Ông Lưu Bình Nhưỡng là đảng viên Đảng Cộng sản. Ban đầu, Đảng cho ông Lưu Bình Nhưỡng làm Đại biểu Quốc hội như là vật trang trí cho Quốc hội bù nhìn chuyên gật theo ý Đảng. Việc làm này nhằm hai mục đích, thứ nhất là đánh lừa dân, rằng, Quốc hội cũng có ý kiến trái chiều. Thứ nhì, để cho các tổ chức quốc tế thấy rằng, Việt Nam cũng có “dân chủ”.
Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là người thiếu văn hoá như các quan chức khác. Ông là người có trình độ thật, có lý luận sắc bén, khiến cho các nhân vật tai to mặt lớn vuốt mặt không kịp. Thế là, “mưu hèn kế bẩn” được vạch ra.
Đầu tiên, Đảng loại ông Lưu Bình Nhưỡng ra khỏi vai trò Đại biểu Quốc hội khóa 15, để ông không còn phát biểu trước nghị trường về những vấn đề gai góc. Tuy nhiên, loại ông khỏi vai trò Đại biểu Quốc hội cũng không khiến ông “bị chìm”, bởi những vấn đề liên quan tới lập pháp, liên quan tới pháp luật, thì truyền thông không thể không tìm đến ông Lưu Bình Nhưỡng để phỏng vấn.
Có lần, kênh truyền hình VTC News đã phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng về việc cho người tham nhũng nộp lại tiền tham nhũng, ông đã thẳng thừng nói rằng, phải phạt, thậm chí là phạt thật nặng, chứ không thể nộp lại tiền rồi được miễn tội. Ý kiến này của ông Nhưỡng như là một cái tát vào mặt ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những kẻ muốn bịt hẳn tiếng nói Lưu Bình Nhưỡng, đã giao cho Tô Lâm dùng “mưu hèn kế bẩn” với ông. Nhưng Tô Lâm không tự ra tay mà giao cho Công an Thái Bình, quê ông Nhưỡng. Công an Thái Bình không biết gán tội gì cho ông, nên ghép đại ông với “Cường quắt” – một giang hồ bảo kê khai thác cát.
Tuy nhiên, sau khi bắt ông, cả Công an Thái bình lẫn Viện Kiểm sát Nhân dân Thái Bình đều lúng túng, không thể giải thích được ông Nhưỡng dính líu đến “Cường quắt” như thế nào. Qua đó, công luận phân tích và thấy rõ sự gian trá của nhà cầm quyền. Cho đến nay, nhiệm vụ giải thích thông suốt lý do bắt ông Lưu Bình Nhưỡng đối với Công an Thái Bình, là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi có bịa thế nào thì cũng không hợp lý, cũng đầy lỗ hổng.
Tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, diễn ra từ ngày 18 đến 20/12 vừa qua, nhận lệnh ông Tổng, ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban, đã đưa ông Lưu Bình Nhưỡng lên thớt, với quyết định khai trừ ông Nhưỡng ra khỏi Đảng, do là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đấy là cách nói theo ngôn ngữ của nhà nước Cộng sản. Còn nói theo ngôn ngữ của dân, thì ông Lưu Bình Nhưỡng bị Đảng Cộng sản khai trừ khỏi Đảng, vì dám đứng về phía dân.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng được xác định vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Không biết, Đảng kết luận ông Lưu Bình Nhưỡng “không hoàn thành nhiệm vụ được giao” là nhiệm vụ gì? Phải chăng, đấy là nhiệm vụ phải gật theo ý Đảng, và phải nói hùa theo ý lãnh đạo? Bởi ông Nhưỡng không chỉ một lần làm ông Tổng Bí thư bẽ mặt vì dốt luật, mà còn va chạm nảy lửa với công an ngay trên nghị trường. Nếu nhận xét theo góc nhìn của Đảng, thì sẽ thấy, ông Nhưỡng “bướng” không chịu gật, không chịu hùa theo Đảng.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn khẳng định rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng được xác định vi phạm Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, nhưng sau đó (ngày 26 tháng 12) Công an Thái Bình không khởi tố bổ sung tội danh này, mà lại khởi tố ông Nhưỡng đã “lợi dụng chức vụ để trục lợi hàng trăm nghìn USD”.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra có nhận xét “ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước”, có lẽ, đây là câu nhận xét thật của họ. Nếu ông Nhưỡng tung hô ông Tổng, thì ông Tổng đâu bị dư luận chê “dốt” luật? Ông Nhưỡng làm mất mặt Đảng, mất mặt ông Tổng là sự thật.
Còn những lý do, chẳng hạn như “cưỡng đoạt tài sản” dính tới Cường quắt, càng ngày càng lộ ra là các lý do ngụy tạo. Lý do chính xác là ông Nhưỡng không chịu “bưng bô” cho Đảng, cho lãnh đạo, mà lại đứng về phe dân.
Ý Nhi – Thoibao.de
26.12.2023