Link Video: https://youtu.be/5jhagKcg8Cs
RFA ngày 28/4 có bài bình luận “Vụ Nguyễn Phương Hằng: Luật sư nói chính quyền “hình sự hóa quan hệ dân sự””.
Theo đó, doanh nhân Nguyễn Phương Hằng lời qua tiếng lại với những người trong giới giải trí, nhà báo, luật sư… và kết cục, cả hai nhóm đều có người bị bắt giam. Luật sư cho rằng, những vụ như thế này ở các nước tự do đều có thể giải quyết bằng các tòa án dân sự, với kết cục là buộc xin lỗi hoặc bồi thường, và nhà nước không can thiệp.
RFA cho biết, ngày 26/4, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM ban hành cáo trạng, truy tố Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam và 4 đồng phạm, với cáo buộc tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.
Bên phía tố cáo bà Hằng, cũng có 2 người bị bắt tạm giam, là luật sư, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và Luật sư Trần Văn Sỹ.
RFA dẫn ý kiến một nhà quan sát ở Hà Nội, cho rằng, trong vụ bà Hằng, cả 2 bên tố cáo lẫn nhau nhưng đều không đưa ra được bằng chứng.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đài, người đang tị nạn ở Đức, nói với RFA rằng, trong vụ này, công an đã lạm dụng quyền lực và “can thiệp quá sâu vào đời sống dân sự hay những tranh chấp dân sự bình thường của người dân”. Nhưng việc lạm dụng quyền lực này lại có sự giúp sức của bà Hằng và nhóm đối thủ, vì cả hai bên đều muốn dùng sức mạnh của chính quyền bằng cách gửi đơn tố cáo, để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, thay vì dùng luật dân sự. Ông Đài cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật có nhiều lợi ích trong việc hình sự hoá tranh chấp dân sự, gồm lợi ích từ ngân sách cho việc giải quyết vụ án và đút lót từ các đương sự (nếu có).
Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt, sống tại Thái Lan, nói với RFA rằng, cả ở Hoa Kỳ và Thái Lan, việc chỉ trích, tố cáo, nói xấu nhau không bị hình sự hoá, trừ phi trong những hành động này có yếu tố đe dọa đến tính mạng của người khác.
Ông Đài cho rằng, từ vụ bà Hằng, người dân Việt Nam nên thận trọng khi dùng mạng xã hội để bình phẩm hay tố cáo các cá nhân không phải là quan chức nhận lương từ ngân sách nhà nước, vì trong vụ này, Điều 331 lần đầu tiên được áp dụng cho đối tượng phi chính trị. Để tránh vướng Điều 331, cần có cách phát ngôn kiềm chế, dựa trên lý lẽ và dẫn chứng khi phản biện hoặc tố cáo.
Sau vụ bà Hằng, nhiều người lo ngại về việc Nhà nước tăng cường sử dụng Điều 331 để xử lý tranh chấp dân sự, RFA cho hay.
Tuy nhiên, Luật sư ông Ngô Thuần, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ, nói với RFA rằng, nhà nước “không rảnh đến mức đó“. Theo kinh nghiệm của ông, nhà chức trách Việt Nam ít quan tâm đến việc giải quyết các tranh chấp dân sự, mà chỉ tập trung vào những trường hợp có ảnh hưởng xã hội và đe doạ đến an nguy của chế độ.
Trong vụ bà Hằng, Luật sư Ngô Thuần cho rằng, “bà Hằng đã vượt qua làn ranh đỏ, có nghĩa là bà đã đụng chạm đến chính quyền”, và bà “có khả năng huy động đám đông”, do đó “trở thành một sự nguy hiểm tiềm tàng.”
Theo Luật sư Đài, quyền tự do ngôn luận là quyền được chỉ trích quan chức chính quyền, từ Trung ương tới địa phương, mà không bị trừng phạt, chứ không phải là quyền chỉ trích bất cứ người nào không thuộc bộ máy công quyền.
“Các công dân đều bình đẳng với nhau, nên anh không được phép làm điều đó.”
RFA cũng chỉ ra những mâu thuẫn trong luật pháp Việt Nam. Theo đó, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tuy nhiên, tréo ngoe với Hiến pháp, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như các luật khác như An ninh mạng, đều có các chế tài liên quan đến hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân và Nhà nước.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đòi công lý cho con, cha bị khởi tố theo Điều 331
>>> RFS quan tâm đến số phận blogger Việt Nam bị bắt cóc ở Thái Lan
>>> Vì sao ngành dệt may Việt Nam khốn đốn?
>>> Chiến dịch đốt lò khiến vốn đầu tư công tắc nghẽn, doanh nghiệp kẻ cười người khóc
Đảng chỉ muốn hòa giải theo ý Đảng