Năm 2006, khi lên Thủ tướng chưa lâu, ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đây được xem là thanh gươm để trừng trị tham quan của chế độ. Tuy nhiên, thanh gươm vốn vô tri vô giác, chỉ có người dùng mới biến nó thành tốt hay xấu, theo mục đích của họ. Dưới tay ông Nguyễn Tấn Dũng, thanh gươm này chỉ để bảo vệ chính ông và gia đình ông.
Năm 2012, một năm sau khi lên Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã giành lấy chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, từ tay ông Nguyễn Tấn Dũng. Giành lấy thanh gươm này, ông Trọng khôn khéo hơn ông Dũng. Ông dùng nó để đánh các phe cánh không phục tùng ông, nhưng vẫn nhân danh chống tham nhũng.
Ít nhất, cá nhân ông Trọng không dính đến tham nhũng lộ liễu như ông Dũng, nên khả năng mị dân của ông cao tay hơn. Không ít người tin rằng, ông Trọng thật lòng chống tham nhũng, và cũng không thiếu người tôn sùng ông.
Suốt nhiệm kỳ đầu (2011 – 2016), toàn bộ nội lực của ông Trọng đều dồn vào để chống lại một người – đó là Nguyễn Tấn Dũng. Đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên này, ông đã thành công.
Trong nhiệm kỳ thứ 2, từ năm 2016 đến 2021, mới là thời kỳ mà ông Trọng thực sự nắm quyền tuyệt đối. Cũng trong thời kỳ này, ông đã dựng “lò” đốt “củi”.
Thật ra, ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ nắm giữ 1 thanh kiếm Ban chỉ đạo Trung ương về phòng Chống tham nhũng, mà trong tay ông còn có nhiều thanh kiếm khác, như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban nội chính Trung ương và Bộ Công an.
Trên danh nghĩa, Bộ Công an là một bộ thuộc Chính phủ, nhưng thực tế, Bộ này không chịu sự điều hành của Thủ tướng, mà hoạt động theo phương thức khác. Bộ Công an chịu sự chi phối của Tổng Bí thư hơn. Được biết, trong Đảng uỷ Công an Trung ương, có Tổng Bí thư; và trong Ban chỉ đạo Trung ương về phòng Chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an là Phó Ban. Đấy là 2 sợi dây cương khiến cho Bộ Công an bị Tổng Bí thư điều khiển.
Nhưng đến nay, sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ngày một yếu đi. Ông vắng mặt trong hầu hết các cuộc họp của Ban Bí thư và Trung ương Đảng. Chỉ những cuộc họp tối quan trọng, ông mới xuất hiện. Sức khỏe của ông xem như sắp cạn. Ông chỉ có thể dưỡng sức, dành chút sức tàn cho những cuộc họp quan trọng.
Với sức tàn lực kiệt, thì dù trong tay ông có bao nhiêu thanh kiếm sắc bén, cũng không thể múa may như trước đây. Dù ông có nỗ lực để bám giữ quyền lực, thì thời của ông cũng sắp hết. Đây là lúc giao thời, có khả năng, quyền lực sẽ từ Văn phòng Trung ương Đảng, dịch chuyển đến Phủ Chủ tịch.
Ngày 3/6, báo chí quốc doanh đã chính thức thông tin, ông Nguyễn Duy Ngọc nhận chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Trong khi, thông tin này đã rò rỉ trên mạng xã hội trước đó ít ngày.
Như vậy, Ban Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, giờ đây đã có tướng của Tô Lâm nhảy vào. Khả năng cao là ông Nguyễn Duy Ngọc sẽ vào Bộ Chính trị ở nhiệm kỳ sau. Lúc đó, thế lực Hưng Yên lại càng được củng cố hơn.
Từ năm 2023 trở về trước, ông Trọng nắm quyền làm chủ ở sàn đấu thượng tầng chính trị. Lúc đó, tất cả quyền lực trong Đảng đều tập trung vào tay ông.
Giờ đây, ông Trọng đang mất dần vai trò “chủ soái” tại chốn cung đình, và quyền lực đang dần dịch chuyển, tuột khỏi tầm kiểm soát của ông. Những thanh kiếm sắc bén từng đem lại uy lực cho ông, giờ đây đang dần trở thành những “vật trang trí”.
Nếu ông Tô Lâm thành công bố trí ghế Bộ trưởng Bộ Công an cho Lương Tam Quang, thì lúc đó, xem như Tô Lâm hoàn toàn đoạt kiếm từ tay ông Tổng.
Thực tế, thời của ông Tổng đã xuống dốc, và tình thế này không thể đảo ngược. Sức khỏe thể chất của ông, và cả sức khỏe chính trị, đều đang yếu đi trông thấy. Lẽ ra, ông nên buông bỏ quyền lực để dưỡng già thì tốt hơn. Nếu ông vẫn quyết bám vào quyền lực, nhưng mất khả năng tự quyết, thì có khi, sự nghiệp chính trị của ông sẽ kết thúc không được tốt đẹp.
Trần Chương – Thoibao.de