Thẻ Căn cước “tít mù rồi lại vòng quanh” và đỉnh cao trí tuệ của lãnh đạo Việt Nam?

Trước và sau khi Luật Căn cước được Quốc hội Việt Nam thông qua, đa số người dân không hài lòng với chính sách thay đổi liên tục mẫu giấy tờ cá nhân của Bộ Công an.

Kể từ năm 2016, “Giấy Chứng minh Nhân dân” đã được đổi thành “Thẻ Căn cước Công dân”. Đến năm 2021, Bộ Công an lại cho đổi sang “Thẻ Căn cước Công dân” có gắn chip, và năm 2024, đổi là “Thẻ Căn cước”.

Nếu tính từ năm 1957 ở miền Bắc, và từ 1975 trên cả nước, công dân Việt Nam đã trải qua các loại giấy tờ tùy thân như: Chứng minh Nhân dân có 9 chữ số; Chứng minh Nhân dân có 12 chữ số; Căn cước Công dân mã vạch; Thẻ Căn cước Công dân gắn chip, và cho đến nay tạm dừng lại là Thẻ Căn cước.

Đó là lý do, khi thảo luận về Dự luật Căn cước, đã có một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến rằng, việc đổi giấy tờ tùy thân quá nhiều lần của Bộ Công an, sẽ tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Được biết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm thời điểm đó đã biện minh trước Quốc hội rằng, “việc đổi mẫu thẻ căn cước là việc phù hợp, không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội, cũng như tâm lý người dân”.

Nhưng phát biểu không đúng của Bộ trưởng Bộ Công an, đã bị ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phản bác trên báo Tuổi Trẻ, ngày 29/11 cho rằng, “khi luật pháp được ban hành mới, hoặc được sửa đổi, thì chi phí tuân thủ có nhiều khả năng sẽ phát sinh”.

Nếu nhìn lại hành trình “vòng vèo” của hệ thống giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, sau 78 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản, người ta mới thấy rõ thế nào là “đỉnh cao trí tuệ” mà họ vẫn “tự sướng” với nhau.

Hiện nay, người dân ở Việt Nam muốn được cấp hoặc đổi thẻ căn cước công dân, thì phải tới công an quận, huyện làm thủ tục. Thời gian làm thủ tục khoảng từ vài chục phút đến vài tiếng, tùy theo địa điểm. Rồi phải mất khoảng 2 tháng mới được cấp thẻ, dù theo quy định là chỉ từ 7 tới 15 ngày.

Đó là chưa kể tới việc chuyển đổi mẫu giấy tờ tuỳ thân đã gây ra sự bất tiện rất nhiều cho người dân. Khi giấy Chứng minh Nhân dân được đổi thành Thẻ Căn cước Công dân, do số của Thẻ Căn cước và số của giấy Chứng minh Nhân dân không đồng nhất, nên người dân gặp khó khăn khi giao dịch ngân hàng hoặc thực hiện các thủ tục dân sự khác.

Dư luận thấy rằng, dù giấy tờ tùy thân có tên là gì, mẫu mã ra sao, thì  thủ tục cấp mới hay cấp lại giấy tờ tùy thân ở Việt Nam gặp rất nhiều phiền toái.

BBC News Tiếng Việt đã tham khảo về việc làm thẻ công dân ở Thái Lan. Theo đó, thẻ công dân của Thái, kể từ năm 1943 đến nay, đã thay đổi 5 lần.

Cụ thể:

“Vào năm 2009, thẻ công dân Thái Lan đã thay đổi từ thẻ nhựa sang được gắn chip và mã vạch, được gọi là smart card (thẻ thông minh).

Chịu trách nhiệm làm thẻ là Bộ Nội vụ, một cơ quan thuộc Chính phủ Thái Lan. Đáng chú ý, người dân có thể hoàn toàn thay đổi thẻ công dân thuận tiện và dễ dàng, khi đi đến các trụ sở, quầy (booth) đổi thẻ nằm ở trạm tàu điện hoặc siêu thị.

Các đồng nghiệp Thái Lan cho chúng tôi biết, quy trình làm thẻ chỉ mất hơn 10 phút và họ không phải đổi thẻ gì từ năm 2009 đến nay.”

Nói về nguyên nhân tạo ra đường đi lòng vòng của thẻ căn cước Việt Nam, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng:

“Mỗi lãnh đạo lên chức thì đều có sự thay đổi và muốn mang dấu ấn gì đấy trong nhiệm kỳ của mình. Thế nhưng, thay vì dấu ấn tốt thì để lại tì vết. Tôi nghĩ họ đi lòng vòng do nhận thức từ lãnh đạo và cả từ ban tư vấn nữa.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, viết nhận xét trên trang cá nhân, rằng, Thẻ căn cước là sự kiện vừa bi, vừa hài.

Chuyện về tên gọi loại giấy tờ tùy thân này không phải là chuyện nhỏ, vì nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý nhà nước. Từ ngày “Cách mạng” đến nay, mọi thứ vận động theo quy luật “đèn cù”, chạy tít mù nhưng sau đó lại quay về lại chỗ ban đầu.

Vẫn theo ông Trang, chấp nhận việc này Quốc hội tỏ ra có tiến bộ. Ông hóm hỉnh đề nghị: “Quốc hội nên mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho hợp lý, hợp tình.”

Công luận cho rằng, đây là một việc rất nhỏ, song đã bộc lộ một thứ tư duy thiển cận, thiếu tầm nhìn và không ổn định của bộ máy Nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Cũng như một sự vô trách nhiệm, không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách và sự phiền phức cho người dân../.

Trà My – Thoibao.de