Vì sao Tô Tổng vẫn ẩn ý, muốn cải cách phải xóa sổ băng Nghệ Tĩnh?

Tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được giới quan sát phân tích, đánh giá là một người có xu hướng cải cách. Ông Tô Lâm cũng là người thực dụng, và không tin vào các học thuyết hay lý luận.

Trong cặp đôi Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trước đây, ông Ba Dũng được đánh giá là nhân vật cải cách, trong khi, ông Trọng lại là người bảo thủ. Tổng Trọng luôn kiên định với cái gọi là Chủ nghĩa Xã hội, hay Chủ nghĩa Cộng sản, dù không biết đến bao giờ mới xây dựng được.

Gần đây, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên tiếp xuất hiện bên cạnh Tô Tổng. Theo một số đánh giá, ông Tô Lâm có thể muốn mượn hình ảnh của Ba Dũng, để chứng tỏ rằng, ông là một nhân vật cải cách của Việt Nam.

Lúc sinh thời, Tổng Trọng đã nhiều lần khẳng định, với một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, thì mục tiêu cao cả và quan trọng nhất, là phải cải thiện phúc lợi xã hội cho người dân. Nhưng trên thực tế, Tổng Trọng lại “cao kiến” đưa ra cái gọi là “xã hội hóa” ngành Y tế cũng như Giáo dục. Nghĩa là, toàn xã hội phải tự lo lấy, còn chi ngân sách cho 2 lĩnh vực này chạy đi đâu thì không ai biết.

Lấy dẫn chứng nhỏ như vừa kể, để thấy, việc cải cách thể chế, kể cả thể chế chính trị, là điều cần thiết, và được đa số người Việt Nam mong đợi. Tuy nhiên, chắc chắn có những lực cản đối với công cuộc cải cách, và đây là điều mà Tô Tổng phải giải quyết, nếu giả sử ông muốn thực hiện.

Sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, có những ý kiến tin rằng, ông sẽ cải cách chính trị, thậm chí có thể phá bỏ mô hình cũ của Tổng Trọng, để thay đổi thành một mô hình mới, mang bản sắc riêng của Tô Lâm.

Trong bài viết đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cho biết, “sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, với mục đích đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Một số đánh giá cho rằng, Tô Tổng sẽ xây dựng một nhà nước pháp quyền, dưới sự lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mới đây, truyền thông nhà nước đưa tin, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì cuộc họp thường trực Tiểu ban Văn kiện của Đại hội 14. Tô Tổng khẳng định, văn kiện phải là “ngọn đuốc soi đường cho chúng ta đi, phải bảo đảm kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và tương lai”.

Theo báo VietNamNet, tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo đanh thép:

“Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với phương châm “không ngừng”, “không nghỉ”, đưa cuộc chiến chống “giặc nội xâm” tới thắng lợi hoàn toàn.”

Công luận lập tức đặt câu hỏi, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 14, phải thể hiện đường lối và chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai, từ năm 2026 đến 2031. Vậy tại sao, tân Tổng Bí thư Tô Lâm lại nhấn mạnh đến công cuộc chỉnh đốn Đảng, cũng như chống tham nhũng, tiêu cực?

Phải chăng, ông Tô Lâm sẽ bắt đầu công cuộc tẩy rửa sạch những di sản của Tổng Trọng để lại, đặc biệt là về nhân sự. Nghĩa là, bước đầu, Tô Tổng có thể sẽ thực hiện việc đào tận gốc, trốc tận rễ, đối với hệ thống quyền lực sâu, rộng, của Tổng Trọng trên cả nước. Đặc biệt đối với phe cánh chính trị Nghệ An – Hà Tĩnh – những bệ đỡ quan trọng cho quyền lực của Tổng Trọng trong hơn 13 năm qua.

Theo giới phân tích, nếu Tô Tổng muốn “cải cách thể chế” chính trị, muốn tháo gỡ những vướng mắc do thể chế chính trị hiện nay gây ra, thì ngay lập, tức phải xóa bỏ sự cản trở cố hữu, của các phe cánh chính trị, hình thành từ thời Xô viết Nghệ Tĩnh, và còn duy trì cho đến hôm nay.

 

Trà My – Thoibao.de