Ngày 12/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Việt Nam: Cạnh tranh nội bộ khiến lãnh đạo lơ là trước các thách thức của đất nước?”.
Theo đó, Tổng Trọng qua đời để lại khoảng trống quyền lực. Hiện Tô Tổng kiêm nhiệm 2 vị trí, nhưng đây được cho là phương án tạm thời.
Giới quan sát dự kiến, từ đây tới Đại hội Đảng 14, cuộc đua vào vị trí Tổng Bí thư sẽ ngày càng khốc liệt.
BBC dẫn nhận xét của Giáo sư Jonathan London, người Mỹ, cho rằng, Việt Nam từng có ông Trọng kiêm nhiệm Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Nhưng “sắp tới, Việt Nam sẽ có Đại hội Đảng, thì sẽ quay lại thể chế cũ, tức Tứ trụ riêng biệt”.
BBC trích dẫn một hãng tin quốc tế cho biết, Việt Nam đang trong thời điểm quan trọng, khi hưởng lợi từ chính sách của các doanh nghiệp, về đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những biến động chính trị đã phần nào gây lo ngại cho giới đầu tư, nhất là khi các quan chức cấp cao, có cả thành viên Bộ Chính trị và Tứ trụ, mất chức mà không có lý do cụ thể được nêu.
BBC chỉ ra, từ đầu năm 2024 tới nay, Việt Nam đã chứng kiến những chuyến biến nhân sự “chưa từng có”, với một loạt uỷ viên Bộ Chính trị “xin thôi chức”, như Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; và Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Ngày 19/7, với sự ra đi của Tổng Trọng, Bộ Chính trị mất thêm một ủy viên nữa. Như vậy, 3 vị trí trong Tứ trụ đã thay đổi so với đầu khóa. Những sự kiện kể trên được cho là “cơn địa chấn chính trị” chưa từng có ở Việt Nam.
BBC dẫn lời Giáo sư Jonathan London, từ Mỹ, cho biết, ông không hạ thấp tầm quan trọng của vấn đề nhân sự, nhưng điều ông quan tâm hơn là, giới lãnh đạo hiện tại, làm thế nào để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.
“Trong thời gian tới, Việt Nam phải đối phó với những sự thay đổi to lớn, trong đó có việc chuyển sang năng lượng xanh, chuyển từ một xã hội nông nghiệp sang công nghiệp công nghệ cao, công nghệ bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp trong hệ thống giáo dục”, Giáo sư London nói.
Theo ông London, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre”, để có mối quan hệ tốt với tất cả các nước. Điều này giúp Việt Nam giữ được độc lập, chống lại những yêu sách phi lý và bất hợp pháp của Trung Quốc, trong khi vẫn giữ gìn được mối quan hệ tốt với họ.
BBC cho biết, trong lịch sử Việt Nam, chưa từng có Tổng Bí thư nào xuất thân từ công an như ông Tô Lâm, trong khi Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng phục vụ cho quân đội.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện cũng có tới 5 nhân sự xuất thân từ công an, gồm các ông: Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Nguyễn Hòa Bình, Phan Đình Trạc và Nguyễn Văn Nên. Điều này dấy lên nỗi lo về một nền chính trị công an trị.
BBC dẫn nhận định của nhà nghiên cứu David Hutt, từ Viện Trung Âu về Nghiên cứu châu Á, cho rằng, ông Tô Lâm thiếu kinh nghiệm về đối ngoại là điều không bàn cãi, nhưng chủ yếu là vì ông ấy chưa có cơ hội cọ xát.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, khi mới nhậm chức vào năm 2012. Vì vậy, ông Tô Lâm có thể học hỏi qua thực tiễn công việc, như hầu hết các đời tổng bí thư đều làm.”
Tuy nhiên, trong thời gian làm Tổng Bí thư suốt 3 nhiệm kỳ, trái với Điều lệ Đảng, ông Trọng đã can thiệp sâu vào chính sách đối ngoại lẫn công việc của Chính phủ, điều mà các đời tổng bí thư trước ít nhúng tay vào.
Ông David Hutt đánh giá, ông Tô Lâm cũng có thể sẽ dấn thân nhiều hơn vào ngoại giao – đây sẽ là “một vấn đề đối với ông Tô Lâm”.
Hoàng Anh – thoibao.de