Tướng Lương Cường tháo chạy, hay bị Tô Lâm đẩy lên ghế “ma ám”?

Hội nghị Trung ương bất thường chiều 16/8, là cuộc họp bất thường thứ 2 dưới thời Tô Lâm.

Hiện ông Tô Lâm đang nắm giữ 2 chức vụ, là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Ghế Chủ tịch nước lâu nay vẫn bị xem là hữu danh vô thực, không có thực quyền, và không thể tự bảo vệ mình. Chỉ riêng Tô Lâm có thực quyền khi ngồi ghế này, bởi ông nắm được Bộ Công an.

Một nguồn tin cho thoibao.de biết, Tướng Lương Cường sẽ nắm chức Chủ tịch nước. Lẽ ra, ông Cường đã nhận chức này từ Hội nghị bất thường lần trước, nhưng ông Tô Lâm quyết không nhả. Tuy nhiên, giờ đây, Tô Lâm lại quyết định buông bỏ chức này, có lẽ vì bị dư luận lên án. Hơn nữa, giao ra chức này, thì quyền lực của ông vẫn không hề suy giảm.

Ở Bộ Quốc phòng, ông Lương Cường dưới cơ Bộ trưởng Phan Văn Giang. Tại Đại hội 13 năm 2021, dù được ông Trọng hậu thuẫn, nhưng Lương Cường vẫn thua Phan Văn Giang trong cuộc đua vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì thế và lực của ông Cường trong quân đội không đủ mạnh, nên ông Trọng không thể kiểm soát được quân đội, dù ông là Bí thư Quân ủy Trung ương.

Tướng Lương Cường chỉ mới rời Bộ Quốc phòng vào tháng 5 vừa qua, khi ông được ông Trọng giao cho chức Thường trực Ban Bí thư. Ông Cường ở Ban Bí thư chưa lâu thì ông Trọng mất và Tô Lâm lên thay.

Tô Lâm là kẻ phản nghịch ông Trọng, nên sẽ khó có chuyện ông dùng lại những nhân sự do ông Trọng sắp đặt. Vì vậy, khả năng Tướng Lương Cường bị thay thế là rất cao. Cách hay nhất là đẩy ông sang ghế Chủ tịch nước, để ông có chút danh nhưng lại không đủ thực quyền, để tham gia những trận đấu sinh tử trên chính trường.

Sau khi Tướng Lương Cường rời Bộ Quốc phòng, thì cấp phó của ông là Thượng tướng Trịnh Văn Quyết lên thay. Ông Quyết được xem là người được Tô Lâm ủng hộ. Giờ đây, khi Tướng Cường chuẩn bị rời Ban Bí thư, thì Tướng Quyết lại vào Ban này. Cả ông Trọng và ông Tô Lâm đều rất chuộng việc dùng tướng lĩnh để tạo bộ khung cho Ban Bí thư, nhưng Tô Lâm không muốn dùng lại Tướng của ông Trọng, nên muốn đưa Tướng Quyết lên.

Có thể nói, lực lượng thân Lương Cường trong quân đội không mạnh, và lực lượng dưới trướng ông trong Ban Bí thư chưa hình thành. Như thế, khi Tướng Cường lên chiếc ghế bị xem là “xui xẻo”, thì liệu ông có ngồi đó được bền lâu hay không?

Xem ra, Tướng Lương Cường lúc này không có lựa chọn. Ở Ban Bí thư thì dưới quyền Tô Lâm, gần như làm gì cũng vướng. Lên ghế Chủ tịch nước thì mất khả năng tự vệ. Tuy nhiên, nếu chịu an phận ở ghế Chủ tịch nước, không tham gia tranh cướp quyền lực, không giật dây nhóm này nhóm kia, thì cũng là cách tự bảo vệ.

Vị trí Thường trực Ban Bí thư là vị trí thứ 5 trong Bộ Chính trị, thời ông Trọng thì nhóm lãnh đạo chủ chốt chính là 5 vị trí này, được xem là “Tứ trụ + 1”. Do đó, nếu chuyển Tướng Lương Cường đi, thì chỉ có thể chuyển lên, chứ không thể chuyển xuống. Vì vậy, việc ông Tô Lâm nhường lại ghế Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, là giải pháp hợp lý nhất.

Vị trí Thường trực Ban Bí thư rất quan trọng. Nếu đẩy Tướng Lương Cường đi, thì hiện Tô Lâm chưa có nhân sự để trám vào. Vậy nên, vị trí này chắc chắn sẽ được trám bởi một trong số những người cũ – những người đã được ông Trọng lựa chọn.

Đẩy được Tướng Lương Cường đi, Ban Bí thư sẽ có thêm chỗ trống, và đó là cơ hội để Tô Lâm bố trí cho thuộc hạ của ông, trong khi đó, quyền lực của ông vẫn không bị ảnh hưởng gì.

Còn về Lương Cường, ông ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước mà không có phe cánh đủ mạnh, chẳng khác nào ngồi chông chênh trên một thuyền thúng giữa biển khơi. Nếu không khéo giữ, ông có thể bị lật úp bất cứ lúc nào.

 

Trần Chương – Thoibao.de