Vì sao đi cao tốc Việt Nam rất nhanh „về với Bác“
Ngày 20/2, báo Tiếng Dân có bài “Sống ở Việt Nam là phải chấp nhận” của bác sĩ Võ Xuân Sơn.
Tác giả đề cập đến vụ ồn ào về cái cao tốc thắt eo. Mọi người bàn tán về cao tốc 2 làn xe, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng, ý kiến này nọ… làm tác giả nhớ câu chuyện cao tốc Nội Bài – Lào Cai khoảng 10 năm trước.
Hồi ấy, thấy nhiều người khen cao tốc này nên tác giả chạy từ trong Nam ra xem. Khi về, tác giả viết bài, chê cái đoạn 2 làn, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng. Thế là bị đập tơi bời. Thậm chí còn bị coi là phản động. Nhiều kẻ còn bảo muốn sướng thì cút sang Mỹ mà sướng, Việt Nam chỉ có thế thôi.Và từ đó, theo tác giả, Việt Nam bắt đầu có cao tốc 2 làn đường, mỗi bên 1 làn, không có dải phân cách cứng. Chẳng thấy ai nói gì. Bây giờ, cái vụ tai nạn ở cái đoạn thắt eo trên cao tốc La Sơn gì đó, mọi người ra sức đổ riệt cho Bộ Giao thông Vận tải thiết kế ra cái cao tốc thắt eo như vậy. Bộ đã chẳng bảo là cao tốc này xây đúng thiết kế, vẽ đường đầy đủ đó sao. Các bạn đừng có mà lớn tiếng kết tội họ. Khó như “thu giá” họ còn nghĩ ra được, sá gì chuyện này.
Tác giả bình luận, Việt Nam là như vậy, cao tốc Việt Nam là như vậy. Trong mọi so sánh với cao tốc các nước, cao tốc của chúng ta chỉ hơn về chi phí xây dựng, còn lại, mọi cái nó khác lắm. Đi được thì đi, thấy nguy hiểm thì đừng đi. Lái xe trên đó thì phải tập trung vô đường, đừng có mà suy luận. Đường thực tế nó thế nào thì đi thế ấy, đừng có tưởng này tưởng nọ.
Tác giả cho biết, khi đi trên đường thấp tốc, chúng ta đã quá quen với việc chuyển đổi tốc độ đột ngột, với cây cối hay dù che lấp biển báo, hoặc biển báo đặt lung tung… Chúng ta đã quá giỏi trong việc phá bẫy của mấy anh chuyên bố trí ở những đoạn như vậy để kiếm cái không phải là thiết yếu, để không bị mất tiền. Thì chúng ta cũng phải làm quen với các vấn đề của cao tốc Việt Nam, để không bị mất mạng.
Tác giả mỉa mai kết luận, sống ở Việt Nam thì phải quen với việc đó. Nếu không quen được, thì ráng chun vô mấy cái ban dự án đường cao tốc, sáng tạo thêm các cao tốc cả hai bên chỉ có 1 làn đường, thậm chí nửa làn đường cho cả hai chiều cũng được. Kiếm một mớ rồi ra nước ngoài xài cao tốc bên bển.
Cùng ngày 20/2, báo Tiếng Dân có bài “Vài suy nghĩ về cao tốc Ma-dê in Vietnam” của tác giả Mai Quang Hiền.
Tác giả cho rằng, cao tốc mà mỗi chiều chỉ có 1 làn, không dải phân cách cứng, không làn dừng khẩn cấp, thậm chí còn không có cả chỗ dừng để đi… tè, thì tốt nhất không nên gọi là đường cao tốc để tránh ngộ nhận và thất vọng, gây ảnh hưởng tâm lý.
Tác giả mỉa mai, cao tốc mà có biển báo đại khái “làn dừng khẩn cấp cách 1.500m”, tức là, thông báo rằng, còn 1.500m nữa mới đến chỗ dừng khẩn cấp. Đã gọi là “dừng khẩn cấp” rồi mà còn phải đợi gần 2km mới tới thì không khác gì bên bệnh viện có thông báo “hết giờ cấp cứu”.
Tác giả nhận xét, trên cao tốc phiên bản 1 làn mà gặp xe tải nặng dẫn đoàn, thì coi như cả đoàn phải bò theo hàng chục km. Vì đó mà người ta sinh ra ý tưởng là cứ xa xa lại làm 1 đoạn phình ra để cho các xe vượt nhau. Làm đường vượt đứt đoạn kiểu này nghe có vẻ hợp lý trên lý thuyết, nhưng lại rất bất hợp lý trên thực tế.
Tác giả phân tích, địa hình thực tế các tuyến cao tốc đều trải qua đồi núi. Các xe tải nặng khi lên dốc thì chỉ bò được với tốc độ 20 – 40km/h. Lúc này, các xe khác rất muốn vượt thì lại không vượt được. Đến chỗ được phép vượt (làn vượt phình ra) thì thường là chỗ chân dốc, địa hình bằng phẳng, lúc này, các xe tải nặng đã trở về tốc độ cao (70 – 80 km/h), các xe khác muốn vượt thì buộc phải tăng quá tốc độ cho phép, và đang chạy nhanh thì gặp ngay nút thắt cổ chai gom 2 – 3 làn thành 1 làn thì rất nguy hiểm. Và vụ tai nạn vừa rồi đã chứng minh điều đó.
Thu Phương – thoibao.de