Phải chăng Tô Tổng mua bằng Tiến sỹ luật? Và mua của trường nào?

Thông tin trên báo chí nhà nước cho biết, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm có bằng Đại học An ninh Nhân dân, và bằng Tiến sĩ Luật học. Tuy nhiên, trong phần tóm tắt tiểu sử, thì chỉ ghi giai đoạn ông học Đại học An ninh, từ tháng 10/1974 đến tháng 7/1979. Sau đó là quá trình công tác liên tục của ông trong ngành Công an, cho đến ngày 22/5/2024, là ngày Tô Lâm lên Chủ tịch nước, và tiếp đó là Tổng Bí thư.

Ngoài 2 bằng kể trên, ông Tô Lâm còn có bằng Lý luận Chính trị cao cấp và bằng C tiếng Anh. Hai bằng này có thể được học ngoài giờ hành chính, nên theo lý thuyết, ông Tô Lâm có vừa học, vừa công tác tại cơ quan. Tuy nhiên, đối với bằng tiến sĩ thì không thể có chuyện vừa học vừa làm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục thì, “đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó, khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học, được xác định là tập trung toàn thời gian”.

Như vậy, để có bằng tiến sĩ, ông Tô Lâm phải có thời gian từ 3 đến 4 năm nghiên cứu, học tập toàn thời gian, chứ không thể “vừa học vừa làm”. Nếu đi học tiến sĩ, thì không có thời gian để đi làm, và ngược lại.

Vậy, từ tháng 7/1979, khi Tô Lâm tốt nghiệp Đại học An ninh, ông không có thời gian nào nghỉ làm để đi học, thì làm sao ông lấy được bằng tiến sĩ luật? Như vậy, có thể kết luận, bằng tiến sĩ luật của Tô Tổng có được không phải bằng thực học. Vấn đề là có phải ông Tô Lâm mua bằng, nghĩa là không đến trường ngày nào, hay học giả bằng thật như nhiều quan chức khác? Về bản chất, thì cả 2 cách này cũng đều là mua bằng, chỉ là cách thức mua khác nhau.

Nếu đã là bằng mua, thì người ta có thể mua ở bất kỳ thời gian, mà người mua muốn.

Câu hỏi được đặt ra là, trường nào đã bán bằng cho Tô Tổng?

Để tìm ra trường nào đã bán bằng tiến sĩ luật cho Tô Tổng, thì chỉ cần dùng phương pháp loại suy. Phương pháp này khá đơn giản nhưng hiệu quả.

Cho đến nay, ngoài trường Đại học Luật Hà Nội, thì chưa có trường nào cấp bằng tiến sĩ luật. Như vậy, nếu Tổng Bí thư Tô Lâm mua bằng, thì chỉ có thể mua từ trường này, chứ không thể là trường nào khác.

Đại học Luật Hà Nội vốn khoác lên mình chiếc mặt nạ là trường luật uy tín của Việt Nam, cho tới khi bị phanh phui vụ “bán bằng” cho Vương Tấn Việt – tức Thượng tọa Thích Chân Quang. Hiện nay, vụ bằng Tiến sĩ Luật của ông Vương Tấn Việt, đã bị Bộ Giáo dục và cả trường Đại học Luật Hà Nội cố dìm cho chìm xuồng. Bất chấp việc dư luận đã đưa ra đủ bằng chứng, cho thấy, Đại học Luật Hà Nội bán bằng, chứ không hề đào tạo bài bản cho ông Vương Tấn Việt.

Thời gian ông Vương Tấn Việt học chương trình thạc sĩ bổ sung, và cả chương trình tiến sĩ, đã được Đại học Luật Hà Nội phù phép, cho phù hợp trong 2 năm – trùng hợp với thời gian dịch Covid hoành hành. Tuy nhiên, một nhà khoa học đã thu thập bằng chứng cho thấy, thời gian này, ông Vương Tấn Việt đi khắp Việt Nam hoạt động tôn giáo. Ông không hề đi học tập trung toàn thời gian, như luật bắt buộc.

Từ vụ Vương Tấn Việt đã phơi bày ra nhiều điều bất cập của Đại học Luật Hà Nội. Khi vụ việc này bị lộ, thì cả bộ máy chính quyền đều ém nhẹm đi, bởi vì có nguyên nhân của nó.

Theo đánh giá của một nhà phân tích, thì nguyên nhân của việc chính quyền ém nhẹm này, không phải để bảo vệ cho ông Vương Tấn Việt, mà bảo vệ cho Đại học Luật Hà Nội. Bởi trường này, không chỉ bán bằng cho ông Vương Tấn Việt, mà còn bán bằng cho nhiều người khác, đặc biệt là các quan chức cấp cao.

Nếu Tô Tổng là khách mua bằng của Đại học Luật Hà Nội, thì chắc chắn, hàng triệu tiếng nói của người dân về vấn đề này đều sẽ bị đè bẹp. Cái sai của Đại học Luật Hà Nội sẽ được bảo vệ, bởi đó chính là cách bảo vệ nguồn gốc tấm bằng tiến sĩ luật mua, của ông tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam!

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de