Cuộc phản công của Ukraine khó khăn do thiếu vũ khí, Hàn Quốc cung cấp đạn đạo gián tiếp thông qua Mỹ

Hàn Quốc gián tiếp cung cấp đạn pháo cho Ukraina thông qua Mỹ

Một bản tin tổng hợp trong chuyên mục “Tạp chí thế giới đó đây” của RFI Tiếng Việt, ngày 2/3, cho biết, “Hàn Quốc gián tiếp cung cấp đạn đạo cho Ukraine thông qua Mỹ”.

RFI đề cập đến chiến sự ở Ukraine và mối đe dọa xung đột lan rộng.

Theo đó, nếu như những ngày đầu chiến tranh Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong những nguyên thủ phương Tây hiếm hoi, chủ trương đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, và nhất là không được “sỉ nhục” nước Nga, thì trong tuần vừa qua, ông đã không loại trừ khả năng, trong tương lai, sẽ đưa quân sang Ukraina, hỗ trợ Kiev chống lại Nga. Tổng thống Pháp cũng nói rõ là, lực lượng châu Âu vẫn chưa thống nhất được quan điểm về việc này.

RFI cho hay, những phát biểu được đưa ra tại một cuộc họp về viện trợ cho Ukraina, do Tổng thống Macron chủ trì ở Paris, đã nhanh chóng tạo ra làn sóng phản đối của các nước phương Tây. John Kirby – phát ngôn viên của Hội đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, khẳng định, sẽ không có bất cứ lính Mỹ nào trên lãnh thổ Ukraina. Anh Quốc cũng nhanh chóng tỏ rõ ý định không gửi quân đến Ukraine… NATO cũng bác bỏ khả năng này.

RFI cũng cho biết, những lời lẽ được ông Macron sử dụng và khẳng định là “đã cân đo đong đếm trước”, khiến chủ nhân điện Kremlin không thể không ra mặt.

Chiều 29/2, trong một bài phát biểu, Vladimir Putin đã đáp trả bằng những lời lẽ cứng rắn, nêu ra “mối đe dọa thực sự” của chiến tranh hạt nhân, nếu căng thẳng ở Ukraina leo thang. Ông chủ điện Kremlin cũng khẳng định rằng, quân đội Nga đang trên đà tiến theo nhiều hướng khác nhau. Trong khi, cách nay một năm, quân đội Nga đã buộc phải rút hỏi miền nam và đông bắc Ukraina, thì hiện nay, lực lượng của Kiev đang gặp thất bại trong cuộc phản công, và gần đây, đã để mất thành phố miền đông Avdiivka, vào tay quân Nga.

RFI tiếp tục cho hay, về viện trợ cho Ukraine, gói hỗ trợ của Hoa Kỳ vẫn bị chặn ở Hạ viện, Liên hiệp châu Âu đã cam kết giao 1 triệu đạn pháo cho Kiev, nhưng cho đến nay, chỉ thực hiện được 30%. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Cộng hoà Czech, mua đạn dược bên ngoài châu Âu để chuyển đến Kiev. Hàn Quốc là một cái tên được nêu ra, khi nước này gần đây, tăng cường ngành công nghiệp vũ khí.

Trả lời RFI Tiếng Pháp, ông Vincent Touret cho biết : “Nếu như cuộc phản công của Ukraina có thể thực hiện được, thì là vì Hàn Quốc đã chấp nhận, thông qua trung gian Mỹ, hỗ trợ cho Kiev 500.000 quả đạn pháo. Trên hết, có một ván chơi billard ở đây, vì Hàn Quốc trên thực tế có lợi nếu Nga thất bại trong cuộc xung đột ở Ukraina. Bởi vì hiện nay, Nga đang “nuôi sống” Bắc Triều Tiên, qua việc mua đạn pháo từ nước láng giềng phía Bắc và Hàn Quốc mong muốn trục Bình Nhưỡng – Kremlin bị phá huỷ”. 

RFI dẫn tin từ Nikkei Asia cho hay, trước mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đã phát triển hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ, và tìm kiếm cơ hội trong thị trường quốc tế. Chiến tranh Ukraine đã khiến đạn pháo toàn cầu bị thiếu hụt, các công ty về vũ khí Hàn Quốc đã nhanh chóng nắm bắt thị trường, đề xuất những sản phẩm không cần công nghệ cao nhưng giá cả phải chăng.

RFI cho biết thêm, vào năm 2023, Tập đoàn Hanwha Aerospace của Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ đô la, cung cấp 152 khẩu pháo tự hành cho Ba Lan, từ nay đến năm 2027. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, trong giai đoạn từ 2018 đến 2022. Mục tiêu của Tổng thống Yoon Suk Yeol là đến năm 2027, đưa Hàn Quốc lên vị trí thứ 4, chỉ sau Mỹ, Nga và Pháp.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023