Thực trạng đạo đức xã hội: Tổng Trọng vẫn “Giáo dục chưa có bao giờ như hôm nay”?

Vụ việc xảy ra tại trường Trung học Cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, một nhóm học sinh dồn cô giáo của mình vào góc tường, đua nhau ném dép, giấy rác vào người cô, và liên tục buông những lời thô tục.

Dư luận xã hội hết sức bức xúc, và cho rằng, đây là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức học đường, là hệ quả của một hệ thống giáo dục xuống cấp trầm trọng, khi “thầy không ra thầy, trò không ra trò”.

Những lời dạy của tiền nhân, dạy con cháu phải biết “Tôn sư trọng đạo”, bây giờ đang ở đâu? Ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? Lãnh đạo ngành Giáo dục Việt Nam còn nhớ hay đã quên bài học, “yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi”, hay bản thân họ không được phụ huynh dạy dỗ từ tấm bé?

Gần ba trăm năm trước, nhà bác học Lê Quý Đôn đã cảnh báo về họa mất nước, đó là khi “Trẻ không kính già, trò không trọng thầy, binh kiêu tướng thoái, tham nhũng tràn lan, sĩ phu ngoảnh mặt”. Một xã hội như vậy thì đất nước đã cận kề với họa diệt vong.

Nếu so sánh với xã hội Việt Nam hiện nay, thì câu nói trên đã trở thành một lời tiên tri của nhà bác học Lê Quý Đôn, từ hàng trăm năm trước.

Cụ thể:

–  Việc “trẻ không kính già, trò không trọng thầy” là điều ai ai cũng thấy. Cũng bởi đồng lương nhà nước trả không đủ sống, thầy cô giáo phải xoay xở trăm nghề, theo triết lý “đói đầu gối phải bò”. Do đó, giáo viên đã để mất hình ảnh về tư cách, về chuẩn mực nghề nghiệp, thì bị học trò coi thường cũng là điều dễ hiểu.

– Thực trạng “binh kiêu tướng thoái” phổ biến trong lực lượng vũ trang Việt Nam, đặc biệt là lực lượng công an, đã trở thành một lũ “kiêu binh” phản phúc. Đến mức, nhân dân – những người nuôi sống họ bằng tiền thuế – trong mắt họ chỉ là “thế lực thù địch”.

– Tình trạng tham nhũng tràn lan thì không cần phải nói nhiều, vì nay đã trở thành một vấn nạn trầm trọng. Thậm chí, có thể khẳng định, 100% quan chức, công chức nhà nước đều dính líu đến tham nhũng. Họ không tham nhũng thì làm sao sống đủ với đồng lương dăm ba triệu/tháng, không đủ uống cafe.

– Tình trạng “sĩ phu ngoảnh mặt” cũng quá rõ ràng. Cứ nhìn thái độ của nhân sĩ trí thức đối với cuộc cuộc triển lãm tranh gò đồng của nghệ sĩ Phạm Xuân Trường mới đây, thì thấy quá rõ.

Trong 5 vấn đề mà nhà bác học Lê Quý Đôn nêu ra, nếu chỉ phạm 1 trong 5 thì người ta đã phải lo ngại và cảnh báo. Vậy mà, ở Việt nam hiện nay, “đạt chỉ tiêu” trên 100%.

Trở lại tình trạng, “trẻ không kính già, trò không trọng thầy”, trong status, “Đạo đức xã hội xuống cấp do đâu?”, KTS Dương Quốc Chính cho rằng, từ khi Cách mạng cướp chính quyền hồi mùa Thu năm 1945, không những chính quyền cũ bị lật đổ, mà cả nền tảng đạo đức xã hội và tôn giáo của nó cũng bị lật đổ theo, làm cho các giá trị xã hội bị đảo lộn. Dưới chế độ mới, “xã hội chỉ còn rào cản bằng điều lệ đảng” và đó chính là “nền đạo đức XHCN (tức là đạo đức cách mạng)”. Cách hiểu lệch lạc về bình đẳng, mọi người đều ngang bằng như nhau, và những tôn ti trật tự cũ đều bị phá bỏ, đã dẫn đến tình trạng không ai tôn trọng ai:

“Bần nông có thể chỉ mặt chửi địa chủ. Công nhân, thợ thuyền, buôn bán nhỏ có thể chỉ mặt chửi tư sản, giáo sư…

…Nền tảng tôn ti trật tự cũ thực sự bị “đào tận gốc, trốc tận rễ” là trong thời cải cách ruộng đất, “con cái đấu tố bố mẹ, người làm đấu tố chủ, ân nhân cũ…”.

Dương Quốc Chính viết tiếp, đến thời đổi mới, tình trạng xã hội xuống cấp, mất đạo đức, càng trầm trọng hơn. Đồng tiền lên ngôi, khuynh đảo tất cả giá trị xã hội. Ông nhấn mạnh:

“Tiền bạc, lợi ích nó là động lực phát triển của Chủ nghĩa Tư bản. Nhưng Chủ nghĩa Tư bản nó không bị mục ruỗng nền tảng đạo đức vì nó còn duy trì tôn giáo và tôn ti trên dưới của xã hội và quan trọng nhất là pháp luật nó nghiêm minh và độc lập.

… Còn Việt Nam và Trung Quốc  hiện nay thì đang có đủ tật xấu của Cộng sản và Tư bản. Nhưng luật lại không thể nghiêm vì có nhiều kẻ được ngồi trên luật”.

Cho nên, theo Dương Quốc Chính, đừng nên CHỈ trách thầy cô giáo vì họ cũng là những cá nhân trong một xã hội. Cả xã hội, đạo đức xuống cấp thì không thể tránh khỏi, từng cá nhân, đạo đức cũng xuống cấp theo.

Xin nhắc lại, báo Giáo dục ngày 4/11/2018 có bài “Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.

Theo đó, “Chiều 3/11/2018, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt 55 học sinh, sinh viên tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017 – 2018. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.

Được biết, phản ứng của công luận ngày đó và hôm nay, đều thống nhất vắn tắt ở nhận định ngắn ngủi “Nghe mà muốn chửi!”./.

Trà My – Thoibao.de