Vì sao Tô Chủ tịch chỉ đạo Bộ Công an bắt Huy Đức tại thời điểm hiện nay?

Đêm 1/6, tin nhà báo nổi tiếng Huy Đức – tức tức Facebooker Trương Huy San, bị khởi tố và khám xét nơi ở, đã làm chấn động mạng xã hội.

Có ý kiến so sánh, tin Huy Đức bị bắt được công luận quan tâm, ngang với việc bắt Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo giới thạo tin, đây là điều một số người, trong đó có cả bản thân nhà báo Huy Đức đã biết trước. Bởi trong chế độ này, đó là vấn đề sẽ xảy ra, chỉ là đến nhanh hay chậm mà thôi.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, lý do người ta bắt Huy Đức lúc này, có liên quan đến một số status mang tính nhạy cảm, động chạm đến một số nhân vật lãnh đạo cao cấp, như Tổng Trọng hay cựu Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Cụ thể, trong status “Những suy nghĩ không rời rạc”, viết trên Facebook cá nhân ngày 28/5; hay bài “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” trước đó ít ngày, được cho là động chạm các chính sách của Bộ Công an và Tổng Trọng.

Đáng chú ý, nhà báo Huy Đức được đánh giá là một nhân vật gây tranh cãi. Luật sư Đặng Đình Mạnh trong status, “Sao lại hồ hởi với việc Osin bị bắt?”, đã đưa ra nhận xét:

“Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là người được ông Trọng chống lưng, tôi đồng ý. Nếu các bạn cho rằng, Huy Đức là cây viết đấm đá cho phe cánh trong chế độ, tôi vẫn đồng ý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thừa nhận, Huy Đức đã không viết để “đánh” người chống lưng cho mình.”

Có ý kiến cho rằng, cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế, Huy Đức, và một số cây bút nổi tiếng nằm trong “Nhóm truyền thông” của cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – tức Tư Sang. Đầu năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Công Khế, khi đó, đã có những tin “rò rỉ”: Sau Nguyễn Công Khế sẽ là Osin Huy Đức.

Nhà báo Huy Đức vốn là dân gốc Hà tĩnh, và là đồng hương của ông Trương Tấn Sang. Ông Tư Sang là dân Đức Hòa, tỉnh Long An, nhưng có quê gốc tại xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, và là lãnh tụ tinh thần của phe chính trị Hà Tĩnh.

Nhà báo Huỳnh Văn Hoa, một đồng nghiệp của Huy Đức, tiết lộ trên trang Facebook cá nhân:

“Ngoài đời, Huy Đức thường chơi với một nhóm sĩ quan an ninh cao cấp gốc Nghệ – Tĩnh ở Sài Gòn; họ thường gặp nhau ăn sáng, vài tuần một lần, tại một nhà hàng trên đường Sương Nguyệt Anh, quận Nhất. Có thể, từ nhóm bạn đồng hương này mà Huy Đức khai thác được nhiều thông tin thuộc loại quý hiếm, mà các báo khác không có được… Nhiều người đoán rằng, chắc chắn anh sẽ bị bắt, xong, điều đó đã không xảy ra, tôi nghĩ, có phần “bảo kê” của nhóm đồng hương Nghệ Tĩnh, thậm chí ở cấp cao hơn.”

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao, Bộ Công an lại bắt Huy Đức ngay tại thời điểm này, khi cuộc chiến quyền lực trong nội bộ Đảng đang đi tới hồi kết?

Theo một số ý kiến, trong thời gian gần đây, ông Tư Sang có các chuyến đi ráo riết, vận động Tổng Bí thư và các cấp có thẩm quyền, lật lại hồ sơ vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty AVG, làm thất thoát của nhà nước hơn 7.000 tỷ. Theo đó, trong vụ AVG, tài liệu được đóng dấu “mật”, thậm chí là “tối mật” về những công văn trao đổi, giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công An, giữa ông Tô Lâm và ông Trương Minh Tuấn, được tung ra. Phía Tô Lâm định áp dụng bài cũ, với lập luận, ai là kẻ tung tài liệu “mật” này để quy tội đối thủ. Nhưng đối thủ của Tô Lâm đẳng cấp hơn, đã lập luận rằng, tại sao những tài liệu này được xếp vào loại “mật”?

Một nguồn tin từ nội bộ tiết lộ, “nếu ông [Nguyễn Phú] Trọng mà muốn xử ông Tô Lâm, thì việc đã xong từ lâu. Nhưng không bao giờ có chuyện đó, vì quyền lợi giữa ông Trọng và Tô Lâm trước đây đan xen bám chặt vào nhau.”

Hơn thế nữa, duy nhất có ông Trương Tấn Sang, người theo đuổi vụ AVG này từ nhiều năm nay, ông Tư Sang chính là người mang những hồ sơ này cung cấp cho “nhóm truyền thông” của mình, rồi tung ra các tài liệu đánh Tô Lâm. Trong đó có Nguyễn Công Khế, Trương Huy San tức Huy Đức, và một số nhân vật khác, với những bút danh lạ hoắc của “nhóm truyền thông bẩn”, như Nguyễn Văn Tung, Hoàng Việt…

Khả năng cao, nhà báo Huy Đức sẽ bị khởi tố với một tội danh nào đó, theo Điều 331 về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; hoặc Điều 117, về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, của Bộ Luật Hình sự 2015./.

 

Trà My – Thoibao.de