Càng ngày, Công an Thái Bình càng cho thấy rằng, họ đã bắt bừa ông Lưu Bình Nhưỡng, và giờ đây, họ bị mắc kẹt, không biết giải thích như thế nào cho thông suốt trước dư luận.
Cho tới giờ, Công an Thái Bình vẫn một mực khẳng định, ông Lưu Bình Nhưỡng giúp đỡ Cường Quắt cưỡng đoạt tài sản. Họ đã cố lý giải rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp, tác động vào các cơ quan chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, họ vẫn không đưa ra được thông tin cụ thể, cơ quan nào bị ông Lưu Bình Nhưỡng tác động?
Nếu ông Nhưỡng tác động đến chính quyền để giúp Cường Quắt, thì chỉ có thể là can thiệp vào chính quyền tỉnh Thái Bình. Vậy thì, tại sao chính quyền tỉnh Thái Bình lại yêu cầu tỉnh Lâm Đồng – nơi cách Thái Bình đến 2000 km – rà soát lại các văn bản do ông Lưu Bình Nhưỡng ký? Vấn đề là, tỉnh Lâm Đồng liên quan gì đến Cường Quắt? Ai cũng thấy sự bất hợp lý này.
Vậy thì, có phải là công an giấu đầu lòi đuôi hay không? Việc yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng rà soát ấy, liên quan tới Cường Quắt, hay liên quan đến ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an?
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, cơ quan chức nào nhận lời ông Nhưỡng để giúp đỡ cho Cường Quắt, thì tại sao không truy ra cơ quan, người đấy? Và hàng loạt câu hỏi cho thấy, Công an tỉnh Thái Bình đang bế tắc trong việc ghép tội ông Lưu Bình Nhưỡng
Hiện nay, Công an Thái Bình cho lực lượng bảo vệ cánh cổng nhà thờ của ông Nhưỡng ở quê, như đang “bảo vệ bằng chứng”. Nhưng Công an Thái Bình lại không lý giải được rằng, bộ cánh cổng đấy là bằng chứng tội phạm ở chỗ nào?
Rồi để cứu lấy sự đuối lý của Công an Thái Bình, Viện Kiểm sát Nhân dân Thái Bình đưa ra con số rất buồn cười, rằng, “Cường Quắt” có thu “phí” bãi từ các chủ tàu hút cát 1.500đ/ m3, tính 1 tàu là 700m3, thì phải nộp chẵn 1 triệu đồng. Tổng cộng, Cường Quắt thu được 5 tỷ đồng (tương đương 5.000 lượt tàu).
Con số này rất gượng ép. Bởi một đại ca giang hồ, lại được một Đại biểu Quốc hội bảo kê, mà chỉ thu được có 5 tỷ, thì trả công cho đàn em đi thu tiền cũng chưa đủ, lấy đâu ra lo lót cho đàn anh?
Ngoài ra, phía Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình còn nói rằng, Cường thường “khoe” là con nuôi ông Nhưỡng. Vậy thì, một thằng móc túi ất ơ nào đó khoác lác, hắn là “con nuôi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, thì Công an cũng bắt luôn ông Tổng Bí thư hay sao? Mà chuyện “cáo mượn oai hùm” này là rất phổ biến trong giới làm ăn Việt Nam.
Cường Quắt có khoe khoang gì đó hay không là chuyện của Cường, còn ông Lưu Bình Nhưỡng có tội hay không, thì cần phải có bằng chứng thuyết phục, chứ không thể chỉ dựa vào lời khoe khoang của Cường Quắt.
Hiện nay, Công an Thái Bình đã trả lời rằng, việc bắt ông Nhưỡng là theo lệnh của Viện Kiểm sát Nhân dân Thái Bình. Nhưng với cách giải thích ngượng nghịu như thế này, thì khả năng rất cao là đã bắt oan bắt sai đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.
Công luận đang chờ đợi chính quyền công bố lý do xác đáng về việc bắt giữ ông Nhưỡng, nhưng chẳng thấy lý do nào thích đáng cả. Công an Thái Bình đang mắc kẹt khi ra tay bừa bãi vụ ông Lưu Bình Nhưỡng.
Việc Công an Thái Bình yêu cầu tỉnh Lâm Đồng rà soát lại văn bản mà ông Lưu Bình Nhưỡng đã ký, thì rõ ràng, đây là công việc liên tỉnh. Nếu ông Nhưỡng có tội, thì lẽ ra phải do Bộ Công an bắt, chứ tại sao lại để Công an Thái Bình ra tay?
Phải chăng, ông Tô muốn bắt nhưng khó ghép tội cho ông Nhưỡng, nên đã xúi cho Công an Thái Bình làm thay? Giờ đây, Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình loay hoay mãi mà vẫn chưa gỡ được nút thắt này.
Công an lâu nay là công cụ chính trị để Đảng đe dọa dân. Nay Công an cũng trở thành công cụ để phe này triệt hạ phe kia, để bắt người bừa bãi rồi cố ghép tội. Dân sống dưới chế độ này không khốn khổ mới là chuyện lạ.
Ý Nhi – Thoibao.de