Chủ trương “Bắt Khế – xóa Đế chế Tư Sâu” là của ai và phe cánh chính trị nào trong đảng?

Nhiều tháng qua, kể cả thời điểm bước sang năm mới 2024, mạng xã hội râm ran tin đồn rằng, Nguyễn Công Khế – cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên – sắp bị bắt. Trước đó, thông tin cho biết, ông Khế đã nhiều lần bị Công an thành phố Hồ Chí Minh triệu tập, và ông đã bị cấm xuất cảnh.

Đầu năm 2024, trang Facebook của ông Nguyễn Công Khế vẫn gửi lời chúc mừng năm mới với bạn bè gần xa. Coi như tin đồn vẫn là tin đồn, và cũng như một sự thách thức dư luận.

Nhưng Nguyễn Công Khế đã không thể “tránh sao cho khỏi nắng”. Chiều 16/1, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với hai nguyên Tổng Biên tập báo Thanh Niên – ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông.

Lý do bắt, liên quan đến việc thực hiện Dự án tại khu đất số 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, từ năm 2008.

Báo Tuổi Trẻ ngày 16/1 đưa tin, “Bắt tạm giam ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông”.

Bản tin cho biết, ngày 16/1, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Tin này đã khiến công luận vỡ òa, đặc biệt, báo giới Việt Nam vui mừng không kém tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mắc “bạo bệnh”, như tin đồn trước đó.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là,“Tại sao, sự việc xảy ra đã hơn 15 năm, đến bây giờ mới được xử lý? Và đây có thực sự là thực thi công lý, hay chỉ là cuộc chiến phe phái trong nội bộ Đảng?”

Truyền thông nhà nước cho biết, theo cáo buộc của Công an thành phố Hồ Chí Minh:

Vào ngày 10/1/2008, báo Thanh Niên được cho là đã có chủ trương mua chỉ định khu đất kể trên của nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, để xây trụ sở tòa soạn báo Thanh Niên. Khi đó, ông Nguyễn Công Khế là Tổng Biên tập, đã ký hợp đồng hợp tác giữa Công ty Truyền thông Thanh Niên và Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, để thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên. Báo Thanh Niên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng khu đất 151 – 155 Bến Vân Đồn.”

Đáng chú ý là có sự góp mặt của VinPearl, thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã góp phần hô biến khu đất này, từ đất công sản thuộc sở hữu nhà nước, biến thành đất tư thuộc sở hữu của tư nhân, khiến nhà nước mất nhiều nghìn tỷ đồng.

Đó là lý do, ông Nguyễn Công Khế và ông Nguyễn Quang Thông bị cáo buộc gây thất thoát tài sản nhà nước.

Lâu nay, vẫn có những đồn đoán cho rằng, Nguyễn Công Khế, Huy Đức… đều là đàn em thân tín của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – tức Tư Sang.

Giới thạo tin tiết lộ, Nguyễn Công Khế có quan hệ mật thiết với ít nhất 4 đời Chủ tịch nước, từ Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, và kể cả đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Theo đó, “những chủ tịch nước này đều qua lại, gắn bó thân tình với Khế, và hiếm có một nhân vật nào mà có quan hệ được với bốn đời chủ tịch nước như vậy”.

Theo giới phân tích, việc bắt giam ông Nguyễn Công Khế được coi là sự kết thúc đế chế chính trị của cựu Chủ tịch nước Tư Sang. Đế chế này dùng quyền lực thứ 4 để thao túng và lũng đoạn nhà nước trong hàng chục năm qua. Theo đó, khi muốn “đánh” một ai đó, chưa cần Cơ quan Điều tra cung cấp thông tin, thì trên mạng đã xuất hiện nhiều các tài liệu về những mảnh đất vàng, các dự án bất động sản có liên quan đối tượng bị đánh. Điều này được cho là có sự can thiệp của ông Trương Tấn Sang.

Việc thao túng và lũng đoạn nhà nước bằng quyền lực thứ 4, được coi là hành vi cấu kết của một nhóm lợi ích, chứ không thể một cá nhân “đơn phương, độc mã” mà có thể thực hiện được. Chắc chắn phải có được sự che chắn của nhiều lãnh đạo cao cấp khác và các nhóm lợi ích khác.

Nguyễn Công Khế bị số đông đánh giá là kẻ khó ưa, và đó cũng là lý do mà một số rất đông, đặc biệt là giới báo chí Việt Nam, đã mong mỏi ngày ông Khế bị “vào lò”. Được biết, khi ông Khế còn có quyền hành, nhiều người cảm thấy sợ ông, nhưng trong tâm can thì họ căm ông Khế đến tận xương tủy.

Trở lại câu hỏi, vì sao dự án cao ốc số 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, đã có từ những năm 2008, cách đây hơn 15 năm, nhưng đến bây giờ mới lôi ra xử lý?

Câu trả lời được cho là, các cựu lãnh đạo từng một thời chống lưng cho Nguyễn Công Khế, như Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, đến nay đã hết vai trò. Còn đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thì vẫn chưa “đủ lông đủ cánh”.

Trong tất cả các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, bên thắng cuộc sẽ “tịch thu” chiến lợi phẩm để chia chác, và đây là thời điểm thích hợp nhất để tống Nguyễn Công Khế vào tù. Đồng thời, xóa sổ đế chế quyền lực của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Vì thế, mạng xã hội mới xuất hiện và lan truyền slogan:“Bắt Khế – xóa đế chế Tư Sâu”. Điều đó cho thấy, ý đồ của các cá nhân và phe cánh đang bao trùm, và thống trị quyền lực trong nội bộ Đảng hiện nay./.

Trà My – Thoibao.de

17.1.2024

Kasse animation 7.8.2023