Thấy gì qua khẳng định “phòng ngừa từ xa” của ông Tô Lâm

Thấy gì qua khẳng định “phòng ngừa từ xa” của Tô Đại?

Ngày 13/2, RFA Tiếng Việt có bài bình luận ‘“Bộ Công an đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ” – Luật sư Đặng Đình Mạnh”.

RFA nhắc lại khẳng định của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, khi trả lời phỏng vấn với Đài truyền hình Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, ông Tô Lâm cho biết, sẽ tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ, bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở, phòng ngừa từ xa và từ sớm, những yếu tố gây đột biến, bất lợi.

RFA dẫn lời một nhà báo từ Việt Nam nhận định:

“Bây giờ, nhà cầm quyền Việt Nam lại muốn vươn cánh tay ra nước ngoài, để có thể khủng bố, bắt bớ, hoặc đàn áp những người đấu tranh ở nước ngoài… thì tôi nghĩ, việc này sẽ có những ảnh hưởng quốc tế rất lớn. Nếu như chúng ta xem lại việc bắt Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất, Đường Văn Thái, thì chúng ta thấy, nó ảnh hưởng rất lớn. Nó sẽ có những phản ứng chắc chắn từ phía cộng đồng, cũng như từ các quốc gia có người bị can thiệp từ phía Việt Nam.”

Bình luận về cách hành xử của Chính phủ Việt Nam, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, hiện sinh sống ở nước Đức, nói với RFA:

“Ông Tô Lâm không chỉ gây những tội ác trên cương vị của mình, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế trong việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và rất nhiều những người đối lập khác từ nước ngoài. Ông Tô Lâm làm như vậy thể hiện ông chưa có một chút thay đổi, vẫn quyết tâm để khi có những người đối lập ở bên ngoài Việt Nam, thì sẵn sàng vi phạm pháp luật quốc tế, để bắt cóc đưa về nước trừng trị. Đó là những điều chúng ta cần lên án.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người đang phải lánh nạn tại Hoa Kỳ vì sự trấn áp của Chính quyền Việt Nam, trả lời RFA rằng:

“Nhìn sang các quốc gia dân chủ. Lực lượng cảnh sát chỉ giữ vai trò giữ trật tự trị an là chính. Nhưng với chế độ Cộng sản, một chế độ mất lòng dân, lúc nào cũng đặt cho họ mối lo ngại về việc nhân dân sẽ phế bỏ mất quyền lực của họ. Do đó, họ buộc lòng đặt trọng tâm hoạt động của họ cao hơn trật tự trị an, đó là an ninh chế độ… Thế nên, không khó hiểu khi ông Tô Lâm đánh giá rằng “công tác bảo đảm an ninh trật tự sẽ tiếp tục đứng trước nhiều thách thức, áp lực lớn”.”

Về biện pháp bảo đảm an ninh cho chế độ, Luật sư Mạnh giải thích rằng, trước nay, Công an Việt Nam vẫn thực hiện theo truyền thống là “phòng ngừa từ xa”, bằng cách sẵn sàng ra tay “bóp nát từ trong trứng nước” với mọi biểu hiện có thể thách thức quyền lực chính trị của họ, cho dù biểu hiện chỉ mới ở dạng tiềm năng.

Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, những vụ đàn áp người nổi tiếng trên mạng xã hội, có khả năng tập hợp công chúng, thì cho dù họ chưa từng đề cập đến những vấn đề xã hội, chính trị… vẫn bị bắt giữ, cáo buộc hình sự theo cách vô pháp, bất công. Vì Chính phủ Việt Nam cho rằng, khả năng tập hợp công chúng đều là những biểu hiện tiềm năng thách thức quyền lực của chế độ, theo Luật sư Mạnh.

“Bộ Công an chỉ đang thổi phồng mối nguy hại của chế độ mà thôi, để qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Bộ Công an trong hệ thống quyền lực. Vì tuy việc chế độ bị mất lòng dân là có thật, thế nhưng, hiện nay không có bất kỳ lực lượng nào có khả năng uy hiếp sự tồn vong của chế độ để phải đặt ra vấn đề an ninh cả.”

Thế nên, khái niệm “Công an trị” vào lúc này, theo Luật sư Mạnh mới thật sự chính xác, vì không chỉ nhân dân, mà chính Đảng Cộng sản cũng đang là con tin, bị chính lực lượng Công an dọa nạt, thao túng, dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh.

 

Quang Minh – thoibao.de