Có phải quyền lực của Bộ Công an là vô giới hạn?

Ngày 31/5, Blog Nguyễn Anh Tuấn trên RFA Tiếng Việt bình luận “Thanh trừng chính trị: Vai trò giới hạn của Bộ Công an”.

Tác giả cho rằng, khi 3 trong 5 nhân vật quyền lực nhất chính trường Việt Nam, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, bị thanh trừng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Tác giả đánh giá, xét về tuổi tác, Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ phải về hưu vào đầu năm 2026, khi Đại hội 14 khai mạc. Chiếm lấy một trong những ghế Tứ trụ, là điều kiện tiên quyết để ông có thể vượt qua giới hạn tuổi tác, cho việc ở lại Trung ương một nhiệm kỳ nữa, chiếu theo Đảng quy hiện hành.

Quan trọng hơn, vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò 10 năm qua, được dư luận tin là độc quyền điều tra, đã khống chế toàn bộ chiến dịch đốt lò. Theo đó, người đứng đầu Bộ Công an – ông Tô Lâm, đương nhiên trở thành thế lực nắm quyền sinh sát trong Đảng.

Theo tác giả, chưa bao giờ công chúng thấy, Bộ Công an có nhiều quyền lực đến vậy. Với ngân sách không ngừng tăng, Bộ Công an không chỉ giới hạn trong các công tác trị an thông thường, mà còn dài tay chiếm giữ nhiều lĩnh vực, vốn thuộc cơ quan khác. Điều này tạo ra cảm giác rõ rệt của công chúng, về một xã hội công an trị ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tác giả cho rằng, đúng là ông Tô Lâm có thể ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, khi ngồi một trong những ghế “Tứ trụ”. Nhưng nếu chỉ như thế, thì ông đâu cần phải loại bỏ cùng lúc 3 trong 5 nhân vật quyền lực nhất Việt Nam.

Chưa kể, ghế Chủ tịch nước gần 10 năm nay, mang “cái dớp” khiến bất kỳ ai ngồi vào cũng gặp điều không may, bao gồm cả tiền nhiệm Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Không lẽ, ông Tô Lâm không mảy may cân nhắc?

Tác giả nhận xét, cũng có thể, như một số người nói, ông Tô Lâm chấp nhận ghế Chủ tịch nước, để nhiệm kỳ tới có thể kế nhiệm Tổng Bí thư. Nhưng cơ sở nào cho thấy ông có thể trở thành Tổng Bí thư, khi ông Trọng chưa tỏ ra bất kỳ ý định nào là sẽ bước xuống?

Nếu ông Trọng có ý định rời ghế Tổng Bí thư, vì sao, ông lại quyết định tới đây sửa Điều lệ Đảng?

Mặc khác, tác giả nêu vấn đề, sự ngộ nhận tiếp theo quan trọng hơn, liên quan đến vai trò của Bộ Công an trong chiến dịch đốt lò.

Những vụ ông Thưởng, ông Huệ, bà Mai, không phải là án tham nhũng thông thường, mà là các vụ thanh trừng chính trị, là kết quả của những tranh chấp chính trị thượng tầng. Trong cuộc chơi này, Bộ Công an không hẳn đã có nhiều quyền lực, như những gì công chúng hình dung.

Tác giả nhấn mạnh, ngay từ trước khi thâu tóm quyền hành, Tổng Trọng đã lập ra Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, mà sau này đã trở thành vũ khí chiến lược của ông.

Chẳng hạn, trong chiến dịch đốt lò, thay vì phụ thuộc vào chỉ một cơ quan, như Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Nội chính Trung ương, thì bằng cơ chế Ban chỉ đạo, ông Trọng vừa có thể điều phối hoạt động giữa các cơ quan, vừa để chúng giám sát lẫn nhau. Vừa đạt được mục tiêu “đốt lò”, mà không lo có anh “thợ lò” nào thành kiêu binh, quay lại chiếm đoạt “cái lò” của mình. Đó là lý do tồn tại của các tiểu tổ lãnh đạo.

Một vấn đề nữa mà tác giả lưu ý, đó là, trong Ban chỉ đạo của ông Trọng, không chỉ có Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính, mà còn gồm đại diện nhiều cơ quan khác. Thật khó để nói rằng, một mình ông Tô Lâm – bất luận ở vị trí Bộ trưởng Công an hay Chủ tịch nước, đều có khả năng chi phối toàn bộ Ban chỉ đạo.

Tóm lại, trong mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng – một bản sao của tiểu tổ lãnh đạo kiểu Tập Cận Bình ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an chỉ là một thành viên, và vì thế, không có khả năng chi phối Ban chỉ đạo, cũng như toàn bộ chiến dịch “đốt lò”. Người chủ lò quyền uy thực sự, và nắm quyền sinh sát các “đồng chí” trong tay, vẫn là Đảng trưởng – tức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Hoàng Anh – Thoibao.de