Bộ Công an: “thổi nồng độ cồn” để phục vụ nhân dân, đừng biến thành cơ hội kiếm chác?

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, con số người tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam giảm liên tục trong gần 10 năm. Đến năm 2022, con số này tăng trở lại. Trong 10 tháng đầu năm 2023, ở Việt Nam, trung bình một ngày có 18 người chết vì tai nạn giao thông.

Phải chăng, đó là một trong những lý do, theo báo Tuổi Trẻ ngày 2/12 đưa tin: “Thành phố Hồ Chí Minh: Sẽ đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm đến gần Tết”.

Bản tin cho hay, từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2024, Cảnh sát Giao thông ở Sài Gòn sẽ chia làm 10 cụm, trong đó, 5 cụm đo nồng độ cồn khu vực trung tâm, và 5 cụm ở vùng ven.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: “Vì sao Cảnh sát Giao thông thành phố lại kiểm tra nồng độ cồn cả ngày?”

Trong khi, người dân thắc mắc, có nhất thiết phải kiểm tra nồng độ cồn cả vào ban ngày, nhất là giờ đi làm buổi sáng, giờ tan làm buổi chiều, vì việc này sẽ gây trở ngại cho người đi đường. Và việc này có giúp giảm tai nạn giao thông hay không?

Trên thực tế, từ giữa tháng 11/2023, Cảnh sát Giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã mở đợt tổng kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện giao thông có uống rượu bia, với mục đích nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Theo đó, Cảnh sát Giao thông có quyền dừng xe người tham gia giao thông bất kể ngày đêm, để đo nồng độ cồn.

Theo truyền thông nhà nước, hành động này của Cảnh sát Giao thông Sài Gòn đã gây ra phản ứng mạnh trong dân chúng, với đa số không đồng tình về cách thức tổ chức thực hiện, và các biểu hiện lạm quyền của đa số cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ.

Nhìn chung, dư luận thấy rằng, việc đo nồng độ cồn để phạt những người lái xe có nồng độ cồn quá mức cho phép, là việc làm đúng và được ủng hộ. Nhưng người dân băn khoăn, phải chăng, cảnh sát giao thông chỉ muốn phạt thật nhiều để hưởng tiền % theo quy định?

Theo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương, được Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 6 thông qua chiều ngày 10/11, Bộ Công an sẽ được hưởng tới 85% số tiền phạt.

Ngoài ra, dư luận còn một số thắc mắc, muốn cơ quan có thẩm quyền tiếp thu hoặc sửa đổi:

  • Không thể vì coi nồng độ cồn trong cơ thể là hiểm họa hàng đầu, để kiểm tra với tần suất và thời gian phi khoa học…
  • Kiểm tra cả trăm người, nhưng sao không thay ống thổi? Cần có phương án hợp lý hơn, vì việc không thay ống thổi là quá mất vệ sinh, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm.
  • Bộ Công an ấn định mức nồng độ cồn trong hơi thở là 0%, đây là điều bất hợp lý và thiếu khoa học. Vì chỉ sử dụng thức ăn, nước uống có đường, hay hoa quả, cũng có phản ứng hóa học lên men trong dạ dày, và nồng độ cồn đã cao hơn 0%.
  • Đặc biệt, việc siết chặt nồng độ cồn, không chỉ khiến cho các nhà hàng, quán nhậu sẽ vắng khách, mà sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và hoạt động Du lịch.

Chuyện lái xe khi say rượu là vi phạm luật pháp ở tất cả các nước, chứ không riêng ở Việt Nam. Trong khi, theo giới chuyên gia, ý thức người tham gia giao thông Việt Nam rõ ràng có vấn đề, với việc xử lý nghiêm nồng độ cồn, hy vọng người dân dần dần thay đổi thói quen, để hình thành văn hóa giao thông an toàn.

Theo báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo đội Cảnh sát Giao thông nói về mục đích của chiến dịch này là: “Quan trọng vẫn là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nếu biết sáng phải lái xe thì tối hôm trước không nhậu trễ, cần chuẩn bị tâm lý để tay lái vững vàng, an toàn”.

Nếu như nói và làm giống nhau, thì là điều đáng hoan nghênh.

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, mới đây phát biểu rằng:

“Việc dàn trải nhân lực, căng mình kiểm soát 24/24 giờ, vừa gây mệt mỏi, căng thẳng cho lực lượng chức năng, vừa khiến tính hiệu quả của kiểm soát giao thông, bầu không khí xã hội ít nhiều bị ảnh hưởng. Cần phải kiểm tra lại cách làm xem có phù hợp không, có ổn không để điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của người dân!”

Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới – Phó Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/12 cho biết, “các cụm tổng kiểm soát nồng độ cồn của Cảnh sát Giao thông thành phố Hồ Chí Minh, từ nay sẽ thay đổi phương án bố trí các tổ công tác cho phù hợp từng thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường”.

Công luận hy vọng, Bộ Công an của Bộ trưởng Tô Lâm, giá như chịu khó cho lực lượng của mình tham gia phối hợp kiểm tra tài sản của quan chức nhà nước, mà quyết liệt như kiểm tra nồng độ cồn, thì dân sẽ hết sức hoan nghênh và ủng hộ./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023