Ngày 19/5, blog Gió Bấc trên RFA Tiếng Việt bình “Trung ương 9 vỡ trận: Bộ Chính trị sứt mẻ, Chính phủ xộc xệch, Quốc hội chông chênh”.
Tác giả nhận xét, rất hiếm hoi, bản tin bế mạc kỳ họp của Trung ương Đảng lại thiếu cụm từ “thành công tốt đẹp”. Đăng tin bế mạc Hội nghị Trung ương 9, hầu hết các báo chỉ nói “đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 18/5”.
Nội dung quan trọng nhất của hội nghị này là nhân sự, các nhân vật chủ chốt ai lên, ai xuống, ai bị kỷ luật như thế nào và mức độ nào? Hóa ra kết quả đúng như tin đồn, và thông tin mờ mịt càng làm người ta thất vọng.
Theo tác giả, điều quan trọng nhất, mà chủ lò – Tổng Trọng, đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc là “Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội”.
Kết quả gượng gạo của việc “dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao” là đưa Tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội. Điều đáng sợ là, kết quả này dẫn đến hình ảnh “Tứ trụ” có đến 2 tướng Công an.
Tác giả bình luận, trong Bộ Chính trị 16 người hiện nay, có đến 5 gốc Công an, 3 tướng Quân Đội. Hình ảnh đậm đặc của bộ máy Đảng trị, lại thêm Công an, Quân đội, đem lại cảm giác, từ không mấy thiện cảm đến e dè của thế giới hiện đại.
Nhìn trên góc độ lợi ích bộ máy nhà nước, thì sự bổ sung đó là lệch lạc, làm biến dạng, mất cân đối nguồn lực lãnh đạo. Điều này càng thấy rõ hơn ,với khiếm khuyết ở 2 chiếc ghế trống chưa được bổ sung.
Tác giả nhận định, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Thường trực phải là uỷ viên Bộ Chính trị. Bởi nếu Phó Thủ tướng Thường trực không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, thì cá mè một lứa, không thể điều hành. Từ sau khi ông Phạm Bình Minh bị cưa ghế, các Phó Thủ tướng còn lại đều chỉ là uỷ viên Trung ương. Hiện tượng trên bảo dưới không nghe, ngày càng rõ.
Tương tự, vẫn theo tác giả, Quốc hội có 2 uỷ viên Bộ Chính trị cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực. Như trong khóa này, ông Huệ gãy ghế thì có ông Mẫn thay ngay. Bây giờ chỉ có mỗi ông Mẫn, nhỡ từ nay đến cuối khóa, ông Mẫn gãy thì lấy ai thay thế?
Tác giả cho rằng, làm Tổng Bí thư, Trưởng tiểu ban Nhân sự 3 nhiệm kỳ, hơn ai hết, ông Trọng thuộc bài về cách tổ chức guồng máy lãnh đạo, nhưng tại sao, ông sắp ghế trật rơ, tạo ra một bộ máy xộc xệch có hệ thống như vậy?
Tác giả đặt nghi vấn: Phải chăng, đây là hậu quả cuộc đấu đá bất phân thắng bại ở đấu trường Hội nghị Trung ương 9?
Tác giả phân tích, bị mất ít nhất là 3 đàn em thân tín ở Bộ Chính trị, sức lực của Tổng chỉ đủ hất Tô lên chức mới, mà không thể thay ghế ngay tức khắc. Tổng muốn củng cố quyền lực, tăng số phiếu của phe ta, Tổng chỉ điền vào chỗ trống thêm 4 cái tên thân tín. Đưa Lương Cường lên làm Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị, Tổng lôi kéo phe Quân đội vào cuộc, sẽ dứt điểm Tô Lâm qua vụ án Xuân Cầu trước Đại hội 14?
Về phía Tô Lâm, phải ngồi vào ghế xui xẻo không như ý muốn, nhưng vẫn đạt mục tiêu “suất đặc biệt” ngồi lại nhiệm kỳ sau, là một bước tiến. Chưa đưa đàn em thân tín thay mình làm Bộ trưởng, nhưng thế lực của ông tại Bộ Công an vẫn còn rất mạnh. Có thêm vị thế mới là thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp, Tô Lâm có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn lực mới. Với thế lực đó, việc tiếp tục đốn trụ, cưa ghế các uỷ viên Bộ chính trị còn lại, vẫn có thể làm được.
Tác giả kết luận, cuộc đấu chắc hẳn còn dài, ai thắng ai còn tùy tương lai. Nhưng người bên thất bại rõ nhất là đất nước Việt, dân tộc Việt.
Trung Quốc là bậc thầy trong việc lợi dụng những khoảng trống, mâu thuẫn quyền lực trong nước, để xâm chiếm nước ta. Nay biển Đông dậy sóng, Campuchia mở cửa cho Tàu xây căn cứ quân sự, đào kinh Phù Nam. Những nguy cơ đang hiển hiện ngay trước mắt, thế nhưng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mãi đánh nhau giành ghế. Những tiếng nói bức xúc của người dân bị quy chụp lợi dụng quyền dân chủ, lật đổ chính quyền.
Ôi đất nước! Hồn thiêng sông núi hãy thấu soi!
Quang Minh – thoibao.de