, thì cũng là từ những thông tin mà Đảng cung cấp. Cho nên, nó có phải là toàn bộ sự thật hay không? Hay chỉ là một phần của sự thật? mà “một nửa của sự thật, thì không phải là sự thật”
Chắc sẽ không có ai cho rằng, hai ông Phó này là hoàn toàn vô tội, hoàn toàn vô can trong những vụ việc đã ra, kể cả những người yêu quý các ông ấy. Nhưng, có những thắc mắc vẫn luôn lợn cợn trong lòng những người thích phản biện, đó là, hai ông này có thực sự là “trùm cuối” hay không? Hay cũng chỉ là những “con dê tế thần”? Hay thậm chí, hai ông cũng chỉ là nạn nhân của đấu trường quyền lực, của công cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng, của những phe “thân Tàu” hay “thân Tây”?
Cái sự “ăn” trong cả 2 vụ án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” quá lớn, quá lộ liễu và thể hiện rõ là có tổ chức, có chỉ đạo từ trên xuống dưới. Thì liệu 2 ông này, giờ đã là cựu Phó Thủ tướng, gan có to bằng trời, cũng có dám tự ý làm lơ cho cấp dưới lộng hành, thậm chí là còn chỉ đạo, hướng dẫn cho cấp dưới. Trong thời gian đại dịch, giá vé để bước lên những “chuyến bay giải cứu” không phải là chuyện bí mật gì, ai ai cũng biết và truyền thông cũng có nhiều bài về chuyện này. Chuyện thiên hạ kháo nhau bay vòng sang Campuchia, rồi từ Campuchia đi đường bộ về Việt Nam rẻ hơn nhiều so với bay thẳng, cũng đã lên báo thời đó. Trên mạng xã hội có đầy những group hướng dẫn nhau đi con đường vòng giá rẻ này. Vậy ông Phạm Bình Minh kém cỏi hay ngu dốt đến mức tự mình chỉ đạo hoặc làm lơ cho cấp dưới lộng hành hay không? Vụ Việt Á cũng tương tự, giá kit test không phải là điều gì bí ẩn, hàng triệu người phải test và nhiều người phải test nhiều lần, thông tin đầy trên mạng xã hội và báo chỉ. Người Việt ngày nay, rất nhiều gia đình có thân nhân ở nước ngoài, hoặc chính người Việt hải ngoại cũng có thể tự so sánh giá cả.
Tóm lại, những “sự thật” mà do Đảng công bố thì chưa chắc đã là sự thật. Phe nước mắt tuy đáng được ủng hộ nhưng cũng không nên vì thế mà không xét đến sự công bằng nhìn từ góc độ người đã ngã ngựa.
Ở xu hướng thứ hai, coi chuyện cách chức ông Minh và ông Đam là chuyện thanh trừng nội bộ. Xu hướng này đa số là của những người hải ngoại, có cách tiếp cận bình tĩnh hơn, tỉnh táo hơn.
Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên, một Việt kiều ở Thụy Sỹ, có một bài viết đăng trên trang báo Tiếng Dân ở Mỹ với tiêu đề “Chuyện thanh trừng nội bộ”. Quan điểm của tác giả là tuy hai ông Phó Thủ tướng này có không ít sai lầm, nhưng việc cách chức họ cũng chỉ là chuyện thanh trừng nội bộ của Đảng Cộng sản. Hai ông Phó được xem là hai gương mặt có bằng cấp, có kiến thức, được đào tạo ở nước ngoài. Nhưng trong cơ chế độc tài toàn trị, khi mà sự cạnh tranh quyền lực và sự cám dỗ của đồng tiền trở thành những giá trị phổ quát, thì hai ông không thể thoát khỏi, không thể tiến xa.
Trong thể chế dân chủ, nếu một quan chức phạm tội, quan chức đó sẽ bị bộ phận tư pháp điều tra. Quá trình điều tra hoàn toàn độc lập, không chịu sự chỉ đạo, can thiệp của đảng nào, của tổ chức nào, dù có là Chính phủ hay Quốc hội. Kết quả của quá trình điều tra sẽ được công bố đầy đủ sau khi kết thúc điều tra, hoặc công bố từng phần theo giai đoạn điều tra. Không có đảng nào đi cách chức quan chức của đảng mình vì phạm tội. Nếu có tội, phải do tòa án độc lập xét xử.
Chỉ khi nào Việt Nam có được một nền tư pháp độc lập, lúc đó mới thật sự có được sự công bằng, cho cả người dân và cho cả các quan chức.
Chúc Anh – Thoibao.de