Dấu ấn Nguyễn Phú Trọng

Ngày 20/7, BBC Tiếng Việt có bài nhìn lại dấu ấn “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ngoại giao cây tre”, “Đốt lò” và quyền lực”.

BBC đánh giá, 3 vấn đề trên là những di sản nổi bật của Tổng Trọng.

Theo đó, “Ngoại giao cây tre” được đánh giá là di sản nổi bật về đối ngoại của ông.

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy hình tượng cây tre – vừa cứng chắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt – để định hình đường lối ngoại giao đa phương, uyển chuyển của Việt Nam.

BBC điểm lại các hoạt động ngoại giao của ông Trọng, thể hiện tính chất “cây tre” nói trên:

  • Ngày 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm Hà Nội và hội đàm với Tổng Trọng.

Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã lên tiếng:

“Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình.”

  • Ngày 12 và 13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện, thăm cấp nhà nước tới Việt Nam. Dịp này, 2 nước đã nhất trí xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”.
  • Ngày 10 và 11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Trọng. Dịp này, 2 bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
  • Năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đóng vai trò nước chủ nhà, của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn. Ông Trump đã gặp ông Trọng trong dịp này.
  • Ngày 7/7/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phá vỡ thông lệ, tiếp Tổng Trọng tại Phòng Bầu Dục. Từ tiền lệ này, ông Trọng đã có nhiều hoạt động với vai trò nguyên thủ quốc gia trên thực tế.
  • Tháng 9/2015, Tổng Trọng thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên, sau khi Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, năm 2014.

Tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.

  • Ngày 22 và 23/1/2013, Tổng Trọng thăm chính thức Vương quốc Anh, kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh và 3 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa đôi bên.

Theo BBC, “đốt lò” – chiến dịch chống tham nhũng làm trong sạch Đảng, được coi là một trong những di sản nổi bật của ông Trọng về đối nội.

BBC nhắc lại, ngày 20/3, ông Võ Văn Thưởng được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, bao gồm chức Chủ tịch nước. Đây được coi là một trong các cơn “địa chấn chính trị” tại chính trường Việt Nam, khi mà ông Thưởng từng được coi là nhân vật thân thiết với ông Trọng, và có sự nghiệp chính trị hứa hẹn.

Chỉ tính riêng năm 2024, có tới 5 ủy viên Bộ Chính trị đã phải thôi chức, liên quan tới các vấn đề kỷ luật. Trong khóa 13, có 7 ủy viên Bộ Chính trị thôi chức.

BBC nhận xét, nỗ lực làm trong sạch Đảng của ông Trọng, đã dẫn đến những biến chuyển chưa từng có về nhân sự.

Chiến dịch này đã khiến nhiều cán bộ cấp cao của Đảng bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Vẫn theo BBC, Tổng Trọng được coi là một trong những nhà lãnh đạo có quyền lực bao trùm nhất tại Việt Nam, từ trước đến nay.

Ông giữ chức Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp (11, 12 và 13).

Điều này trái với Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội 11 vào năm 2011, quy định: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.”

BBC cho biết, từ vị thế bị coi là không nổi bật bằng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Trọng đã dần kéo quyền lực từ phía Chính phủ sang phía Đảng Cộng sản.

BBC dẫn hồi ký của cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Việt Nam, kể rằng, hồi mới nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, ông đã được nghe hầu hết các nhà quan sát đánh giá, ông Nguyễn Tấn Dũng đang lên và ông Trọng sẽ dần biến mất sau Đại hội 12 của Đảng, vào tháng 1/2016.

Tuy nhiên, sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải rời chính trường tại Đại hội 12, được coi là một bước ngoặt quan trọng, cho thấy tài thao lược của ông Trọng trên chính trường. Từ thời điểm đó, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực.

 

Minh Vũ – thoibao.de