Bơm tiền: Nguy cơ lạm phát và thất nghiệp

Tin tức về việc nhà nước Việt Nam bơm hai triệu tỷ đồng vào nền kinh tế trong năm 2024 đang làm nhiều người lo lắng.

Tự dưng tiền nhiều sẽ làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Viễn cảnh lạm phát, giá cả sinh hoạt tăng cao, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.

Tình trạng khan hiếm hàng hóa cũng có thể xảy ra đối với một nền sản xuất èo uột. Khi không kịp đáp ứng nhu cầu tăng cao, thì giá cả lại tiếp tục leo thang.

Đáng sợ nhất là nguy cơ thất nghiệp.

Quá lo lắng, ngay cả vụ một đám đông tụ tập ở Mai Dịch, Hà Nội, hôm qua cũng làm nhiều người chột dạ, bình luận trên mạng xã hội.

Từ chuyện nhà nước “bơm tiền”

Đỗ Quang Hưng bình luận: “Cái nét văn hóa đậm đà bản sắc và cái căn tính chung của chúng ta là: Bằng mọi giá, mọi cách, cứ làm sao được sướng trước mắt đã. Còn hậu quả, hệ lụy để tính sau, ai phải chịu thì chịu, chứ chưa chắc, và không phải là chính mình hoặc một mình phải hứng chịu.”

Trên trang cá nhân, Vô Thường cho rằng: “Bơm tiền vào nền kinh tế tùy tiện là căn nguyên của lạm phát. Dân lại bị móc túi một cách gián tiếp, vì đồng tiền ngày càng mất giá. Hai triệu tỷ này rồi sẽ chảy về đâu, khi qua tay quan tham lại vơi đi một phần. Rồi sau cùng, người gánh chịu hậu quả luôn là nhân dân.”

“Phải in thôi mới có tiền trả lương nuôi cái lũ bám vào hút máu nhân dân, chứ lũ chúng nó có giỏi làm gì được có lời mà nuôi chúng nó, lũ chúng nó kinh doanh thứ gì cũng lỗ, lấy tài nguyên lên bán mà cũng lỗ thì bó tay với lũ chúng nó, lũ chúng nó sẽ bị diệt vong thôi,” là phụ họa của danh khoản Biển Xanh.

Lâm Văn Nhân viết: “Muốn biến nhân dân thành triệu phú, tỷ phú tất, đến lúc dân Việt Nam ra chợ rút một triệu… ê cho mua mớ rau, sang thật là sang.”

Đến chuyện một đám đông

Khi giá nguyên liệu tăng, các doanh nghiệp buộc phải thắt lưng buộc bụng, sa thải nhân công để giảm chi phí. Chẳng ai muốn mất việc làm trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Mạng xã hội từ hôm qua đến nay, nhiều người bàn tán về một đám đông các tài xế của nhiều hãng Taxi ở Hà Nội, “bỗng dưng tụ tập ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội”.

Vụ việc được Facebooker Mai Thanh Mai mô tả: “Chuyện là, đầu tiên có mấy anh Be ế khách quá, đậu vỉa hè buôn chuyện tiền tệ và giá vàng.

Mấy anh Grab mùa này cũng ế khách, bèn tụ vào hàn huyên luyên thuyên chuyện tết nhất và quan chức ăn triệu đô phải ra toà.

Đám đông dần, mấy anh Gojek, Shopee Food… cũng túm lại cho đủ đội hình, các anh góp vui kể cảnh sát vây bắt cướp.”

Lê Phi Long bình luận: “Nhớ câu nói của một đại biểu “cuốc hội”: “Bán vé số, chạy xe ôm không được tính là thất nghiệp”. Rồi mấy tay “lều báo”: “Làm shipper, bán trà chanh…thu nhập trăm triệu”

Trên một trang có hơn một triệu người theo dõi, người điều hành trang này viết: “Cổng nghĩa trang Mai Dịch chiều nay, hàng trăm tài xế công nghệ tập trung. Mới đầu tưởng anh em Be định innova với mấy anh Grab. Về sau thấy cả Gojek, Shopee food cũng đến tham dự.

Hỏi ra mới biết, anh em ế quá, đứng lại nói chuyện, làm kiểu ảnh. Ông khác đi qua thấy đông cũng đứng lại hóng, nên lại càng đông. Cá biệt, có mấy ông thấy tụ tập, tưởng có chốt, quay đầu chạy như thật.

Một năm khó khăn, nhiều anh em làm văn phòng không chịu được nhiệt, nhảy ra ngoài chạy xe ôm công nghệ, mà giờ chắc khách còn ít hơn tài xế.”

Không khó nhận ra, nhiều người cho rằng, “khó khăn chồng chất” trong những bình luận bên dưới status này.

Ở diễn đàn khác, có nhận định cho rằng, người dân đang có xu hướng tích trữ vàng và ngoại tệ.

Một số ý kiến lại cho rằng, bất động sản sẽ lại tăng giá. Nhưng hầu như tất cả đều thống nhất là, dân nghèo đã khổ nay còn khổ nữa.

Nguyễn Hà Hùng

Kasse animation 7.8.2023