Link Video: https://youtu.be/jQHJVbzD7zk
Ngày 27/6, RFA Tiếng Việt có bài “Việt Nam thuộc hạng 9/10 trên thang báo động về nạn “tra tấn””.
RFA dẫn nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức, cho rằng, đối với vấn nạn “tra tấn”, vi phạm nhân quyền “nghiêm trọng”, Việt Nam có thể bị xếp ở cấp độ 9/10, trên thang điểm báo động về mức độ nguy hiểm.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói:
“Ở Việt Nam, vấn đề tra tấn, bức cung, nhục hình, hay mớm cung vẫn diễn ra thường xuyên ở trên khắp đất nước, từ mức độ cấp xã phường, tuy ở đấy không phải là cơ quan điều tra… Theo thống kê hàng năm, Việt Nam có đến cả trăm người bị chết ở những đồn cảnh sát ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.”
“Ở Việt Nam, chúng ta đã từng thấy rất nhiều vụ án oan sai xảy ra trong những năm vừa qua… các nạn nhân khai báo họ đã bị tra tấn trong suốt quá trình điều tra, và thậm chí kể cả ban đêm nữa…”
“Để ngăn chặn tình trạng bị tra tấn tiếp tục xảy ra ở Việt Nam, đòi hỏi sự vào cuộc rất nhiều, thứ nhất là từ cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế phải thường xuyên đến thăm Việt Nam, đến thăm các nhà tù ở Việt Nam, phỏng vấn những người đang bị tạm giam, tạm giữ trong các nhà tù.”
“Thứ hai, đặc biệt là giới luật sư, giới này đóng vai trò rất quan trọng để chống tra tấn, vì Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam cho phép các luật sư tham gia ngay từ khi thân chủ của họ nhận được giấy mời… chỉ có những luật sư mới có thể ngăn chặn được những vấn đề tra tấn, bức cung, dùng nhục hình ở Việt Nam.”
Nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, một cựu tù nhân lương tâm, người đã từng bị giam giữ ở 11 nhà tù, trại giam, với 20 lần chuyển trại trong thời gian khoảng 7 năm ở Việt Nam trước đây, thì nói về vấn nạn tra tấn tại Việt Nam mà ông từng trải nghiệm:
“Luật một đằng nhưng mà họ thực hiện một nẻo, tựu chung lại có 5 hình thức. Hình thức thứ nhất là giam giữ, cách ly, cưỡng bức mất tích. Hình thức thứ hai là gây ra những đau đớn nghiêm trọng về thể xác trong quá trình điều tra. Cái thứ ba là biệt giam. Cái thứ tư là vấn đề từ chối cho thực hiện quyền được điều trị y tế; Và cái thứ năm nữa là chuyển các nhà tù như một hình thức trừng phạt.”
“Họ ban hành những văn bản luật, dưới luật, để đối phó với cộng đồng quốc tế và để thực thi trong các nhà tù… ở đây rõ ràng rằng, không phải là những hoạt động đơn lẻ, những vi phạm pháp luật đơn lẻ, mà là có chủ trương xuyên suốt từ trên xuống dưới.”
“Cộng đồng quốc tế cần nhìn ra được rằng, đây là bản chất, đó là họ không muốn thay đổi về mặt nhân quyền, họ tham gia ký kết chỉ để tham gia ký kết thôi, chứ không phải để thực hiện.”
“Họ chỉ lừa dối cộng đồng quốc thế thôi, còn khi họ thực hiện, họ bất chấp quyền con người cơ bản.”
“Những mạng người ở trong nhà tù Việt Nam rất mong manh, nếu cộng đồng quốc tế không quan tâm đến tình trạng gây ra những cái chết oan ức ở trong các nhà tù đó, thì vấn nạn sẽ vẫn tiếp diễn.”
RFA dẫn báo cáo năm 2022/2023, phần liên quan Việt Nam, tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhận định, “tra tấn và ngược đãi khác tiếp tục được báo cáo ở mức báo động.”
RFA cũng dẫn báo cáo của Project 88, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Illinois, Hoa Kỳ, trong thời gian gần đây, cho rằng, đã có “những đối xử vô nhân đạo” trong nhà tù ở Việt Nam.
RFA dẫn thông điệp của Liên Hợp Quốc, nêu rõ quan điểm của định chế quốc tế này:
“Tra tấn là hình thức tìm cách triệt tiêu nhân cách của nạn nhân và phủ nhận phẩm giá vốn có của con người.”
“Liên Hợp Quốc ngay từ đầu đã lên án tra tấn là một trong những hành vi xấu xa nhất mà con người gây ra đối với đồng loại của mình. Tra tấn là một tội ác theo luật pháp quốc tế. Theo tất cả các công cụ có liên quan, nó hoàn toàn bị cấm và không thể biện minh trong bất kỳ trường hợp nào… Việc tra tấn có hệ thống hoặc phổ biến cấu thành tội ác chống lại loài người.”
Theo nghị quyết 52/149 ngày 12/12/1997, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố ngày 26/6 là Ngày Quốc tế của Liên Hợp Quốc hỗ trợ các nạn nhân bị tra tấn, nhằm xóa bỏ hoàn toàn tra tấn và thực hiện hiệu quả Công ước Liên Hợp Quốc chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác.
“Ngày 26/6 là cơ hội để kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các Quốc gia Thành viên Liên Hợp Quốc, xã hội dân sự và các cá nhân ở khắp mọi nơi đoàn kết ủng hộ hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới đã từng là nạn nhân của tra tấn và những người vẫn đang bị tra tấn cho đến ngày nay.”
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Làm chủ nhà tiếp khách mà lo sợ hàng xóm, Đảng hèn hay “khôn ngoan”?
>>> Dư luận xung quanh vụ 3 công an trộm dê của dân
>>> Lại thêm tù nhân lương tâm bị từ chối chăm sóc y tế
>>> Chống tham nhũng “không có vùng cấm” chỉ là mị dân
Lãnh đạo Cảnh sát Biển tham ô vì kẹt tiền