Link Video: https://youtu.be/cqup1SMD5Ks
Ngày 11/12, RFA Tiếng Việt có bài bình luận của blogger Nguyễn Nhơn, với tựa đề “Chùa to Phật lớn vực sâu”.
Tác giả cho biết, trước cổng Văn Miếu – Quốc Tử Giám có một tấm biển xi măng viết chữ “Hạ mã”.
Hạ mã nghĩa là xuống ngựa. Năm 1771, Thượng thư Bộ Công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng tấm bia này.
Tác giả cho rằng, ông Thượng thư làm việc có tâm quá, nên tấm biển thông báo có ý nghĩa “Xuống xe dẫn bộ” lại được làm rất đẹp và trang nghiêm, như một tấm bia được trân trọng.
Quan Thượng không ngờ, bởi vì sự trang trọng đó mà vài trăm năm sau, dân tình biến luôn tấm bia “Hạ mã” của ông thành… địa điểm tâm linh. Hương, hoa, vàng bạc, bánh trái… người ta cúng nhiều đến gần tràn cả ra đường, rồi chổng mông quỳ gối khấn vái…
Tác giả nhận xét, dân Việt Nam ta thích thờ cúng. Bao nhiêu điều bình thường, như cây cổ thụ, tảng đá, con rắn,… hay cô gái trẻ chết bất đắc kỳ tử, một nghệ sĩ nổi tiếng đã qua đời, mộ Võ Thị Sáu ở Côn Đảo…. tất cả đều có thể hoá thành thần và là căn cứ cho dân ta luận số đánh đề.
Theo tác giả, xã hội Việt Nam đang tồn tại cuộc sống chông chênh, không có nền tảng đạo đức và tôn giáo thật sự. Một xã hội đảo điên theo đồng tiền và quyền lực. Một nền kinh tế nhà nước chỉ thấy tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng. Nền kinh tế tư nhân chủ yếu phân lô bán đất nền. Bất an thường trực và những sự việc bất thường méo mó nhưng lại diễn ra thường xuyên, khiến người dân không dám đặt niềm tin vào những giá trị tinh thần cao thượng, vì tuy nó tốt nhưng khó thực hiện.
Thực tế là, trong xã hội Việt Nam hiện tại, người tốt khó sống hơn người lèo lá, cơ hội.
Thế thì chỉ có gửi niềm tin vào tiền mặt là chắc ăn nhất.
Tác giả nhận định, mê tín nhất Việt Nam, phải kể đến tầm các quan. Quan càng to càng tín, càng mê.
Phổ biến (và vô hại) nhất là tục đi đủ 10 cảnh chùa vào đầu năm mới. Nhưng nguyện cầu lớn nhất của các lãnh đạo không phải là “an” bình thường như dân thường, mà là thăng tiến, quyền chức, quan lộc.
Cho nên, tác giả cho hay, cái sự đi chùa của thê tử các quan nó nhiêu khê gấp nhiều lần. Tại sao là thê tử? Vì các quan phải kiêng cữ, ai lại chường mặt phương diện quốc gia ra những nơi nhạy cảm cho bọn báo chí chụp hình, rồi chất vấn Quốc hội? Để cho vợ con thay mặt đi cầu cúng, trấn yểm là hợp lẽ nhất.
Tác giả bình luận, nói túm lại là, đi chùa đầu năm quan trọng lắm. Phải chọn ngày, chọn giờ, chọn hướng xuất hành. Chọn màu trang phục, chọn chất liệu của trang sức đeo trên người. Vàng, bạc hay ngọc, đồng, gỗ, đá… đều phải được thầy bói ruột tỉ mỉ xem trước hàng tháng giời. Đúng giờ, đúng ngày, đúng hướng, đúng màu, đúng trang phục, bước chân đi phải chọn chân nào bước trước, cấm sai một ly kẻo quan lộc bị chấn động.
Lễ cúng xin tất nhiên phải thật dồi dào, đúng nghĩa mâm cao cỗ đầy, kèm phong bì nặng.
Đấy là lễ chùa đầu năm. Còn quanh năm suốt tháng thì vô vàn luật lệ phải tuân thủ chặt.
Nhưng, tác giả mỉa mai, thế cũng chưa thể đủ an toàn (tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường làm quan). Nên còn phải cúc cung hầu hạ một đấng thánh thần cụ thể, một ông Hoàng, bà Cô, bà Chúa có tên có tuổi nào đấy, mong có ngày Cô thương.
Phải được Cô thương, vì con đường thăng tiến lên làm lãnh đạo ở Việt Nam không phải bằng tài quản lý hay khả năng chuyên môn.
Vì thế, người ta phải bám víu vào những niềm tin tâm linh, những đấng vô hình có quyền lực vô biên và không thể giải thích theo logic thông thường.
Cuối cùng, tác giả kết luận, ở Việt Nam, càng ngày càng xuất hiện những tượng Phật khổng lồ, cao gần trăm mét, nặng hàng chục tấn. Tượng Phật khổng lồ sau phải khổng lồ hơn những khổng lồ trước. Có lẽ, vì chỉ những kích thước “khủng” đó mới đủ sức lấp những vực thẳm bất an và hoang mang trong lòng người.
Quang Minh
>>> Bản lĩnh ngoại giao của Việt Nam trước Trung Quốc
>>> Philippines và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng ở Bãi Cỏ Mây
>>> Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam xây các tuyến đường sắt
>>> Giới bất đồng phản đối “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt – Trung”
Quan hệ Việt – Trung sẽ thay đổi như thế nào sau khi ký kết “cộng đồng chia sẻ tương lai”?