Vì sao ký chưa ráo mực nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, Hà Nội đã trở mặt với Washington?

hi

Ngày 10/9, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức ký kết thỏa thuận nâng cấp mối quan hệ ngoại giao “vượt cấp”, trở thành quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” – một mối quan hệ chiến lược mang tầm thế kỷ. Vậy mà, chỉ sau đó ít ngày, khi chữ ký còn chưa “ráo mực”, một số quan chức Việt Nam đã đưa ra những tuyên bố, được đánh giá là cố ý, nhằm hạ thấp vai trò và vị thế của Hoa Kỳ.

Cụ thể, ngày 14/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, ban đầu, Tổng thống Joe Biden mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư Trọng chưa thực hiện được chuyến thăm đó, và đã gửi thư mời Tổng thống Biden thăm Việt Nam. Trong lúc, trên thực tế, vào tháng 7/2023, ông Joe Biden nói với cử tri Mỹ rằng, người đứng đầu Việt Nam gọi điện thoại trực tiếp, tha thiết mời Tổng thống Mỹ sang Hà Nội để ký kết nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước. Không phải là Tổng thống Mỹ mời ông Trọng, rồi ông Trọng viết thư mời lại. Còn Thủ tướng Chính, ngày 17/9, cùng một giọng nói rằng, Hoa Kỳ phải thừa nhận thể chế chính trị của Việt Nam. Trong khi, theo nguyên tắc của ngoại giao thông thường, cần dựa trên cơ sở bình đẳng, chứ làm gì có chữ “phải” hay “bắt buộc”, như ông Chính nói.

Việt Nam phải gấp rút ký kết nâng cấp mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ, là điều bắt buộc để cứu chế độ. Vì chỗ dựa cố hữu của họ là Trung quốc và Nga đã quá lung lay.

Trong quá khứ, trụ cột và chỗ dựa của Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây luôn là Liên Xô và Trung Quốc, sau này là Nga và Trung Quốc, đó là các cường quốc có cùng ý thức hệ Cộng sản.

Tùy bối cảnh lịch sử, ở các thời điểm khác nhau, song Ban lãnh đạo Cộng sản Hà Nội luôn ngả nghiêng từ Nga sang Trung Quốc, hay ngược lại. Kể cả cá nhân các lãnh tụ Cộng sản, về lập trường cũng chao đảo, lúc thân Nga, lúc thân Tầu, mà Lê Duẩn với “vụ án xét lại chống Đảng” là một ví dụ điển hình.

Với sức ép nặng nề từ Bắc Kinh, kể từ năm 1978, Việt Nam đã quyết định dựa hẳn vào Liên Xô, khi ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Liên Xô – Việt Nam, với hy vọng dựa vào Liên Xô để chống lại Trung Quốc và cuối cùng cũng đã thất bại.

Việc Việt Nam thúc thủ và buộc phải đầu hàng Bắc Kinh thông qua Hội nghị Thành đô năm 1990, đã “bắt đầu một thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2”. Kể từ đó, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trên mọi phương diện, từ chính trị, kinh tế đến cả văn hóa… Việt Nam đã trở thành một bản sao không thể khác, theo yêu cầu của Trung Quốc.

Song, với bản chất “lá mặt, lá trái”, Hà Nội dù bị Bắc Kinh cương tỏa, thì họ vẫn tìm cách duy trì mối quan hệ với Moscow, hy vọng Nga trở thành đối trọng với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Kể từ cuối tháng 2/2022, khi cuộc chiến Nga – Ukraine bắt đầu, khi đó, Hà Nội vẫn chủ trương coi Moscow và Bắc Kinh là những đồng minh chiến lược. Những lá phiếu của Việt Nam đối với các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraine được dập khuôn y chang lá phiếu của Trung Quốc, bởi lý do như vậy.

Nhưng đến nay, Nga đã thất thế trong cuộc chiến Ukraine, đánh mãi không thắng, trong khi bị thế giới đồng loạt tẩy chay và cô lập. Trong khi đó, tình hình chính trị trên chính trường Trung Nam Hải rất xấu, cộng với kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc suy thoái lớn. Cùng lúc, Trung Quốc bị Hoa Kỳ và các đồng minh xếp vào loại đối thủ nguy hiểm, với mục tiêu kiềm chế sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Đó là những lý do, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Nga và Trung Quốc bắt buộc phải thay đổi. Dù cho Hà Nội là một bản sao của Bắc Kinh, nhưng khi Trung Quốc đối diện với nguy cơ đổ vỡ, thì lãnh đạo Việt Nam không muốn chết lây. Hơn nữa, nguy cơ và vị thế của nước Nga đang tuột dốc về zero, do các biện pháp cấm vận và trừng phạt của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây.

Song, Đảng lại không muốn bị mất mặt với quốc tế cũng như dân chúng Việt Nam, đặc biệt là với lực lượng cán bộ Cách mạng lão thành và cựu chiến binh có ảnh hưởng lớn. Đó là lý do khiến Ban lãnh đạo Việt Nam cử các nhân vật tên tuổi, đưa ra các phát biểu “cố ý, nhằm mục đích hạ thấp vai trò và vị thế của nước Mỹ”, như đã thấy.

Điều đó cho thấy, giới chức lãnh đạo Việt Nam bất chấp tất cả, miễn là có lợi cho Đảng, để duy trì sự cầm quyền họ. Còn ý thức hệ của Chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam, giờ đây chỉ có giá trị trên khẩu hiệu./.

Trà My – Thoibao.de