Một khi bị rơi vào tay Tô, tất cả đều “thành khẩn nhận tội”. Lý do vì sao?

Việc bắt giam người mẫu – diễn viên Ngọc Trinh vừa qua, đã gây nên nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng, Công an Cộng sản Việt Nam đã hình sự hóa một lỗi dân sự. Hành động lái xe gây nguy hiểm của Ngọc Trinh không đến mức phải bị bắt giam, mà chỉ phạt hành chính và giữ phương tiện là đủ.

Giới chuyên hành nghề bảo kê hay dùng từ “làm luật”. Đây không phải là làm luật như những nhà lập pháp trong Quốc hội, mà từ “làm luật” ở đây được hiểu theo một nghĩa khác. Đó là cách mà những nhóm xã hội đen áp đặt luật chơi lên người khác, mà thường là những quy định phi lý, nhằm trấn lột nạn nhân. Ở Việt Nam, người dân cũng thường gọi những cảnh sát giao thông chuyên phục kích dân để phạt, bằng mọi trò bẩn, cũng là hành động “làm luật”.

Người bị “làm luật” là nạn nhân của bọn làm luật, bởi họ không có quyền lựa chọn. Hoặc phải chấp nhận luật do kẻ làm luật đưa ra, hoặc phải trả giá đắt do bọn chúng trả thù. Thường thì nạn nhân của bọn làm luật phải chấp nhận để được yên thân, để được an toàn.

Không chỉ có giới xã hội đen và cảnh sát giao thông mới là những kẻ “làm luật” với dân, mà ở đất nước này, Công an được Đảng cho phép đứng trên luật pháp. Vì vậy, họ đã tự tiện “làm luật” với dân từ bao năm qua.

Bức cung, nhục hình cũng là cách làm luật, và nó là cách “làm luật” rất phổ biến hiện nay. Công an đưa ra những lựa chọn, nếu đồng ý với những lời khai được công an mớm cho, thì ký vào biên bản và tạm được yên; nếu không đồng ý thì sẽ bị đánh cho thừa sống thiếu chết, hoặc bị báo chí và truyền hình tấn công đồng loạt, để nạn nhân không thể hòa nhập với cộng đồng vì mang tiếng xấu muôn đời.

Quay trở lại câu chuyện Ngọc Trinh bị bắt, các diễn biến cho thấy, phía Công an lạm quyền bắt bừa. Dù Công an đã cố giải thích rằng, Ngọc Trinh “Gây rối trật tự công cộng”, mà “công cộng” trong trường hợp này là “không gian mạng”. Đây là cách tự định nghĩa một cách tùy tiện, khiên cưỡng, và chắc chắn, không thể thuyết phục để dân tin.

Tuy nhiên, dù tội của Ngọc Trinh không đáng phải ở tù, nhưng cô phải chịu thua. Và trong nhiều cái thiệt do kẻ làm luật đưa ra, cô phải chọn cái thiệt ít nhất. Bất kỳ nạn nhân nào của Công an cũng thế, không riêng gì Ngọc Trinh.

Mới đây, Công an đã cho báo chí tung ra clip Ngọc Trinh nhận tội. Ngọc Trinh nói:

“Hành vi của tôi rất sai trái, lái xe không bằng lái, lái xe không đúng quy định của Luật Giao thông, biểu diễn xe với những tư thế nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến các bạn trẻ. Tôi hy vọng mọi người sẽ luôn luôn tuân thủ quy định của Luật Giao thông.”

Phải chăng, Ngọc Trinh nhận tội trước báo chí và truyền hình, thì xem như, Công an không sai?

Giữa hai lựa chọn, nếu ngoan cố thì phải trả giá cực đắt; nếu “thành khẩn” thì trả giá ít hơn, không có sự “vô tội” cho người không phạm tội nhưng đã bị công an buộc tội.

Khi nạn nhân của Công an chọn cái giá rẻ hơn, thì lúc đấy, Công an cho báo chí vào cuộc, hô toáng lên rằng, người đó đã thành khẩn nhận tội, chứng tỏ rằng, kẻ thú tội kia mới là kẻ sai, chứ không phải Công an sai.

Đây là một thủ đoạn vô cùng bệnh hoạn mà Công an Cộng sản thường dùng. Khi Công an sai, họ dùng báo chí để kết tội nạn nhân của họ, và đương nhiên, Công an phải luôn đúng.

Không phải tự nhiên mà người dân lại gọi lực lượng Công an bằng hỗn danh: “lực lượng luật là tao, tao là luật”. Chính Công an đã làm luật quá nhiều nạn nhân, và đôi khi, họ làm luật quá mạnh tay, khiến nạn nhân của họ bị chết. Trong 3 năm, từ năm 2011 đến 2014, có đến 226 người chết trong các trại tạm giữ, tạm giam. Đồng thời còn rất nhiều người khác bị chết trong đồn công an từ sau năm 2014 đến nay, nhưng không có số liệu thống kê.

Nguyên nhân của những cái chết này rất đơn giản, do Công an “làm luật” quá mạnh tay, vì cho rằng nạn nhân quá “ngoan cố”.

Với cái ác đến mức đó, ai dám ngoan cố không “thành khẩn nhận tội”?

Ý Nhi – Thoibao.de

8.1.2024

Kasse animation 7.8.2023