Cảnh báo chủ trương “chạy tội” cho quan tham trong xét xử đại án Việt Á?

Vụ Việt Á là một đại án tham nhũng, tiêu cực có tổ chức với quy mô lớn, từ Trung ương đến địa phương. Đây là một vụ điển hình về việc quyền lực nhà nước không được kiểm soát, và mọi sự giám sát đều bị vô hiệu hóa.

Ngày 27/12 tới đây, Tổng Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự – Thượng tá Hồ Anh Sơn – sẽ ra hầu tòa. Đây là phiên toà khởi đầu cho việc xét xử Đại án Việt Á.

Tiếp đó, vào ngày 3/1/2024, hai cựu Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ, là các ông Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh sẽ hầu  tòa cùng với 36 bị can khác.

Giới quan sát vẫn băn khoăn về sự chênh lệch số tiền hối lộ, giữa thông tin ban đầu và kết luận điều tra, trong vụ án này.

Theo đó, ban đầu, Trung tướng Tô Ân Xô Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã khẳng định tại các cuộc họp báo rằng, trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, Công ty Việt Á đã móc nối với một số quan chức nhà nước, để tiêu thụ hơn 8,3 triệu bộ xét nghiệm tại các đơn vị, cơ sở y tế. Số tiền thu được gần 4.250 tỷ đồng và số tiền Công ty này hối lộ là gần 800 tỷ đồng

Nhưng theo kết luận điều tra, số tiền thu được của Công ty Việt Á chỉ là 1.200 tỷ và số tiền hối lộ được “rút xuống”, chỉ còn là 106 tỷ.

Trung tướng Tô Ân Xô giải thích:

“Sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt và các bị can liên quan đã khai, Công ty Việt Á có doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng. Phan Quốc Việt dành khoảng 20 – 25% trong tổng số này, tương ứng khoảng 800 tỷ đồng, để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, đối tác mua kit xét nghiệm và vật tư, thiết bị y tế khác. Đó chỉ là lời khai ban đầu, nhưng sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17/8, những con số này có sự chênh lệch.”

Liên quan đến chuyện số tiền hàng trăm tỷ của Công ty Việt Á dùng để hối lộ, cảm ơn hay để tặng các quan chức lãnh đạo…, bỗng nhiên “ngót” đi, từ 800 tỷ rút xuống còn 106 tỷ, chắc chắn, lý do ông Tô Ân Xô đưa ra sẽ không thuyết phục được dư luận và người dân.

Trong tội danh đưa hối lộ, tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, có quy định về tội đưa hối lộ rất cụ thể, chi tiết, và các tình tiết tăng nặng. Theo đó, số tiền hối lộ càng lớn thì hình phạt càng nặng.

Do vậy, không thể có chuyện người của Công ty Việt Á, đã thực hiện hành vi hối lộ, mà lại chấp nhận khai tăng số lượng tiền đưa hối lộ, để nhận hình phạt nặng hơn cho mình. Điều đó chắc chắn không bao giờ xảy ra.

Trước khi đại án Việt Á được đưa ra xét xử, công luận thấy rằng, việc xét xử phải công khai và thực thi đúng quy định của pháp luật. Không thể xét xử qua loa, hay tìm mọi cách để chạy tội cho các quan chức tham nhũng, như trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, Hội đồng Xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo điều kiện cho các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả, trước khi Viện Kiểm sát nghị án. Việc nộp tiền khắc phục được coi là cơ sở để cơ quan công tố căn cứ, đề xuất mức án phù hợp là không đúng.

Theo giới chuyên gia luật, tiền tham nhũng là tiền bắt buộc phải nộp lại, chứ không thể xem là tình tiết để giảm nhẹ. Không thể để tình trạng, cứ tha hồ tham nhũng, nếu bị lộ, ra tòa thì nộp lại tiền và được coi là tình tiết giảm nhẹ để được giảm án. Điều này không đúng với quy định của pháp luật, và cũng không hợp với lòng dân.

Quan trọng hơn, vào tháng 8/2023, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên, khi thông báo chỉ đạo của Đảng về phương hướng xử lý vụ án Việt Á, đã cho biết, sẽ có một nhóm được cho là “thứ yếu”, và sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hay mới đây, ngày 22/11, vẫn ông Nguyễn Văn Yên cho biết, liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, những ai nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì mới bị truy tố, xét xử. Còn người nhận ít, không vụ lợi, sẽ không bị xử lý về hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính.

Theo giới luật sư, những phát ngôn của ông Yên là biểu hiện của chủ trương “giơ cao đánh khẽ”. Việc “nhận hối lộ không vụ lợi sẽ không bị truy tố”, mục đích cuối cùng chỉ để giải cứu cho các quan chức là đảng viên cao cấp.

Công luận còn đặt câu hỏi về “Trách nhiệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – trong vụ Việt Á ở đâu?”. Khi vào tháng 3/2021, Nguyễn Phú Trọng với vai trò Chủ tịch nước, đã ký tặng Công ty Việt Á tấm Huân chương Lao động hạng Ba.

Dư luận cho rằng, tấm huân chương này là bình phong cho Việt Á lộng hành, nâng khống giá bộ xét nghiệm và chi “hoa hồng” lớn cho lãnh đạo CDC khắp 63 tỉnh thành, nên ông Trọng không thể vô can.

Vụ án Việt Á không chỉ đơn thuần là một vụ tham nhũng, không chỉ là các quan chức bắt tay nhau tham nhũng, rút ruột ngân sách nhà nước, móc túi người dân, mà nó còn có dấu hiệu thao túng, dàn dựng có hệ thống, rất bài bản, mang tính tổ chức.

Đây rõ ràng là một sự thao túng chính sách để tham nhũng, của cả hệ thống chính trị.

Trà My – Thoibao.de

23.12.2023