Trung Quốc là siêu cường hay đang phát triển?

Link Youtube: https://youtu.be/zZjt6f4kPQE

Ngày 30/8, một kênh truyền thông quốc tế có bài bình luận về Trung Quốc, với đề tài Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển hay đã phát triển?

Điều này từ lâu đã là đề tài tranh luận giữa các nhà nghiên cứu và giới chuyên gia về Trung Quốc – đặc biệt, khi Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và trở thành một cường quốc sản xuất toàn cầu.

Bài báo dẫn tuyên bố của Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh gần đây của các nước BRICS ở Johannesburg, rằng: “Trung Quốc đã và sẽ luôn là thành viên của [các] nước đang phát triển”.

 

Tuy nhiên, bài báo cho biết, tại Washington, các nhà lập pháp đã đưa ra luật, yêu cầu chính quyền Mỹ sử dụng ảnh hưởng của mình trong các tổ chức quốc tế, để tước bỏ tư cách là một quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.

Bài báo nhận xét, cuộc tranh luận nghe có vẻ hàn lâm, nhưng có ý nghĩa thực tế. Những lợi ích đi kèm với nhãn hiệu quốc gia đang phát triển, bao gồm ưu đãi thuế quan từ các nước phát triển, giúp hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Trung Quốc cũng sử dụng vị thế đang phát triển của mình, để biện minh cho việc trợ cấp cho các ngành công nghiệp, như đánh cá và công nghệ, cho dù, nhiều ngành do nhà nước sở hữu và có tác động toàn cầu.

Theo bài báo, tình trạng phát triển của một quốc gia được xác định theo nhiều cách khác nhau, bởi các tổ chức quốc tế khác nhau. Ví dụ, WTO cho phép các quốc gia tự xác định là “đang phát triển” hoặc “đã phát triển”. Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sử dụng nhiều số liệu khác nhau để đo lường mức sống của một quốc gia, như thu nhập quốc dân bình quân đầu người, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người, tuổi thọ và các chỉ số về giáo dục.

Bắc Kinh tự xếp mình là quốc gia “đang phát triển” trong WTO. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc xếp Trung Quốc là quốc gia có “thu nhập trung bình cao”, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gọi nước này là “nền kinh tế mới nổi và đang phát triển”, bài báo cho hay.

Tuy nhiên, bài báo dẫn một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc thường hành xử như một quốc gia đã phát triển, trên bình diện quốc tế. Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là Mỹ Latin, châu Phi và Trung Á, dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ phát triển và tài trợ cơ sở hạ tầng.

Bài báo dẫn lời ông Philippe Benoit, Giám đốc nghiên cứu Phân tích Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu và Tính bền vững 2050, gọi Trung Quốc là “siêu cường hai thì”.

Hình: Trung Quốc hành xử như cường quốc nhưng tự nhận là “đang phát triển”

 

 

Ông Benoit nói, triển vọng sức mạnh toàn cầu của nước này xấp xỉ sức mạnh của một siêu cường và nó thể hiện những đặc điểm của một quốc gia đã phát triển, như các khoản đầu tư lớn vào công nghệ và đường sắt cao tốc. Trung Quốc cũng có các thành phố phát triển cao như Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những đặc điểm của một quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như tình trạng nghèo đói dai dẳng, thiếu điều kiện vệ sinh, giao thông và giáo dục, ở nhiều khu vực trong nước.

Vẫn theo bài báo, nghi vấn về tình trạng phát triển của Trung Quốc đã làm tăng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Vào tháng 3 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua một dự luật mang tên “Đạo luật về việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Không phải là Quốc gia Đang phát triển”.

Vào ngày 8/6, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã chấp thuận dự luật, hiện được đổi tên thành “Đạo luật Chấm dứt Tình trạng Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc”. Hiện chưa có ngày được ấn định để toàn bộ Thượng viện bỏ phiếu về dự luật này.

Đáp lại, bài báo cho hay, ông Uông Văn Bân, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang cố gắng phá hoại sự phát triển của Trung Quốc.

Bài báo dẫn lời ông Robert Ross, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston, kiêm phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc John King Fairbank thuộc Đại học Harvard, cho biết, tình trạng phát triển của Trung Quốc “không phải là một câu hỏi quan trọng”, mà là vấn đề chính trị giữa hai siêu cường cạnh tranh.

“Trung Quốc đang chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc, và cùng với đó, Hoa Kỳ có một cuộc chiến thương mại và một cuộc chiến công nghệ nhằm làm suy yếu sự phát triển kinh tế và phát triển công nghệ của Trung Quốc.”

 

Xuân Hưng – thoibao.de

>>>Mua quốc tịch Cyprus, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa Tổng – Tô vào thế kẹt “bi” trong họng!

>>>Thích Thanh Quyết quyết làm tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới

>>>Sức sống của nền kinh tế quyết định sinh mệnh chính trị của Thủ Chính

>>>Nghịch lý trong kỷ lục vốn hóa của VinFast

Đại Án Việt Á: Nguyễn Thanh Long bắt tay với Việt Á gây tai họa cho dân VN như thế nào?

Kasse animation 7.8.2023