Luật cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế, là sự lạm quyền của Tô Đại để hành dân?

Trong những năm gần đây, dư luận xã hội hết sức bức xúc trước tình trạng công an lộng hành, dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm.

Mới nhất, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua luật gây tranh cãi, đó là cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Đây là một chính sách, mà dư luận xã hội ở Việt Nam đa số không đồng tình.

Báo Tuổi Trẻ ngày 27/6 đưa tin, với tiêu đề “Quốc hội “chốt” cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế”. Bản tin cho biết, sáng 27/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, với 388/450 đại biểu Quốc hội có mặt, biểu quyết tán thành (bằng 79,84% tổng số đại biểu Quốc hội). Trong đó có 32 đại biểu không tán thành, 30 đại biểu không biểu quyết.

Việc có một số lượng không nhỏ các đại biểu Quốc hội có mặt tại nghị trường đã biểu quyết không tán thành, cũng như không biểu quyết, để thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trong đó cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế – là một sự bất thường, trái với thông lệ, Quốc hội vốn chỉ là một cơ quan của các “nghị gật”.

Bất kể việc trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nêu rõ, chính sách này chỉ là sự tiếp nối các quy định trong Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, và Luật về Phòng tránh tác hại của Rượu, Bia, nhưng nhiều đại biểu vẫn tỏ ra không đồng tình với luật này.

Chiến dịch cấm lái xe uống rượu tại Việt Nam bắt đầu vào năm 2020. Lúc đầu, với Nghị định 100, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe tham gia giao thông. Theo giới quan sát, biện pháp này đã gây tranh cãi và dẫn đến mức tiêu thụ rượu, bia giảm hẳn, ở mức dưới 2 con số vào năm 2023, và tiếp tục giảm ở mức trung bình một con số, từ đầu năm đến nay.

Cụ thể, truyền thông nhà nước xác nhận:

Hãng bia Sabeco với nhà máy bia lớn nhất Việt Nam, báo cáo lãi ròng năm 2023 giảm hơn 21%, so với năm trước đó, còn 4,12 ngàn tỷ đồng. Và Công ty Heineken Việt Nam đã dừng hoạt động một nhà máy tại Quảng Nam”, mà một trong những lý do được đưa ra là vì tác động của Nghị định 100.

Ban đầu, việc chính quyền Việt Nam đưa ra chính sách cấm người lái xe có hơi men, đã được công luận đa số đồng tình, nhất là việc lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý quyết liệt đối với các lái xe say xỉn. Nhưng theo quy định của Luật Giao thông Đường bộ lúc đó, cũng không cấm tuyệt đối nồng độ cồn 0% khi lái xe.

Tuy nhiên, sau đó Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), với việc cấm uống rượu bia khi lái xe, một lần nữa được đưa vào luật. Cụ thể, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nhưng, các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, không thống nhất.

Đặc biệt, ngày 11/6, tại phiên họp thứ 34, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban này đã cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Công an. Theo đó, “lực lượng Cảnh sát Giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách nhà nước”. Dù rằng, đề xuất này đã được Chính phủ trình Quốc hội hồi đầu tháng 3/2024, nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ.

Sau đó, đến ngày 22/5, sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước, thì Chính phủ tái đề xuất, đưa nội dung này trở lại dự thảo, để trình Quốc hội thông qua.

Công luận thấy rằng, việc mới đây, Quốc hội thông qua, cho phép Bộ Công an được hưởng tới 70 % tiền phạt, tức là, nhà nước mặc nhiên cổ vũ và khích lệ việc xử phạt. Đó là hành vi “coi người dân là con bò sữa”. Đồng thời, yêu cầu Bộ Công an chấm dứt các hành vi kiếm chác thông qua các chính sách, bằng pháp luật?

Công luận hy vọng, Chủ tịch Tô Lâm hãy chỉ đạo Bộ Công an, dành thời gian và nhân lực để tham gia kiểm tra tài sản của các quan chức nhà nước, mà cũng quyết liệt như kiểm tra nồng độ cồn, thì dân sẽ hết sức ủng hộ./.

 

Trà My – Thoibao.de