Ngày 30/7, BBC Tiếng Việt có bài: “VinFast công bố sai sót kế toán khiến doanh thu 2023 bị thổi phồng”.
Theo đó, hôm 29/7, nhà sản xuất xe điện VinFast gửi một văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, thông báo, họ đang điều chỉnh lại báo cáo tài chính năm 2023, do lỗi kế toán.
BBC cho biết, cũng vào ngày 29/7, trong thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của VinFast Mỹ, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, doanh thu bán hàng trong năm tài chính 2023, đã bị thổi phồng 33,9 triệu USD, vào khoảng 2,8% tổng doanh thu đã báo cáo trước đó.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và phân phối cũng như khoản lỗ ròng của công ty, lần lượt bị phóng đại lên lần lượt 6,1 triệu USD và 1,8 triệu USD.
Thông cáo của VinFast cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu bị thổi phồng là do, “những sai sót kế toán, được xác định từ một cuộc đánh giá nội bộ định kỳ của công ty”.
Con số vượt hơn này bao gồm 454 xe hơi điện, và 2.192 xe máy điện, bán cho Công ty taxi GSM, mà ông Vượng sở hữu 95%, được xuất hóa đơn trong năm tài chính 2023, nhưng việc giao hàng được bắt đầu vào năm 2024.
Do đó, doanh số bán hàng này dẫn đến doanh thu của VinFast trong năm tài chính 2023, đã bị thổi phồng khoảng 17,2 triệu USD.
Ngoài ra, còn có 205 chiếc xe hơi điện được bán cho một bên thứ 3 tại Việt Nam, và ghi nhận doanh thu cho năm tài chính 2023, lẽ ra cũng không được ghi nhận vào năm tài chính năm 2023.
VinFast cho hay, chỉ riêng 205 xe hơi điện này khiến doanh thu của VinFast bị phóng đại khoảng 10,5 triệu USD, trong năm 2023.
BBC tiếp tục dẫn thông cáo của VinFast cho biết, một khoản nữa cũng cần điều chỉnh, là chính sách hậu mãi cho khách hàng, đã được tính vào năm 2023, gắn liền với doanh thu bán xe.
Như vậy, hãng xe điện của ông Vượng sẽ giảm khoảng 6,1 triệu USD, từ doanh thu bán hàng và phân phối.
VinFast nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh này không ảnh hưởng đến khoản lỗ ròng của năm tài chính 2023.
Tuy nhiên, trên trang web của VinGroup không đăng bất kì thông tin gì về sai sót này. Truyền thông Việt Nam cũng không có thông tin gì về báo cáo này.
Theo BBC, trong một báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap cho biết, tính đến cuối quý 2/2024, Tập đoàn VinGroup và ông Vượng, đã hoàn thành các khoản giải ngân trong khuôn khổ thỏa thuận, thông báo vào tháng 4/2023.
Thỏa thuận này bao gồm khoản tài trợ 1 tỷ USD của ông Vượng và khoản tài trợ 500 triệu USD của VinGroup, sẽ được giải ngân cho VinFast trong 12 tháng.
Vẫn theo BBC, trong Đại hội Cổ đông thường niên vào cuối tháng 4/2024 của VinFast, ông Vượng tuyên bố, từ năm 2026, VinFast sẽ có được dòng tiền dương.
BBC trích dẫn một hãng tin quốc tế, trong cuộc phỏng vấn với ông Vượng vào tháng 6/2024, cho biết, ông khẳng định, dù VinFast chưa có lãi, song ông sẽ tiếp tục hỗ trợ VinFast cho đến khi nào “hết tiền”.
Từ năm 2017 tới hết quý 1/2024, VinGroup, các công ty liên kết, và các bên cho vay, đã cung cấp cho VinFast khoảng 12,9 tỷ USD, để trang trải chi phí hoạt động và chi phí vốn.
Không chỉ tài trợ tiền mặt, tháng 10/2023, tỷ phú Vượng đã tặng 99,8% cổ phần của Công ty Cổ phần Giải pháp Năng lượng VinES, cho hãng xe điện VinFast. VinES là công ty thành viên của VinGroup có tổng vốn pháp định 6.500 tỷ đồng.
BBC tiếp tục cho hay, mới đây, vào giữa tháng 7/2024, VinFast thông báo, đã quyết định dời việc khánh thành nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở bang Bắc Carolina, Mỹ, sang năm 2028, so với thời điểm 2025 theo kế hoạch ban đầu. Hãng cũng hạ mục tiêu bán hàng cả năm, từ mức 100.000 chiếc ô tô xuống còn 80.000, trong bối cảnh thị trường xe điện toàn cầu bất ổn.
Tổng cộng, VinFast đã bán được 21.747 ô tô điện trong nửa đầu năm 2024, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ bằng 1/4 so với mục tiêu mới của cả năm.
Ý Nhi – thoibao.de