Lãnh đạo Chống tham nhũng trục lợi trong việc bảo vệ cho quan tham nhũng như thế nào?

Số tiền mà bị can Trương Mỹ Lan chiếm đoạt từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) lên đến 304.000 tỷ đồng, nhiều hơn tổng tài sản của cả 5 tỷ phú giàu nhất Việt Nam cộng lại.

Theo đánh giá, nếu có thu hồi toàn bộ tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thì cũng khó có thể bù đắp được số tiền khổng lồ đó.

Chắc chắn, bị can Trương Mỹ Lan sẽ không thể chiếm đoạt được số tiền đó, nếu như không có sự hỗ trợ của các quan chức, công chức nhà nước, và chắc chắn là phải có sự bảo kê của lãnh đạo cấp rất cao.

Dư luận mạng xã hội thấy rằng, chưa bao giờ, làm quan tham sướng như lúc này, chỉ cần không hứa hẹn, và chỉ nói “tớ cảm ơn”, khi nhận quà biếu lên đến 200.000 USD, thì không có tội, như “tấm gương” của cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh trong Đại án Việt Á.

Dư luận xã hội đã phẫn nộ và bất bình vì sự bao che, mang tính chạy tội của lãnh đạo Việt Nam cho những kẻ tham nhũng. Người ta nghĩ rằng, cơ quan chống tham nhũng cần phải xem xét lại.

Vậy mà, trong vụ án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan, một lần nữa, dư luận lại bất ngờ với chủ trương: “Người nhận tiền trong vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, nhưng không có thỏa thuận hoặc không đòi hỏi, sẽ không bị xử lý hình sự, mà kỷ luật Đảng, xử lý hành chính.”

Đây là tin thật chứ không phải tin giả của thế lực thù địch, là thông tin chính thức của truyền thông nhà nước. VnExpress online ngày 22/11, có bản tin với tiêu đề: “Miễn trách nhiệm hình sự người không vụ lợi khi nhận tiền của SCB”.

Bản tin cho hay, chiều 22/11, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, số tiền nhận hối lộ trong vụ án Vạn Thịnh Phát là “lớn nhất từ trước tới nay”.

Bản tin này cũng lấy trường hợp của bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra Giám sát của Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận 5,2 triệu USD để bao che sai phạm cho Ngân hàng SCB. Theo ông Nguyễn Văn yên cho biết, “Các cơ quan tố tụng đã nghiên cứu, phân tích mức độ, tính chất sai phạm, để đánh giá từng trường hợp”.

Theo đó, “người nhận số tiền lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng phải bị truy tố, xét xử. Người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính.”.

Đồng thời, Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho rằng, chủ trương xử lý như vậy là “thấu tình, đạt lý”. Tại vụ án Việt Á, Cơ quan phòng chống tham nhũng và tiêu cực, cũng có chủ trương tha, miễn xử lý với người có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh, không có động cơ vụ lợi trong hoàn cảnh dịch bệnh.

 

Công luận thấy rằng, chủ trương xử lý “thấu tình, đạt lý” của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, thực ra là một giải pháp giải cứu cho các quan chức tham nhũng, sẽ được thoát hoặc giảm nhẹ tội khi đưa ra xét xử.

Đây là một đề nghị hết sức bất hợp lý, chủ trương này sẽ tạo ra những căn cứ pháp lý để che chắn cho cán bộ tham nhũng. Điều đó hoàn toàn đi ngược với chủ trương chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có vùng tránh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng đây cũng chính là chủ trương của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng, đó là: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì mình ‘miễn xử hoặc xử nhẹ’; và không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Thậm chí, vấn đề đó đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nghị quyết hóa theo yêu cầu của Tổng Bí thư.

Điều này đã thể hiện rõ ràng tại Thông báo số 20/BBT-TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị, về việc cho phép lãnh đạo, từ Ủy viên Trung ương trở lên, nếu tham nhũng nhưng đã khắc phục hậu quả và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự.

Cũng liên quan đến Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, trong bản tin “Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Không có chuyện bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn rồi giấu”, đăng trên báo Thanh Niên ngày 10/5, có một tấm hình minh họa chụp ông Yên. Tấm hình này cho thấy, trên tay trái của Phó ban Nội chính Nguyễn Văn Yên, đeo đồng hồ Patek Philippe có giá trị 250.000 USD. Khi dư luận trên mạng xã hội bàn tán quá nhiều, tấm hình đó đã được chỉnh sửa, bằng cách cắt mất phần tay đeo đồng hồ.

Rõ ràng, một lãnh đạo của Ban Nội chính Trung ương lại đeo một chiếc đồng có giá trị 250.000 USD, bằng 32 năm lương, càng minh chứng cho thấy: “… chủ trương, người nhận hối lộ ít, không có động cơ; hay nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà; và không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền…, sẽ không bị xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính”, là điều vi phạm trắng trợn pháp luật nhà nước. Thậm chí còn là một chính sách bảo vệ cho quan chức tham nhũng, cũng như khuyến khích cho tham nhũng./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023