Lật lại hồ sơ sai phạm ở Bộ Công thương, Tổng Bí thư Tô Lâm tính toán điều gì?

Theo giới quan sát, Tô Tổng đẩy mạnh công cuộc “đốt lò”, như một thứ vũ khí để thanh trừng đối thủ, với mục đích giành những chiếc ghế “lắm bạc, nhiều tiền” cho đàn em nắm giữ.

Vụ xử lý cựu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh là một ví dụ. Trên danh nghĩa, ông Khánh mới chỉ bị kỷ luật về mặt Đảng, Thủ tướng chưa ký quyết định bãi chức. Nhưng Thứ trưởng Bộ này, bà Nguyễn Thị Phương Hoa – một đồng hương Hưng Yên của Tô Lâm, đã được “ưu ái” bố trí vào vị trí điều hành Bộ.

Truyền thông nhà nước ngày 12/8 đồng loạt đưa tin: “Bộ Công an yêu cầu EVN cung cấp hồ sơ 32 dự án điện gió, điện mặt trời”. Bản tin cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, cung cấp thông tin tài liệu, về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời, tại nhiều địa phương, nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương.

Bộ Công an cho biết, vụ án xảy ra tại Bộ Công thương rất phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Kết quả điều tra bước đầu xác định, Bộ này đã sai phạm trong tham mưu cho Thủ tướng, ban hành quy định, chính sách, trái với nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, trái quy định pháp luật, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trước đây, Cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can là cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, và khởi tố bị can, bắt tạm giam, đối với ông Hoàng Quốc Vượng – cựu Thứ trưởng Bộ Công thương. Theo giới quan sát, đây là những chỉ dấu cho thấy, một số lãnh đạo và cựu lãnh đạo Bộ Công thương sẽ bị gọi tên. Khả năng cao, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh sẽ bị hồi tố.

Cách đây không lâu, khi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bị khởi tố bắt giam, ông Trần Tuấn Anh đã bị cơ quan Công an mời làm việc, để làm rõ về những sai phạm thời ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương.

Trước đây, công luận đã nhiều lần yêu cầu xử lý cựu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đương kim Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Giới thạo tin cho biết, kẻ đứng sau “giật dây” và chỉ huy nhóm lợi ích điện lực, chính là ông Trần Tuấn Anh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào tháng 12/2023 đã kết luận, những sai phạm của ông Trần Tuấn Anh “gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của nhà nước”.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, tháng 1/2024, khi nhắc đến một số vụ án lớn trong lĩnh vực điện, xăng dầu của Bộ Công thương, Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an khi đó, cho biết, có tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu bắt tay nhau, để nâng giá một số vật tư, thiết bị điện lên đến 300%, khiến giá điện tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đây là lý do vì sao, đầu năm 2024, công luận đã yêu cầu lãnh đạo Đảng và nhà nước phải xử lý ông trùm “nhóm lợi ích điện lực” Trần Tuấn Anh, để lấy lại lòng tin của người dân với Đảng. Tuy nhiên, bất chấp sai phạm của ông Tuấn Anh trầm trọng đến mức nào, chỉ cần ông Tuấn Anh “có nguyện vọng xin thôi các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu”, thì Trung ương Đảng liền vui vẻ chấp nhận.

Trên mạng xã hội không ít lần rộ tin đồn, ông Trần Tuấn Anh sẽ bị khởi tố, bắt giam. Song, giới thạo tin khẳng định, Trần Tuấn Anh là con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, là ân nhân, người đã giúp cho ông Trọng trở thành Tổng Bí thư ở nhiệm kỳ đầu tiên, nên sẽ bình an vô sự.

Công luận cho rằng, ghế Bộ trưởng Bộ Công thương là vị trí hái ra tiền. Trước đây, có đồn đoán rằng, đương kim Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên được nhạc phụ Trần Văn Sen bỏ ra hàng tạ vàng để mua chiếc ghế này.

Do đó, việc Bộ Công an lật lại hồ sơ những sai phạm ở Bộ Công thương, không chỉ hồi tố ông Trần Tuấn Anh, mà Bộ trưởng Diên chắc chắn cũng sẽ liên lụy. Và có khả năng, ông Diên sẽ mất ghế Bộ trưởng, để đàn em của Tô Tổng vào tiếp quản.

 

Trà My – Thoibao.de