Huệ Vương tranh thủ đánh bóng nhưng càng nổ, càng lộ mặt thật?

Tháng 7/2021, sau khi được Quốc hội khóa 15 bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tại cuộc gặp phóng viên báo chí, ông Vương Đình Huệ đã đánh giá, mỗi đại biểu Quốc hội là một kho tàng tri thức, kinh nghiệm vô giá.

Mới nhất, VnExpress ngày 10/2 đưa tin “Ông Vương Đình Huệ: “Liên tục sàng lọc, bổ sung quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa mới’”. Bản tin cho biết, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trả lời phỏng vấn báo giới, về các hoạt động của Quốc hội và những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đáng chú ý, ông Huệ đưa ra đánh giá về việc lựa chọn nhân sự đại biểu Quốc hội, rằng:

“Không để lặp lại tình trạng như khóa trước. Để làm được, các cơ quan của Quốc hội phải rà soát, sàng lọc từng năm, nhân sự cho khóa sau cần chu đáo, đầy đủ hơn khóa trước.”

Nhận định của Chủ tịch Quốc hội như vừa kể, khiến cho công luận đặt câu hỏi:

– Đại biểu Quốc hội Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là giai đoạn hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng Trọng, đều chứng tỏ là lũ “nghị gật” không hơn không kém. Tại Quốc hội khóa 15, các đại biểu Quốc hội vì dân ở những khóa trước, như Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thanh Vân… cũng đều phải “tắt đài”, không còn ai dám ho he gì ở nghị trường. Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, với các phát biểu nói thẳng, nói thật, thì bị truy tố, bắt giam, bằng các tội danh “ất ơ”, là minh chứng rõ rệt nhất.

– Nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi cho rằng, “các cơ quan của Quốc hội phải rà soát, sàng lọc từng năm, nhân sự cho khóa sau cần chu đáo, đầy đủ hơn khóa trước”, có liên quan gì đến vấn nạn tham nhũng trầm trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây? Đây là nguyên nhân đã khiến cho nhân sự của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau gần 3 năm, đã hao hụt 16 uỷ viên Trung ương, trong đó có 3 uỷ viên Bộ Chính trị. Tương tự, nhân sự đại biểu Quốc hội đầu nhiệm kỳ khóa 15 có số lượng 499 đại biểu, này đã bị loại 7 người, nên chỉ còn 492 đại biểu.

Đó là các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Nguyễn Thanh Long, Trần Văn Nam…, mới nhất là ông Trần Tuấn Anh, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bị truất ghế Đại biểu Quốc hội do “có vi phạm”, cụ thể là tham nhũng.

Vì sao, các đại biểu Quốc hội, mang danh là “nghị gật”, mà vẫn bị sa thải vì liên quan đến tham nhũng? Kể cả việc, chạy mua ghế “kho tàng kiến thức” – tức ghế Đại biểu Quốc hội với giá 30 tỷ đồng, là điều có thật trước đây.

Cho đến nay, công luận khẳng định, không ít các doanh nhân hay sân sau của các lãnh đạo cấp cao, bỏ tiền ra mua ghế Đại biểu Quốc hội, là điều hết sức phổ biến. Chứ không như lời khẳng định của ông Vương Đình Huệ mới đây, rằng “tình trạng chạy ghế Đại biểu Quốc hội để lobby chính sách không còn nữa!”

Khẳng định của ông Huệ, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đã khiến người ta nghĩ tới phát biểu “xanh rờn” của nguyên Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc:

“Chạy một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội. Giờ mời làm Đại biểu Quốc hội chuyên trách, người ta còn không muốn tham gia, vậy một cá nhân muốn vào Quốc hội để làm gì, có lợi lộc gì không?”

Dù rằng trước đó, truyền thông nhà nước đã đưa tin cho biết, khi bị bắt vào năm 2017, cựu Đại biểu Quốc hội – nữ doanh nhân Châu Thị Thu Nga, thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khai, từng chi khoảng 1,5 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng), để chạy ghế Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm đó cho biết, trong hồ sơ điều tra, có 4 bút lục lời khai của bà Nga về việc chi 1,5 triệu USD cho những ai để “chạy” Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Bà Châu Thị Thu Nga khẳng định, số tiền này đưa cho ông Nguyễn Công Cường, một doanh nhân kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội, có quan hệ rộng, để nhờ “chạy”. Nhưng tại phiên tòa, cả 2 lần bà Nga và luật sư muốn nói về lời khai này, đều bị Hội đồng Xét xử quyết liệt ngăn lại, không cho khai.

Thế nhưng, chuyện lạ đời là, bà Châu Thị Thu Nga sau đó lại phủ nhận lời khai “chạy Đại biểu Quốc hội” của mình trước đây. Trong đơn gửi cho Cơ quan Điều tra, bà Nga cho rằng: “Do bị xúc phạm, ức chế và bản thân rất mệt mỏi, tinh thần không được ổn định, nên đã khai bừa như vậy”.

Dư luận hoài nghi về thông tin này, vì cho rằng, việc “chạy” Đại biểu Quốc hội nếu có, là một trọng tội, vậy tại sao, trong quá trình điều tra, bà Nga vẫn giữ lời khai này từ đầu và rất kiên định khai đến 4 bút lục trong hồ sơ của vụ án? Thậm chí, khi ra tòa, bà Nga vẫn rất muốn nói rõ về sự việc này?

Công luận thấy rằng, những điều kể trên đã chứng minh cho thấy, Quốc hội đang tồn tại ở Việt Nam hiện nay, không do dân chúng bầu lên, thì việc Chủ tịch Quốc hội như ông Vương Đình Huệ “nói nhăng, nói cuội”, là điều dễ hiểu. Nhưng đó chỉ là sự trình diễn của nhóm danh hài, mang danh “Quốc hội Cộng sản Việt Nam” mà thôi./.

 

Trà My – Thoibao.de

11.2.2024